Dân Việt

Di tích Phu Văn Lâu bị sập vì thiếu sự quan tâm?

An Sơn 17/05/2014 07:13 GMT+7
Phu Văn Lâu rơi vào tình trạng trên là do không được quan tâm đúng mức. Không chỉ di tích này mà nhiều di tích khác ở Huế cũng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nhưng cũng chưa được quan tâm trùng tu.
Như Dân Việt đã thông tin, lúc 5 giờ 50 phút ngày 15.5, di tích Phu Văn Lâu - kiến trúc nằm ngay trước Kỳ đài của Kinh thành Huế - đã bị sập phần mái ở góc trái phía sau, khiến ngói vỡ và gỗ mục đổ ngổn ngang.

Cùng với phần góc trái bị sập, nhiều cột, kèo của di tích này cũng đang có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào vì đã bị mối mọt làm cho mục ruỗng hoàn toàn. Sau khi vụ việc xảy ra, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã phong toả hiện trường để ngăn người dân và du khách đến gần.

Hiện trường vụ sập góc trái phía sau  di tích Phu Văn Lâu.
Hiện trường vụ sập góc trái phía sau di tích Phu Văn Lâu.

Theo ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Phu Văn Lâu dưới chế độ Việt Nam cộng hòa đã được trùng tu. Từ năm 1993 đến nay, di tích này còn được trùng tu một đợt nữa, nhưng do khó khăn nên tiến hành với quy mô nhỏ, không đồng bộ. Đến nay, các cột gỗ của di tích này đã bị mục ruỗng hoàn toàn và không chịu được lực. “Chúng tôi sẽ có hội đồng đánh giá và khắc phục nhanh hậu quả, nhưng về lâu về dài phải có dự án để trùng tu lớn. Vì sau ngày đất nước giải phóng đến giờ, di tích này chưa một lần được trùng tu đúng nghĩa…”- ông Hải nói.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa- nguyên Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, Phu Văn Lâu rơi vào tình trạng trên là do không được quan tâm đúng mức. Theo ông Hoa, không chỉ di tích này mà nhiều di tích khác ở Huế cũng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nhưng cũng chưa được quan tâm trùng tu. “Huế chưa có một quyết tâm mang tính chiến lược trong trùng tu di tích. Cái gì dễ làm, dễ khai thác du lịch thì họ trùng tu, còn lại thì hư đến đâu sửa đến đấy, hoặc là không quan tâm”- ông Hoa nói.

Phu Văn Lâu được xây dựng năm 1819, dưới triều Nguyễn, để làm nơi niêm yết những văn bản quan trọng của triều đình. Đây là di tích quan trọng trong quần thể di tích cố đô Huế, đã được công nhận di sản văn hóa thế giới.