Dân Việt

Phụ cấp cho cán bộ dân số quá ít ỏi

Lam Khê 13/05/2014 09:06 GMT+7
Trong những năm qua, nhờ đội ngũ cán bộ dân số hoạt động hiệu quả, công tác dân số ở 5 huyện ven biển của Hà Tĩnh được đẩy mạnh, tỷ lệ sinh giảm... Tuy nhiên, đóng góp lớn nhưng các cán bộ dân số ở các huyện này nhận được phụ cấp rất ít ỏi.
Làm nhiều, hưởng ít

Là xã vùng ven biển của huyện Lộc Hà, xã Thạch Kim trước đây ít quan tâm đến công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), nhiều gia đình muốn sinh đẻ nhiều để có con trai đi biển. Tuy nhiên, từ khoảng 4 năm lại nay công tác dân số ở xã ven biển này được tăng cường, hình thành nhiều CLB DS-KHHGĐ, các tủ sách DS-KHHGĐ và phương tiện tránh thai được cấp miễn phí cho bà con ngư dân. Có được kết quả đó nhờ tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ dân số và cộng tác viên.

Phụ nữ xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà trong một buổi tuyên truyền  về công tác DS-KHHGĐ.
Phụ nữ xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà trong một buổi tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ.

Chị Nguyễn Thị Thúy Diệu- cán bộ chuyên trách dân số xã Thạch Kim cho biết: Người dân Thạch Kim chủ yếu đi biển và làm hậu cần nghề cá, tuy diện tích hẹp nhưng dân số xấp xỉ 11.000 người, với 2.200 hộ dân. Đây cũng là địa phương rất khó khăn trong công tác tuyên tuyền vận động về DS-KHHGĐ vì 2/3 dân số trong xã là giáo dân, vì thế mà tỷ lệ sinh con thứ 3 trong năm 2013 vẫn cao, chiếm tỷ lệ 36%.

Một yếu tố khác tác động đến công tác dân số là kinh phí cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên quá thấp. Theo chị Diệu: “Cán bộ chuyên trách thì tổng số tiền được hưởng mỗi tháng được 1,5 triệu đồng/người/tháng, còn cộng tác viên dân số mỗi tháng được hỗ trợ 315.000 đồng/người là quá ít. Trong khí đó, ngoài nghề đi biển, người dân xã Thạch Kim còn kinh doanh thủy hải sản, vì vậy khoản hỗ trợ như thế không thu hút được cộng tác viên tâm huyết với công tác dân số”.

Chị Phan Thị Mai - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạch Kim (có 8 năm làm công tác DS-KHHGĐ) cho hay, để thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ ở vùng biển lại là vùng giáo dân đòi hỏi cán bộ dân số thực sự tâm huyết, tuyên truyền vận động phải khôn khéo mới đạt hiệu quả. Muốn lôi cuốn được cán bộ tâm huyết thì phải tăng kinh phí hỗ trợ cán bộ, đội ngũ cộng tác viên dân số ở thôn, xã.

Tăng kinh phí làm dân số

Mới đây trong cuộc làm việc với Đoàn công tác của Tổng cục DS-KHHGĐ, lãnh đạo Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh Hà Tĩnh đã cam kết tăng mức đầu tư kinh phí cho công tác dân số. Ông Đường Công Lự-Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Hà Tĩnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo cho biết, trong năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014, HĐND và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành 9 văn bản quy phạm pháp luật về công tác dân số, trong đó có nghị quyết của HĐND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2014-2020.

Theo nghị quyết này, mỗi năm, các cấp tỉnh, huyện, xã, giao chỉ tiêu, bố trí tối thiểu 0,1% tổng chi ngân sách thường xuyên cho công tác dân số. Theo đó, năm 2014, ở cấp tỉnh, tổng kinh phí được giao là hơn 12 tỷ đồng, cấp huyện là trên 1,4 tỷ đồng. Một số địa phương như Kỳ Anh, Thạch Hà, Hồng Lĩnh, Can Lộc… đã giao chỉ tiêu, bố trí kinh phí bằng hoặc cao hơn mức HĐND, UBND tỉnh quy định.

Cụ thể, huyện Kỳ Anh bố trí 348 triệu đồng, Hồng Lĩnh 200 triệu đồng… Riêng tại huyện Thạch Hà, theo ông Nguyễn Lương Lĩnh- Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo công tác dân số huyện Thạch Hà, năm 2014 huyện đầu tư 210 triệu đồng chi thường xuyên cho công tác dân số.