Hết lòng với nông dân (ND), đó là phương châm, mục đích làm việc của chị
Nguyễn Thị Hoa - Phó Chủ tịch Hội ND xã Kim Long (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc).
“Ông bà ta dạy, năng nhặt sẽ chặt bị, ngẫm từ gia đình mình, tôi thấy đúng lắm! Cứ kiên trì, cố gắng sẽ thắng khó nghèo...” - chị Hoa mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Không lý gì mà cam chịu đói nghèo
Chị Hoa kể, ngày trước cuộc sống của gia đình chị như bao hộ thuần nông nơi đây thu nhập chủ yếu từ ruộng đồng, tất bật một nắng hai sương nhưng vẫn luôn thiếu đói. “Nhiều nơi đồng đất cũng như thế này mà người ta làm giàu được thì không có lý gì mình cam chịu nghèo khó” - chị Hoa trăn trở.
Sau khi thống nhất với chồng, đầu năm 2000, gia đình chị là một trong những hộ đầu tiên của xã Kim Long đăng ký vay vốn Ngân hàng NNPTNT xây chuồng trại nuôi gà, lợn và đào ao thả cá. Vốn có một chút kinh nghiệm về thú y, lại vận dụng sáng tạo kiến thức khoa học vào chăn nuôi nên đàn lợn, đàn gà của nhà chị phát triển tốt, hầu như rất ít mắc bệnh dịch. Từ năm 2002 đến nay, bình quân mỗi năm vợ chồng chị xuất ra thị trường khoảng 5 tấn cá, hàng nghìn con gà, hàng trăm con lợn thịt, trừ các khoản chi phí, lãi không dưới trăm triệu đồng.
Kinh tế dần ổn định, mái ngói cấp 4 cũ kỹ được vợ chồng chị thay bằng căn nhà 3 tầng khang trang cùng nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, khoản nợ ngân hàng được thanh toán mà còn có tích lũy. Hơn hết, các con của chị đều được ăn học đến nơi đến chốn.
Năm 2008, chị được hội viên tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội ND xã và giữ cương vị đó cho đến nay.
Làm sao có nhiều hộ giàu
Đó là điều chị Hoa luôn trăn trở. Chị còn nhớ như in những ngày đầu năm 2010 khi chị đem giống thanh long ruột đỏ cùng kỹ thuật trồng từ huyện Lập Thạch về để phổ biến cho bà con, nhưng mọi người đều nghi ngại, lắc đầu. Để chứng minh giá trị của thanh long ruột đỏ, chị dành hẳn một phần đất vườn để dựng cột, trồng thử 100 trụ. Sau hơn 1 năm thanh long cho thu hoạch lứa quả đầu, bán giá 35.000 đồng/kg, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các giống cây khác. Từ kết quả đó, chị Hoa đã mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và cung cấp giống cho gần 50 hộ khác trong xã...
Chị cũng là người đi đầu vận động bà con cấy lúa xuân muộn, mùa sớm, tạo quỹ đất để làm vụ đông, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Để giúp hội viên có kiến thức sản xuất, chị cùng tập thể lãnh đạo Hội ND xã mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Riêng năm 2013, Hội ND xã đã tổ chức được 20 lớp tập huấn cho gần 2.000 lượt hội viên ND về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, sử dụng chế phẩm IFM, xử lý môi trường... Năm nào, Hội cũng tổ chức 2 - 3 lớp dạy nghề ngắn hạn về kỹ thuật sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi, thú y, trồng rau an toàn cho hơn 100 hội viên. Chị còn vận động hội viên đóng góp gần 110 triệu đồng để giúp các hộ khó khăn phát triển sản xuất...
Các hoạt động của Hội đã tác động tích cực đến sản xuất. Đến nay, 100% hộ ND sử dụng các giống lúa chất lượng cao; chăn nuôi lợn thịt quy mô 30 - 180 con ngày càng nhiều. Nhiều hộ chăn nuôi đã xây hầm biogas và xử lý chế phẩm IFM. Đời sống người dân trong xã ngày càng được cải thiện. Năm 2013, 75% hộ hội viên thuộc diện khá, giàu.