Song như Tổng Giám đốc Trần Thanh Hà tâm sự: “Công ty còn nhiều việc phải lo, phải làm. Niềm vui đan xen trăn trở đến với những người trồng cao su trước thời cơ, vận hội mới!”.
Niềm vui…Bước vào năm 2014, niềm vui đến với Công ty (Cty) Cao su Hương Khê: Bộ máy lãnh đạo mới hoàn thiện. Hai chức danh chủ chốt quan trọng nhất vừa được Tập đoàn Cao su Việt Nam bổ nhiệm. Ông Trần Ngọc Sơn, được giữ chức Chủ tịch HĐTV.
Chăm sóc cây cao su ở Cty Tnhh MTV Cao su hương Khê.
Đến thời điểm này, hơn 4.000 ha cao su đứng của Cty TNHHMTV Cao Su Hương Khê trải dài trên địa bàn 22 xã của 4 huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ đang ở thời kỳ phát triển tốt. Trong số đó có 300 ha do Cty trồng lứa đầu tiên tại nông trường Hương Thủy và Hà Linh, vanh thân đã đạt trên 30cm, chiều cao thân cây trung bình đạt 6m. Dự kiến đến năm 2015 Cty sẽ đưa vào khai thác.
Năm 2013 mặc dù thời tiết không thuận lợi, một số diện tích trồng đại điền bị lấn chiếm, tranh chấp trái phép làm ảnh hướng lớn đến tiến độ kế hoạch, song đơn vị vẫn khai hoang, trồng mới được 520 ha/700 ha cao su đại điền. Đến thời điểm này, các nông trường đã cơ bản hoàn thành vụ trồng mới. 10 vườn ươm tum bầu kết hợp tạo giống lâm nghiệp tại 7 nông trường đã chuẩn bị trên 76 vạn cây đủ để trồng cho trong năm. Điều đáng ghi nhận là, Công ty đã giải quyết việc làm cho 1.200 lao động trên địa bàn có thu nhập ổn định, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở các xã còn nhiều khó khăn. Chỉ riêng tại nông trường Phương Điền, huyện Hương Khê của Cty, mức thu nhập bình quân của người lao động ở đây đã đạt 3,6 triệu đồng/người/ tháng; trong đó có 30/160 công nhân đạt đến 5 triệu đồng/ người/tháng. Nhiều hộ có thu nhập từ cây cao su và các nguồn khác từ vườn rừng đạt 70-80 triệu đồng/năm.
…và những trăn trởTrao đổi với chúng tôi, ông Tổng Giám đốc Trần Thanh Hà cho biết, bên cạnh những thuận lợi đã đạt được, Cty cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do Cao su là cây mới được hội nhập vào Hà Tĩnh thời gian chưa dài, người dân chưa thấy rõ lợi ích to lớn do nó mang lại. Mặt khác, diện tích trồng đại điền hầu hết nằm ở vùng sâu vùng xa, địa hình cách trở, đường sá không thuận lợi, nhận thức hiểu biết về pháp luật của bà con thấp…từ đó dẫn đến nhiều vụ việc lấn chiếm, tranh chấp đất rừng xảy ra với các nông trường của Công ty. Một số đối tượng do quyền lợi cá nhân, cục bộ đã cầm đầu kích động, lôi kéo một số dân địa phương tìm mọi cách phá hoại, ngăn cản, thậm chí chống đối lại chủ đầu tư một cách dai dẳng, quyết liệt. Nhiều vụ xô xát đổ máu xẩy ra đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tâm tư CBCN, tới kế hoạch sản xuất và tiền của.
Đến thời điểm này, diện tích bị dân xâm lấn chưa được giải quyết dứt điểm tại địa bàn huyện Hương Khê lên tới 820,3ha. Trong đó đáng chú ý nhất là “điểm nóng” ở xã Hòa Hải, kéo dài đã một năm nay nhưng vẫn chưa có lối thoát. Bởi theo lý, đất đai là của Cty đã được cấp quyền sử dụng; số diện tích 374,4 ha đất rừng ở đây UBND tỉnh đã có quyết định cho phép đơn vị thuê trồng cao su kể từ năm 2012. Được biết, để hoàn tất thủ tục thuê đất, Cty đã đầu tư gần 5 tỷ đồng. Song cái còn lại theo dư luận là do cách làm chấn chừ, thiếu quyết đoán của lãnh đạo huyện. Trồng cao su là một chủ trương lớn đã được quán triệt từ T.Ư đến địa phương. Cao su là cây xóa đói giảm nghèo có hiệu quả nhất so với các cây trồng ở vùng rừng núi, nông thôn nước ta. Nhờ có cây cao su, bao địa phương ở vùng sâu vùng xa đã được đầu tư đáng kể về cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm, nâng cao cuộc sống cho người lao động. Không chỉ ở nước ta mà chương trình đưa cây cao su sang các nước của Tập đoàn Cao su Việt Nam đang được Chính phủ, nhân dân Lào, Campuchia hoan nghênh, đón nhận.
Điều cần làm ngay cả về phía tỉnh Hà Tĩnh và huyện Hương Khê: khẩn trương tìm cách giúp Cty và các hộ dân ở Hòa Hải tháo gỡ bế tắc để cùng nhau phát triển một cách bền vững.