Theo Văn phòng thường trực Bộ Quốc phòng Thái Lan, văn phòng Thủ tướng cùng toàn bộ khu vực xung quanh tòa nhà Chính phủ không đủ điều kiện để sử dụng do bị những người biểu tình phong tỏa. Thậm chí một tòa nhà đã bị người biểu tình chống chính phủ chiếm, trưng dụng làm trung tâm điều hành. Trước tình hình đó, một quan chức Thái Lan giấu tên cho biết: "Chính phủ hiện đang làm việc tại một địa điểm bí mật, an toàn".
Hôm 20.5, Tư lệnh Quân đội Thái Prayut Chan -O- Cha Prayut đã
ban bố thiết quân luật nhằm phục hồi trật tự sau nhiều tháng khủng hoảng chính trị.
Trong một tuyên bố, Tướng Prayut nhấn mạnh: "Khủng hoảng phải được giải quyết nhanh chóng trước khi tôi nghỉ hưu, nếu không tôi sẽ không nghỉ. Tôi sẽ không cho phép Thái Lan sẽ biến thành Ukraine hay Ai Cập thứ 2". Ông Prayut được cho là sẽ nghỉ hưu vào cuối tháng 9 năm nay.
Binh sĩ Thái xuất hiện dày đặc trên đường phố Bangkok khi quân đội nước này áp dụng thiết quân luật toàn quốc.
Tướng Prayuat cũng khẳng định, ông sẽ đứng ra chủ trì của một cuộc họp giữa đại diện các phe chính trị đang chia rẽ Thái Lan vào ngày 22.5 nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng nay.
Một phát ngôn viên quân đội cho biết cuộc họp sẽ bao gồm các các quan chức cấp cao của đảng cầm quyền và phe đối lập cũng như Ủy ban bầu cử, Thượng viện và lãnh đạo của
người biểu tình chống chính phủ. Thủ tướng tạm quyền Niwattumrong Boonsongpaisan, người mới thay thế Thủ tướng bị lật đổ Yingluck Shinawatra cũng được mời tham dự.
Thủ đô Bangkok từ khi thiết quân luật trở nên lắng dịu và người dân Thái Lan đã quay lại với cuộc sống và công việc kinh doanh dù trên đường phố đầy rẫy binh sĩ, xe bọc thép...
Hiện nay, với lệnh thiết quân luật, quân đội Thái có thể cấm các cuộc tụ họp công cộng, hạn chế đi lại của người dân, tiến hành lục soát, áp đặt lệnh giới nghiêm và bắt giữ nghi phạm trong vòng một tuần. Quân đội cũng đã ban hành lệnh cấm xuất hiện trên phương tiện truyền thông đối với các quan chức chính phủ hoặc quân đội.
Phương tiện truyền thông xã hội và các trang web được thông báo tránh đưa tin “khiêu khích" hoặc chỉ trích thiết quân luật. Cuối ngày hôm qua 20.5, thêm 4 đài truyền hình được lệnh đình chỉ chương trình phát sóng. Như vậy đã có 14 đài truyền hình ở Thái tạm bị đóng cửa.
Đồng minh lâu năm của Thái Lan là Mỹ thì tỏ ra "rất quan ngại" về tình hình Thái Lan và hy vọng động thái quân sự này chỉ là tạm thời và sẽ không ảnh hưởng đến thể chế dân chủ của quốc gia này.
Bà Jen Psaki, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: "Chúng tôi rất quan ngại về những diễn biến của cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại Thái Lan và đã hối thúc tất cả các bên tôn trọng các quy tắc về dân chủ, bao gồm quyền tự do ngôn luận".
Trong tuyên bố, bà Psaki cũng khẳng định Mỹ hiểu rằng tình trạng thiết quân luật không phải là hành vi đảo chính và cũng bày tỏ mong muốn các bên sẽ hợp tác để tìm ra giải pháp tốt nhất thông qua đối thoại hoà bình.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng ra tuyên bố kêu gọi Thái Lan "tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc dân chủ và tiến trình dân chủ", trong khi Liên minh châu Âu kêu gọi “một lộ trình rõ ràng” cho một cuộc bầu cử mới tại đất nước chùa Vàng.
Quân đội Thái Lan đã ban hành thiết quân luật sau khi nước này chìm trong các cuộc biểu tình chống chính phủ, khiến 28 người chết và hàng trăm người bị thương gần 7 tháng qua.