Dân Việt

Điệu Lâm Thôn thấp thoáng sân chùa

Trần Hiệp Thủy 19/05/2014 11:52 GMT+7
“Về Sóc Trăng vui điệu Lâm Thôn”- ca từ bài hát nổi tiếng “Chiếc áo bà ba” như lời giới thiệu mộc mạc về Sóc Trăng, tỉnh có đông bà con Khmer nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Nhưng thật ra, lời ca, tiếng nhạc ngũ âm hòa điệu múa Lâm Thôn không phải của riêng Sóc Trăng, mà là sản phẩm văn hóa độc đáo của cộng đồng Khmer Nam Bộ.

Lâm Thôn là vũ điệu thường thấy trong dịp Đôn Ta, Ok Om Book, Chol Chnam Thmây hay những dịp sinh hoạt vui chơi của bà con Khmer. Người Khmer sinh ra, lớn lên đã biết múa hát với nhiều điệu múa như Răm Vông, Lăm Leo, Saravan… nhưng phổ biến nhất vẫn là múa Lâm Thôn vì sự gần gũi, bình dân và tính cộng đồng cao của nó.
Khai điệu Lâm Thôn (Ảnh minh hoạ, nguồn: ĐĐK)
Khai điệu Lâm Thôn (Ảnh minh hoạ, nguồn: ĐĐK)

Động tác múa Lâm Thôn khá đơn giản, khi tiếng nhạc vang lên, mọi người cùng uyển chuyển bước chân theo nhịp điệu, di chuyển thành vòng tròn hoặc thành hàng, không giới hạn số người tham gia. Nữ thì lượn 2 tay lên trước ngực thể hiện sự mềm mại; nam thì dang rộng 2 tay về phía hai bên hông thể hiện sự mạnh mẽ, chở che cho bạn múa.

Phần lớn người Khmer miền Tây Nam Bộ không sống quá tách biệt trong phum, sóc mà cộng cư với phần đông người Kinh, Hoa, nên sinh hoạt cộng đồng, văn hóa từ lâu đời đã tự nhiên có gắn bó, có sự giao thoa ngôn ngữ, đổi trao nhau tập tục mà vẫn giữ nét riêng có.

Một trong những “tụ điểm” mà bọn trẻ con người Kinh chúng tôi thường đến “ăn ké” bánh tét, chuối già, xôi chè là các điểm chùa Khnner. Ký ức tuổi thơ tôi còn nhớ như in những dịp lễ hội Khmer mấy mươi năm trước, thấp thoáng sân chùa điệu múa Lâm Thôn của những cặp gái trai các dân tộc Việt – Khmer.

Chùa Khmer không chỉ là một thiết chế tôn giáo, là công trình nghệ thuật độc đáo mang đậm bản sắc văn hoá, mà còn là nơi lưu giữ truyền thống, tập tục, điểm sinh hoạt cộng đồng, là trường học, là ngôi nhà của ông bà, tổ tiên họ trong cõi đi về.

Bản sắc văn hóa, truyền thống, lịch sử Khmer Nam Bộ đã từng được thể hiện, lưu giữ qua những chứng tích trên sách lá buông, trên giấy xếp hoặc trên những tấm da thô, những giá trị vật thể, phi vật thể còn lại với thời gian.

Mái chùa vòm cong, sân chùa rợp bóng mát cây xanh cổ thụ và những điệu múa Lâm Thôn, hát dù Kê, nhạc ngũ âm còn tồn tại với thời gian như dòng chảy văn hóa của một dân tộc nhiều đời cộng cư, đoàn kết Kinh – Khmer - Hoa – Chăm, tạo thành nét đặc sắc riêng của miền Tây Nam Bộ.