Dân Việt

Tên em, chẳng thiếu chẳng thừa!

Út Tẻo 14/05/2014 07:55 GMT+7
Đời sống của người dân đồng bằng sông Cửu Long luôn gắn liền với mảnh vườn, thửa ruộng. Trong vườn nhà, người ta thường trồng các loại cây ăn trái quen thuộc như mận, xoài, ổi, dừa, chuối, đu đủ, …

Là cây có nguồn gốc từ nam Mêxico, Trung Mỹ và Nam Mỹ, đu đủ là loại cây thân thảo, không hoặc ít khi có nhánh, cây thường cao quá đầu người. Lá to hình chân vịt, cuống dài, rộng chừng nửa thước tây, có nhiều khía.

Người ta thường ươm hat đu đủ trong đất phân, đất mùn. Khi cây con cao cỡ gang tay người thì mang trông trong những mô đất cao. Theo kinh nghiệm của dân gian, tránh cho rễ cái loài cây này ăn sâu xuống gặp phải phèn chua, nước mặn, cây sẽ cằn cỗi, người ta thường chêm vào giữa hố miếng sành, gạch bể, với dụng ý tránh rễ cây đâm sâu.

Đu đủ trộn mắm tép
Đu đủ trộn mắm tép

Đu đủ thường cho trái quanh năm, loài cây này nở bông trắng, hay xanh, đài nhỏ, vành to năm cánh. Trái đu đủ to tròn, hoặc thon dài, khi chín mềm, hạt vàng cam, có nhiều hạt.

Trái đu đủ già gần chín dân gian gọi là đu đủ mỏ vịt vì màu cơm của nó vàng tươi gần với mỏ vịt ta, được hái về bào nhuyễn trộn gỏi với tép luộc, khô cá lóc nướng, … Ngon nhất là đu đủ trộn mắm cá, tép sống. Đu đủ bào sợi xong, mạnh tay vắt cho thật ráo nước rồi đem phơi sơ ngoài nắng để sợi đu đủ dai, giòn.

Đu đủ và riềng để trộn mắm tép
Đu đủ và riềng để trộn mắm tép

Mắm cá, tép vớt ra rồi xé hoặc cắt thành miếng vừa ăn. Đu đủ bào được trộn thêm với ít muối, đường, bột ngọt, … đặc biệt không thể thiếu vị cay của ớt hiểm, tỏi, gừng và riềng đâm nhuyễn.

Cho mắm vào trộn đều gắp ra dĩa, rắc thêm ít ngò gia xắt nhỏ lên vừa tạo mùi, vừa đẹp mắt.

Đu đủ là thứ quả được dùng trong mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Tây Nam Bộ (gồm các thứ quả mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài. Vì quan niệm của người miệt vườn như cách đọc ghép tên các thứ quả này thành cầu vừa đủ xài sung).

Đu đủ trồng cặp bờ sông
Đu đủ trồng cặp bờ sông

Đu đủ chín vàng có thể chưng cúng trên bàn thờ Ông Thiên, bàn thờ Ông Địa, … Đủ đủ chín gọt ăn táng miệng sau bữa cơm hay mời khách quen ghé nhà thăm cho tình nghĩa thêm nồng đậm.

Đu đủ chín có quanh năm và mùa nào dùng cũng tốt cho sức khoẻ. Vào mùa hè, ăn đu đủ có tác dụng thanh tâm, nhuận phế, giải nhiệt, giải độc. Vào thu đông, đu đủ giúp nhuận táo, ôn bổ tỳ vị, dưỡng can, nhuận phế, chỉ khái, hoá đàm.

Đu đủ có tác dụng tốt cho những người mau già, thể trạng không sung mãn, có các bệnh mạn tính.

Đu đủ oằn sai
Đu đủ oằn sai

Đu đủ chín coi là một món ăn bồi bổ và giúp sự tiêu hoá các chất thịt. Còn trong nấu ăn khi hầm các loại thịt, xương cứng người ta thường cho quả đu đủ xanh vào làm cho các thức ăn mau nhừ, nhuyễn, tiêu hoá tốt

Đu đủ rất giàu enzyme tự nhiên, dễ dàng thấm sâu vào làn da giúp đẹp da, mau lành các tổn thương trên da. Đu đủ cũng có tác dụng tẩy tế bào da chết, hồi phục sự tươi trẻ cho làn da, vì thế nó được các thiếu nữ ưa thích, ngọt lịm như lời ca:

Đu đủ chín trĩu nặng
Đu đủ chín trĩu nặng

Đu đủ chín vàng
Đu đủ chín vàng

Tên em chẳng thiếu chẳng thừa/ Chín vàng ngon ngọt cho vừa lòng anh.

Tuy vậy, dân gian cũng khuyên rằng không nên ăn hạt đu đủ bởi trong hạt đu đủ có chứa chất độc. Cũng không ăn nhiều đu đủ chín hàng ngày trong thời gian dài vì sẽ khiến phần da lòng bàn tay, bàn chân bị vàng đi.