Dân Việt

Shangri-La 2014: Tiếng nói lạc lõng của Trung Quốc

Quang Minh (tổng hợp) 02/06/2014 06:36 GMT+7
Dù trong phái đoàn hùng hậu của Trung Quốc có bà Phó Oánh - người được ví von là “sử dụng lời lẽ để đẩy văng bất cứ ai ra khỏi Trái đất”, nhưng tiếng nói của Bắc Kinh trên diễn đàn này đã lạc lõng.
Mặc dù trong phái đoàn hùng hậu của Trung Quốc tham dự Shangri-La 2014 tại Singapore có bà Phó Oánh - người từng được ví von là “sử dụng lời lẽ để đẩy văng bất cứ ai ra khỏi Trái đất”, nhưng chính hành động phơi bày bản chất của Trung Quốc trên Biển Đông lại khiến tiếng nói của Bắc Kinh trên diễn đàn này trở nên lạc lõng.

Diễn đàn An ninh châu Á (Shangri-La 2014) với sự tham gia của hơn 400 đại biểu chính thức đến từ 30 nước và tổ chức quốc tế đã kết thúc vào ngày 1.6 tại Singapore, sau 3 ngày thảo luận sôi nổi về các chủ đề hết sức thời sự.

Mỹ chỉ trích Trung Quốc

Bằng những lời lẽ mạnh mẽ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã đăng đàn và chỉ trích trực diện Trung Quốc khi cáo buộc Bắc Kinh gây bất ổn trên Biển Đông. Ông Hagel cho rằng, những động thái của Bắc Kinh là hành động đe dọa quá trình phát triển của khu vực về dài hạn và kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp quốc tế. Ông cũng đưa ra một thông điệp thẳng thắn tới Trung Quốc:

"Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã thực hiện các hành động đơn phương, gây mất ổn định, đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông. Mỹ sẽ không làm ngơ khi các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế bị thách thức". Ông Hagel tuyên bố, mặc dù Mỹ không đứng về bên nào trong các tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau này, song Washington "kiên quyết phản đối bất cứ nước nào sử dụng biện pháp hăm dọa, cưỡng ép hay đe dọa sử dụng vũ lực để đòi hỏi chủ quyền".

img
Bên lề Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã có cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.

Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tuyên bố tại diễn đàn rằng, Tokyo sẽ mang đến “sự ủng hộ mạnh mẽ nhất” cho các quốc gia Đông Nam Á, để bảo vệ hải phận và không phận.

Bài phát biểu của ông Abe không đề cập trực diện đến Trung Quốc, nhưng ai cũng hiểu, Bắc Kinh và Tokyo đang có những căng thẳng khó giải quyết xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Thủ tướng Nhật Abe khẳng định, đến thời điểm này, Nhật Bản đã sẵn sàng giữ một vai trò quan trọng và tích cực hơn để “bảo vệ hòa bình tại châu Á và trên thế giới”.

Chính phủ Nhật Bản ủng hộ mạnh nỗ lực của Philippines kêu gọi có một nghị quyết đối với tranh chấp tại Biển Đông và ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại”. Ông cũng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông.

Màn phản pháo vụng về

Trước những lời lẽ đanh thép của Washington và sự khẳng định sức mạnh của Tokyo ở châu Á đã khiến Bắc Kinh nổi đóa. Phái đoàn hùng hậu của Bắc Kinh đã phân công nhau tại các cuộc thảo luận đưa ra những lời lẽ phản bác lại bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản.

Tại Shangri-La 2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã có bài phát biểu, trong đó khẳng định:

“Việt Nam nhất quán chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Luật pháp quốc tế và Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt -Trung, giữ gìn hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giữ ổn định chính trị để tập trung phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân và giữ gìn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt-Trung, thông qua con đường đối thoại ở nhiều cấp, nhiều ngành với Trung Quốc để làm giảm căng thẳng hiện nay…”.

Ngày 1.6, trong bài phát biểu tại diễn đàn, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung đã cho rằng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản đã có những lời lẽ “khiêu khích” Trung Quốc.

Ngoài ra, bà Phó Oánh- Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc- đang có mặt tại Singapore cũng lên tiếng phản pháo Nhật Bản khi quy kết rằng, Tokyo khai thác xung khắc biển đảo để sửa đổi chính sách an ninh khu vực và điều này làm các quốc gia trong vùng lo ngại.

Tuy nhiên, ngay tại diễn đàn, khi bị nhiều hãng thông tấn quốc tế chất vấn về yêu sách đường lưỡi bò, về thái độ của Việt Nam đối với hành vi xâm phạm vùng biển Việt Nam của Trung Quốc, tướng Vương đã tỏ ra lúng túng và viện cớ không có đủ thời gian để lảng tránh trả lời trực diện.

Đương nhiên, những phản ứng này của Trung Quốc cũng không khiến nước nào thấy ngạc nhiên mà chỉ khiến cho cộng đồng thế giới càng biết rõ bản chất của Trung Quốc là “nói một đằng làm một nẻo”.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Nhật Bản thông báo, Tokyo sắp chuyển giao 10 tàu tuần duyên cho Philippines, 3 tàu cho Indonesia để tăng cường khả năng tự vệ. Ông Abe cho biết, Việt Nam cũng có thể được hỗ trợ như vậy từ Nhật Bản.

Theo ông Abe, để bảo vệ được nền hòa bình trong khu vực trước những đe dọa của Trung Quốc, các nước liên quan phải hợp tác chặt chẽ với nhau và với Mỹ, Australia. Sáng kiến của Tokyo có tên gọi “phòng vệ tập thể” đã được Mỹ đánh giá cao và ủng hộ.

>> XEM THÊM: Giàn khoan Hải Dương 981 tiếp tục dịch chuyển