Diễn đàn do Ủy ban Dân tộc (UBDT) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức ngày 19.5 tại Hà Nội.
Giảm nghèo đối mặt với nhiều thách thức Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Sơn Phước Hoan, trong những năm qua, nhận thức về vai trò của công tác giảm nghèo vùng DTTS đã có sự chuyển biến tích cực từ Trung ương tới địa phương.
Tuy nhiên, với mong muốn đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo của các nhóm DTTS nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch phát triển, UBDT cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức to lớn hiện nay đối với công tác giảm nghèo nói riêng và phát triển vùng dân tộc và miền núi nói chung.
Cụ thể: Khoảng cách ngày càng tăng về trình độ phát triển của đa số các nhóm DTTS so với mức trung bình của cả nước; tình trạng dễ bị bỏ lại phía sau của nhiều hộ nghèo do không có (hoặc thiếu) đất sản xuất đi liền với không có (hoặc thiếu) việc làm ổn định; sự bất bình đẳng gia tăng trong hưởng thụ các thành quả chung của đất nước trên các lĩnh vực kinh tế - văn hoá, đặc biệt trong việc tiếp cận dịch vụ công, dịch vụ vốn, dịch vụ y tế - xã hội.
Có rất nhiều chính sách xoá đói giảm nghèo ở vùng DTTS, nhưng hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Danh Út cho biết: “Hoạt động giám sát giảm nghèo năm 2014 cho thấy rất rõ ràng về sự chồng chéo, trùng lặp về các nội dung chính sách giảm nghèo dành cho các nhóm DTTS. Mặc dù đã có những thay đổi hướng đến nâng cao chất lượng giảm nghèo, chuyển sang mục tiêu giảm nghèo bền vững, hệ thống chính sách giảm nghèo hiện nay vẫn chưa thể giải quyết được một số những thách thức cơ bản này”.
Phát huy nội lực của người dân
Tính đến hết năm 2013, tại các xã Chương trình 135 tỷ lệ nghèo vẫn ở mức trên 40%. Bình quân mỗi năm có khoảng 1/3 số hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới so với tổng số hộ thoát nghèo do hậu quả thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh.
|
Thứ trưởng Sơn Phước Hoan đánh giá: “Nếu chúng ta không tìm được những hướng đi phù hợp thì khó huy động được sự tham gia chủ động của người dân, phát huy được những thế mạnh và nguồn lực của cộng đồng trong quá trình giảm nghèo và phát triển ở vùng DTTS trong thời gian tới”.
Theo bà Louise Chamberlain - Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và là đồng chủ trì Nhóm Công tác về giảm nghèo DTTS, chính sách và chương trình chỉ nên là yếu tố kích hoạt năng lực nội sinh của các nhân và cộng đồng để khắc phục những điểm bất lợi và yếu thế.
Không nên coi các cộng đồng DTTS chỉ là những đối tượng nhận chính sách, mà nên xem họ như là chủ thể của quá trình phát triển, có đủ khả năng đóng góp và tham gia vào sự phát triển của bản thân cũng như của đất nước Việt Nam. “Bằng chứng cho thấy nhất thiết cần phải có sự phù hợp với bối cảnh địa phương mới có thể giúp các nhóm thiểu số tham gia vào và hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế quốc gia” - bà Louise Chamberlain nhấn mạnh.