Một bài viết đăng trên tờ National Interest của Mỹ bình luận, với việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam và liên tiếp có những hành động gây hấn, tấn công tàu Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, Trung Quốc ngày càng bị thế giới nhìn thấu âm mưu và xa lánh.
Hình ảnh tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam khiến cộng đồng thế giới lên án.
Tờ báo viết, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng gia tăng các hành động gây hấn, khiêu khích, chủ động làm tăng căng thẳng ở Biển Đông. Đặc biệt động thái mới nhất khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam và gia tăng những hành động gây hấn, bóp méo sự thật… đã khiến Trung Quốc có thể mắc một số sai lầm về chiến thuật. Và theo tờ báo này, điều quan trọng nhất là quốc tế đã thấy rõ mưu đồ của Trung Quốc và đang xa lánh quốc gia này bằng những chỉ trích mạnh mẽ.
Tờ báo viết, Mỹ là một trong số nhiều nước đã nhanh chóng lên tiếng về vụ việc này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng hành động đưa giàn khoan và nhiều tàu hộ tống của Trung Quốc vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động khiêu khích và gia tăng căng thẳng.
Ngoài ra, hành động của Trung Quốc cũng vi phạm các nguyên tắc trong Tuyên bố về cách ửng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và làm dấy lên những nghi ngờ của các nước trong khu vực về động cơ thực sự của Trung Quốc.
Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines, Singapore và Malaysia… cũng đã bày tỏ quan ngại về những hành động của Trung Quốc trong khu vực.
Indonesia, nước vốn duy trì tính trung lập của mình trong các tranh chấp trên Biển Đông cũng đã thay đổi quan điểm của mình và phản đối những tuyên bố chủ quyền Trung Quốc và cho rằng nó sẽ gây ảnh hưởng đến chủ quyền của Indonesia trong vùng biển Natuta.
Không chỉ có tờ National Interest, các tờ báo lớn khác trên thế giới như Wall Street Journal, India Express, Reuters, AP, AFP… cũng có nhiều bài viết đưa ra những quan điểm phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh đến sự vi phạm luật pháp mà Bắc Kinh cố tình làm ra để đi ngược lại với cộng đồng quốc tế.
Nhật báo "Wall Street Journal" của Mỹ nhận định Trung Quốc đang cố gắng biện minh cho các nỗ lực bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981, dù hành động này rõ ràng là trái với Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
Tờ Indian Express cũng nhận định rằng, tân Chính phủ của Ấn Độ cũng đặt ra mục tiêu cứn rắn hơn với Trung Quốc. Tờ báo nhận định, là nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, Ấn Độ phải hiện đại hóa nhanh chóng lĩnh vực quốc phòng dọc đường biên giới tranh chấp, kéo dài ở dãy núi Himalaya hùng vĩ. Ấn Độ cũng phải tăng cường sự ủng hộ về chính trị và ngoại giao đối với Việt Nam, Philippines và Nhật Bản - những nước đang phải chịu đựng sự đe dọa của Bắc Kinh về tranh chấp lãnh thổ.
Chính phủ mới tại New Delhi phải làm sâu sắc quan hệ đối tác quân sự với tất cả các nước ASEAN, vốn chia sẻ những e ngại của Ấn Độ về sự nổi lên một cách không hòa bình của Trung Quốc. Tờ báo viết: “Nếu hiện nay không đứng về phía các nước láng giềng nhỏ hơn của Trung Quốc, thì dù sớm hay muộn Ấn Độ cũng sẽ trở thành nạn nhân trước những hành động xâm lược của Bắc Kinh”.