Dân Việt

Xu hướng phát triển mới của báo điện tử: Cửa chính… không vào

Vietnam+ 24/05/2014 22:10 GMT+7
Đọc câu này trên tờ The Atlantic nói về tờ New York Times có lẽ nhiều người thấy khó hiểu: “Trong vòng hai năm, tờ New York Times mất 80 triệu người vào thăm trang chủ - chiếm đến một nửa lượng người vào đọc trang nytimes.com”.
Ở đây có lẽ phải giải thích một chút. Cách đây chừng dăm năm, với nhiều người, đọc báo trực tuyến có nghĩa là vào trang chủ (homepage) của những tờ báo mình yêu thích hay tin cậy, xem có tin gì mới, bài gì hay để bấm vào từng bài, từng tin để đọc.

Trang chủ của tờ New York Times (Ảnh chụp màn hình ngày 24/5)
Trang chủ của tờ New York Times (Ảnh chụp màn hình ngày 24/5)

Trang chủ của mọi tờ báo thành cái mặt tiền được chăm chút, làm sao để thu hút khách, giữ chân khách – nhiều người có tham vọng biến trang chủ của báo mình thành trang khởi động mỗi khi người dùng chạy chương trình duyệt web.

Nhưng tất cả đã thay đổi. Người ta không vào đọc tin của các báo từ cửa chính nữa. Họ không còn dạo quanh từ tờ này đến tờ khác nữa. Họ vào đọc tin, bài từ giới thiệu (referal) của nơi khác, đa phần là Facebook và các mạng xã hội khác, từ các “siêu thị tin tức” như Google News hay Yahoo News, từ gợi ý của bạn bè qua email, tin nhắn và từ kết quả tìm kiếm.

Chính vì vậy số lượng người đọc New York Times trực tiếp từ trang chủ trong hai năm qua đã giảm đến 80 triệu lượt người. Đến giờ trong 10 người vào đọc New York Times, chỉ chưa đầy 3 người vào đọc theo lối cửa chính, tức là vào từ homepage.

Ở những tờ báo ít danh tiếng hơn, đến 80-90% lượng người vào đọc là từ các nguồn giới thiệu đa dạng trong khi chỉ có 10% vào trực tiếp từ địa chỉ của trang chủ.

Điều đó có ý nghĩa gì?

Trước đây tin là đích đến, người đọc phải dùng các công cụ quen thuộc với họ để tìm kiếm; nay tin phải chạy đến với người đọc, người đọc là đích đến chứ không phải là tin nữa.

Ở đây, người “yếu bóng vía” sẽ dễ dàng “sa ngã” trước cám dỗ dùng tin “tươi mát” để dụ dỗ người đọc. Có thể họ thành công, có thể họ giữ được chân người đọc một thời gian nhưng, có lẽ rồi người cứ đọc sẽ chán vì không lẽ cứ đọc tin “lộ hàng”, “bí quyết trên giường” mãi.

Tòa soạn sa vào con đường “tẩu hỏa nhập ma” sẽ thưởng cho phóng viên theo số lượng người xem (pageview) và cứ thế kích thích lối viết rẻ tiền, giật gân, câu khách. Có lẽ giai đoạn này sẽ chóng qua.

Tuy nhiên, người làm báo trực tuyến không thể ngó lơ xu hướng này. Và hàm ý đối với họ, trước tiên là về mặt kỹ thuật. Khi trang chủ không còn là trang chủ nữa thì mỗi tin bài là mỗi trang chủ.

Thế là thay vì nỗ lực chăm chút làm đẹp trang chủ, các báo phải biến đổi trang tin thành một “tiểu trang chủ”. Nếu chú ý chúng ta sẽ thấy hiện nay bên dưới trang tin, các báo đều đã trình bày rất bắt mắt, làm sao để người đọc từ đó phải tò mò bấm vào để đọc tiếp. Dưới tin đều có những tin liên quan, tin nổi bật, tin hay trong ngày…

Điều thứ hai là rất có thể các tờ báo sẽ mất dần bản sắc, tờ nào rồi cũng sẽ như nhau. Trước đây trang chủ hay trang nhất một tờ nhật báo phản ánh những giá trị mà tờ báo ấy muốn chia sẻ với công chúng. Những tin tức mà tờ báo đưa ra ngoài trang chủ là do người làm báo muốn nhấn mạnh chúng, muốn mọi người chú ý.

Khổ nổi các mạng xã hội dẫn dắt người đọc thì không có giá trị tự thân như vậy, nó phản ánh mối quan tâm của từng cá nhân. Mà cá nhân ít quan tâm đến tin tức nóng hổi bằng những vấn đề thiết thân với họ; họ không thích sự khách quan đến độ lạnh lùng của nhà báo chuyên nghiệp, họ lại thích sự bình luận, thích sự bày tỏ thái độ của các bài mang tính diễn đàn hơn.

Cho dù giai đoạn dùng tin giật gân để câu khách có thể chóng qua, nhưng xu hướng phục vụ độc giả, chiều theo ý họ sẽ lấn lướt – điều này đã dần thể hiện qua cách đặt tít tin bài online, sao cho gợi tò mò, kích thích người đọc nhấn vào để đi tiếp.

Điều thứ ba là nhà báo nói riêng và tòa soạn nói chung phải biết cách chia sẻ tin bài của mình bằng nhiều con đường, càng nhiều càng tốt. Mỗi người viết báo phải sử dụng thành thạo các mạng xã hội và tạo cho mình một lượng độc giả riêng trên các mạng này để mỗi khi có tin bài mới, họ sẽ vào đọc theo giới thiệu từ mạng xã hội. Cái ranh giới giữa mạng xã hội và báo chính thống sẽ bị thu hẹp, ít nhất là về mặt quảng bá.

Tương tự như thế là việc các tờ báo không những chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với các nguồn thông tin khác. Không có gì ngăn cản một trang web chuyên đăng công thức dạy nấu ăn thu hút quảng cáo như một tờ báo chuyên nghiệp – nếu trang web dạy nấu ăn mà có nhiều người chia sẻ và vì thế có nhiều người đọc hơn, dĩ nhiên họ sẽ thu được từ quảng cáo nhiều hơn báo chính thống. Số liệu thực tế đã chứng minh cho xu hướng này.