Vũ khí của Pháp luôn được đánh giá cao trên thế giới vì những tính năng chiến đấu rất ưu việt của mình. Trong quá khứ, Việt Nam từng quan tâm và muốn đặt mua 24 máy bay chiến đấu Mirage-2000 của Pháp nhưng rất tiếc do điều kiện lúc đó không cho phép nên thương vụ này đã không thành.
Những năm gần đây, do tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến đổi, quan hệ hợp tác của Việt Nam với thế giới đã rộng mở hơn rất nhiều khiến cho việc mua sắm vũ khí không chỉ giới hạn từ nguồn cung duy nhất là Nga. Trong số những vũ khí được Việt Nam đặt mua thời gian qua, nhiều loại đã có nguồn gốc từ Israel, Đông Âu và từ cả những nước thuộc NATO trong đó có Pháp.
Có thể kể ra một số vũ khí tiêu biểu của Pháp đã và sắp có mặt trong biên chế của Quân đội nhân dân Việt Nam gồm những chủng loại sau đây:
1. Radar giám sát biển Coast Watcher 100Theo bức ảnh xuất hiện trong bài viết trên báo Quân đội Nhân dân thì Hải quân Nhân dân Việt Nam đã được trang bị hệ thống radar giám sát biển Coast Watcher 100 do Tập đoàn Thales - Pháp chế tạo.
Hệ thống radar giám sát biển Coast Watcher 100 của Trung đoàn radar 451 (Vùng 4 Hải quân). Nguồn: qdnd.vn
Hệ thống radar Coast Watcher 100 (CW-100) được thiết kế cho nhiệm vụ giám sát bờ biển, phát hiện sớm từ xa các tàu thuyền lạ xâm nhập vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế. CW-100 được đánh giá là một trong những hệ thống radar giám sát biển hiện đại hàng đầu thế giới. Điểm đặc biệt của hệ thống radar này là có khả năng xóa bỏ “giới hạn đường chân trời”.
Các radar giám sát thường hoạt động theo nguyên lý truyền sóng bức xạ điện từ, nhưng sóng này lại có xu hướng đi theo đường thẳng. Trong khi đó, Trái đất lại có dạng hình cầu, điểm giao nhau giữa đường thẳng của sóng radar và hình cầu của Trái đất được gọi là “giới hạn đường chân trời”.
Giới hạn đường chân trời khiến các trạm radar cảnh giới bố trí từ mặt đất sẽ không thể phát hiện được các mục tiêu di chuyển ngoài vùng này, nhất là các mục tiêu di chuyển trên mặt biển nơi mà giới hạn đường chân trời được phát huy tối đa. Đây điểm yếu “chí tử” của các radar giám sát và cảnh giới, điểm yếu này luôn được đối phương khai thác triệt để.
Để vượt “giới hạn đường chân trời”, Coast Watcher 100 sử dụng sóng truyền bề mặt dựa vào sóng đất với bước sóng khoảng 10m. Công nghệ này cho phép sóng radar truyền đi theo đường cong của trái đất, đồng nghĩa với giới hạn đường chân trời trong trường hợp này bị loại bỏ.
Hệ thống anten của Coast Watcher 100 thiết kế hoàn toàn từ sợi carbon nên có độ bền rất cao. Có thể cung cấp khả năng giám sát bờ biển 24 h/ngày liên tục trong 365 ngày mà không cần bảo trì.
Radar Coast Watcher 100 hoạt động ở băng tần X, tần số 300 MHz, phạm vi phát hiện mục tiêu tới 170 km ở góc phương vị 900. Nó có thể phát hiện các mục tiêu như: tàu thuyền nhỏ tàng hình có diện tích phản xạ radar (RCS) 1m2 ở cự ly 45 km; phát hiện máy bay tuần tra hàng hải có diện tích phản xạ radar 25m2 bay ở độ cao 170m ở cự ly 90 km; tàu cá có RCS 50m2 chiều cao 3m trên mực nước biển từ cự ly 145 km; tàu chiến có RCS 10.000m2, chiều cao 10m trên mực nước biển từ cự ly 170 km.
Trong tương lai với quan hệ ngoại giao đang tiến triển ngày càng tốt đẹp, việc Việt Nam mua phiên bản hiện đại hơn là Coast Watcher 200 để nâng cao năng lực giám sát biển là hoàn toàn khả thi, thậm chí chúng ta có thể nghĩ tới việc sẽ được chuyển giao công nghệ để tự sản xuất loại khí tài hiện đại này trong nước.
2. Tên lửa đối hạm Exocet MM40 Block 3Tên lửa đối hạm Exocet MM40 Block 3
Tên lửa đối hạm Exocet MM40 Block III là biến thể mới nhất của dòng tên lửa chống tàu tiên tiến Exocet và được sử dụng bởi nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Trong tương lai, loại tên lửa đối hạm cực kỳ tối tân và dày dạn chiến công này sẽ được trang bị cho các tàu hộ vệ tên lửa Sigma 9814 của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Exocet có chiều dài 5,79m; đường kính thân 0,35m; sải cánh 1,13m; trọng lượng phóng 875 kg, mang theo đầu đạn bán xuyên giáp nặng 155 kg. Tên lửa được lắp một động cơ nhiên liệu rắn cho phép đạt tốc độ hành trình cận âm (Mach 0,9).
