Dân Việt

Khi nông dân làm... giảng viên đại học

Huỳnh Quang Vinh đem nguyên túi hạt giống lúa của Nhật Bản vào phòng ngủ của mình để đảm bảo nhiệt độ mát nhất, vì dạo này mưa chưa dày, khó mà gieo mạ được…
Nông dân thời toàn cầu hoá

Gặp Vinh lần đầu tiên ở chương trình tập huấn mô hình sản xuất nông nghiệp kéo dài khắp chín tỉnh/thành của Thái Lan cách đây vài năm. Anh ghi trong hồ sơ của mình chức danh là “farmer leader” – tức là người định hướng nông dân. Vinh hoạt bát, nhanh nhẹn và hay hỏi thăm những câu hỏi chạm vào bề sâu của vấn đề: “Trồng vầy tức là có đầu ra rồi mới bắt tay làm đúng không?”; “Mọi người theo dõi và đối chiếu giá nông sản của thế giới với giá của mình và cân đối nó như thế nào?”…

Trong lúc giải lao, mọi người đang loay hoay chụp ảnh, ăn bánh… thì thấy Vinh lọ mọ đi ra phía sau nông trang để nhìn ngó những trang thiết bị làm vườn. Anh hỏi thăm, ghi chép, chụp ảnh rất cẩn thận. Nhìn ánh mắt sáng hẳn lên khi nhìn thấy cái thiết bị trỉa đất gieo hạt thì hiểu rằng có nhiều suy nghĩ đang chạy tới chạy lui trong đầu anh.
Huỳnh Quang Vinh đang trao đổi với nông dân Thái Lan về kỹ thuật canh tác. Ảnh: TL
Huỳnh Quang Vinh đang trao đổi với nông dân Thái Lan về kỹ thuật canh tác. Ảnh: TL

Quả vậy, lần sau gặp lại, Vinh khoe đã cùng các cộng sự của mình phát triển thành công thiết bị trỉa hạt này, mà còn có cải tiến nhiều hơn so với thiết bị gốc của Thái Lan. “Đất An Giang ngoài trồng lúa thì còn có cơ hội rất lớn để sản xuất các loại hoa màu. Tôi chọn phân khúc trồng bắp non, đậu nành rau, đậu bắp… như một lợi thế cạnh tranh của mình để xuất đi nhiều nơi trên thế giới.

Mình canh tác theo kiểu thủ công đã quen, có cái lợi là sạch và an toàn. Nhưng nếu có thêm những thiết bị hỗ trợ thì công việc của nhà nông sẽ nhẹ nhàng hơn…” Anh cho biết, vừa đăng ký “đi học tiếp” tại triển lãm quốc tế về trang thiết bị nông nghiệp ở Hong Kong.

Học làm nông dân

Vinh tốt nghiệp học viện Ngân hàng TP.HCM, sau đó chạy qua đại học Nông lâm học tiếp. Lý do, theo anh, đó là tình yêu với nghề nông mà cha anh đã truyền lại. “Nhiều người nghĩ rằng làm nông thì cực lắm, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nên muốn tìm một công việc đỡ cực hơn khi có điều kiện.

Cha mình thì nghĩ khác, mảnh đất của mình màu mỡ vậy, nuôi lớn mình vậy, thì phải về mà làm cho nó tốt hơn, cho bà con nông dân quanh mình tốt hơn. Cha dẫn tôi ra ruộng, nói chuyện với các bác, các chú nông dân. Tôi thấy họ nhìn đám mây và biết hết chuyện thời tiết. Thấy họ nhìn gió thổi trên ngọn cây mà tính được chuyện trời mây mấy bữa nữa… Họ biết hết chuyện làm nông,

biết lúc nào thì lúa ngon, nước tốt, nhưng không biết chuyện làm ăn. Nên tôi học họ chuyện làm nông, tôi phụ họ chuyện kinh doanh…”

Một buổi chiều cuối tuần, Vinh rủ xuống xã Bình Thuỷ, huyện Châu Phú, cách thành phố Long Xuyên, An Giang không xa mấy, để thăm anh nông dân vừa được bình chọn là “nông dân hạng 1” đại diện cho toàn tỉnh An Giang ra Hà Nội nhận giải. Anh Bảy Bồ đón Vinh như đón một người con xa nhà lâu ngày. Hai người dẫn nhau ra ruộng liền, trao đổi hăng say lắm. Hoá ra, xưa giờ Vinh toàn phải nhập giống đậu nành rau từ Nhật, trồng lên xong rồi xuất khẩu. Bấy lâu nay hai anh em vẫn đang “âm mưu” tự tạo ra giống này để không phụ thuộc chuyện nhập giống mà còn có thể sản xuất giống và nhân rộng mô hình lên.

Vinh kể, anh Bảy Bồ là nông dân kỹ thuật cao, lại mát tay trồng rau vô cùng. Nhờ có anh Bảy, mà vợ Vinh – vốn là một cô tiểu thư, cũng bị mê mẩn với chuyện làm nông dân và xách giỏ xuống học nghề anh Bảy. “Nói truyền lửa thì nghe ghê, nhưng mà anh Bảy ngồi chỉ dẫn từng thứ một, chẳng hạn cách sống chung, trò chuyện và nuôi dưỡng cái cây, luống rau bằng tình yêu và sự thông hiểu nó, thì đảm bảo cây sẽ tốt tươi và cho nhiều hoa trái…”

Khuya về, Vinh vô phòng ngủ, lấy một túi hạt giống lúa ra khoe: “Đang làm việc với một đối tác Nhật về trồng lúa theo phương thức canh tác của họ. Nhưng họ gởi giống sớm quá, mưa xứ mình chưa già hạt nên chưa gieo được. Sợ hạt giống bị ảnh hưởng nên đem vô phòng ngủ mở máy lạnh cho mấy cái hạt này nó thoải mái…” Rồi anh đi xuống bếp, bắc nồi cơm bằng gạo Nàng Nhen của người Khmer, bảo: “Gạo này ăn không có mềm dẻo như gạo Đài Loan hay Thái Lan, nhưng đảm bảo là sạch, là tinh hoa đất trời nên giàu chất dinh dưỡng lắm…”

Sáng hôm sau, Vinh lại bay sớm sang Mỹ để làm việc với các đối tác mua bắp non của hệ thống cửa hàng tiện lợi xứ xa này…