Theo nhà phát triển MBDA, cấu hình tên lửa mới Exocet MM40 Block 3 đã mở rộng đáng kể tầm bắn (từ 70km của phiên bản Block 2) lên tới 180 km. MM40 Block 3 có thể tiếp cận đến mục tiêu theo một quỹ đạo bay 3 chiều đã xác định trước, cơ động tấn công trong giai đoạn cuối ở độ cao cách mặt biển rất thấp. Trong giai đoạn dẫn đường cuối, tên lửa sử dụng một đầu dò radar chủ động băng J với các phần tử tìm kiếm cập nhật liên tục về mục tiêu để phân biệt giữa các mục tiêu trên biển và mục tiêu ở căn cứ ven biển do hệ thống GPS chỉ điểm sau đó lựa chọn để tấn công.
Thiết kế khung của tên lửa Exocet MM40 Block 3 giảm thiểu tối đa tiết diện phản xạ tín hiệu radar, giúp nó có khả năng tàng hình nhẹ. Tầm bắn được tăng lên gấp 2,5 lần so với phiên bản Block 2 nhờ động cơ đẩy mới, bao gồm một động cơ phụ và một động cơ turbin phản lực, 4 cửa hút khí giúp tên lửa có được khả năng cơ động tuyệt vời trong giai đoạn cuối.
Có thể nói, Exocet MM40 Block 3 được đánh giá là một tên lửa diệt hạm hiện đại bậc nhất của Hải quân Pháp và cả châu Âu. Hy vọng, với những công nghệ quân sự tiên tiến của phương Tây được tích hợp trên 2 tàu chiến Sigma 9814 sẽ góp phần tạo ra sức mạnh mới cho Hải quân Việt Nam.
3. Tên lửa đối không tầm ngắn VL MICATên lửa VL MICA
MICA là dòng tên lửa phòng không tầm ngắn được phát triển bởi Pháp, vốn được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước, tương lai có thêm cả Việt Nam. Tên lửa MICA có khối lượng 112 kg gồm hai phiên bản sử dụng radar chủ động MICA RF ra mắt năm 1996 và phiên bản đầu dò ảnh nhiệt MICA IR ra mắt năm 2000.
Kết cấu gọn của tên lửa cũng dễ hiểu với nguồn gốc từ tên lửa đối không gắn trên máy bay, bốn cánh đuôi điều hướng của tên lửa cũng có thể tháo lắp.
Tên lửa MICA RF (Trái) và MICA IR (Phải)
Tên lửa MICA RF sử dụng đầu dò radar xung Doppler AD4A với chóp nhọn bảo vệ ở đầu, được cung cấp bởi liên doanh Thales và Alenia Marconi, hoạt động trong nền từ 10GHz đến 20GHz. Đây là loại đầu dò với thiết kế và hiệu suất đã được chứng minh và cũng được sử dụng trên tên lửa phòng không Aster mạnh hơn.
Tên lửa MICA IR sử dụng đầu dò ảnh nhiệt sóng kép bị động Sagem với nắp kính ở đầu tên lửa. Khối lượng đầu đạn của MICA nặng 12 kg, được đặt ngay sau đầu dò sử dụng cơ chế chạm nổ hay radar kích nổ. Tên lửa MICA có thể cơ động với khả năng chịu quá tải lên tới 50G.
Dữ liệu về mục tiêu sẽ được nạp vào tên lửa trước khi phóng, nguồn dữ liệu có thể được cung cấp bởi radar hoặc các hệ thống quan sát quang học. Sau khi được phóng từ bệ phóng thẳng đứng, tên lửa bay quán tính theo thông tin được cung cấp trước đó và giai đoạn cuối đầu dò sẽ dẫn đường để tên lửa bắn trúng mục tiêu.
Tốc độ được cung cấp bởi động cơ nguyên liệu rắn giúp MICA đạt vận tốc Mach 3, tầm bắn tối đa 20 km với độ cao tối đa là 9km, tốc độ bắn giữa hai loạt cách nhau chỉ 2 giây.
Phiên bản tên lửa phòng không MICA đặt trên tàu chiến như Sigma được tích hợp với hệ thống tác chiến của con tàu, cấu hình cơ bản là tổ hợp 8 hoặc 12 tên lửa MICA (Trên Sigma 9814 của Việt Nam là 12 quả). Thông tin mục tiêu được cung cấp qua radar hoặc cảm biến quang-điện tử của tàu và sau khi được khai hỏa, tên lửa sẽ hoàn toàn tự động bay đến mục tiêu (phương thức “bắn và quên”).
Với 12 tên lửa VL MICA trang bị trên Sigma 9814 sẽ giúp con tàu này trở thành chiến hạm có khả năng phòng không tốt nhất của Việt Nam.
Có thể thấy chủng loại vũ khí Pháp trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam còn khá ít, tuy nhiên trong chuyến thăm gần đây, Chuẩn đô đốc Pháp Pascal Ausseur cho biết Pháp sẵn sàng hợp tác và chuyển giao công nghệ vũ khí với các cơ quan Quân đội và Quân sự Việt Nam nếu nhận được yêu cầu. Với diễn biến mới này việc các loại vũ khí Pháp sẽ xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra.