Dân Việt

Dân Đà Lạt mang hành tây đi... đổ

Duy Hậu 31/05/2014 07:15 GMT+7
Hàng trăm tấn hành tây của nông dân, doanh nghiệp TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) được mang đi… đổ bỏ. Thiệt hại của người dân khó tính toán được.
Vỡ mộng làm giàu…

Chưa bao giờ hành tây ở TP.Đà Lạt lại lâm vào cảnh thê thảm, điêu đứng như hiện nay. Chỉ tính riêng tại khu vực phường 7, đã có hàng trăm tấn hành tây của nhà vườn và cả thương lái phải đổ bỏ do không thể bán được. Nhìn kho hành hơn 20 tấn đang nảy mầm, bung rễ trắng xóa, chị Nguyễn Thị Hải (đường Thánh Mẫu, phường 7, TP.Đà Lạt) mếu máo: “Chỉ ít ngày nữa, nếu không có ai đến mua thì phải thuê người chở đi đổ vì sản phầm không thể sử dụng được nữa. Mấy trăm triệu đồng của tôi giờ đang thối dần”.

Không chỉ riêng chị Hải mà dọc đường Thánh Mẫu, dưới những hố đất sâu, trước đó đã có hàng chục tấn hành tây bị đổ bỏ giờ đang nảy mầm xanh rì. Nhiều thương lái cũng đã bỏ hàng trăm triệu đồng mua hành tây về tích trữ. Thế nhưng cuối cùng họ đã lâm vào tình cảnh như của chị Hải. Anh Nguyễn Văn Tân, một người chuyên thu mua nông sản tại Đà Lạt, cho biết, chưa bao giờ người buôn hành tây lỗ nặng như năm nay. Nhiều người tích trữ lên đến cả trăm tấn giờ phải đổ bỏ.

Hành tây bị đổ bỏ trên đường Thánh Mẫu (phường 7, TP. Đà Lạt).
Hành tây bị đổ bỏ trên đường Thánh Mẫu (phường 7, TP. Đà Lạt).

Anh Phan Văn Hưng, đường Đan Kia, phường 7, TP.Đà Lạt cho biết, thường thì sau vụ vụ thu hoạch giá hành tây sẽ tăng hơn gấp đôi, gấp ba, thế nhưng năm nay thì chỉ thấy giảm. Đầu tư gần 150 triệu đồng để trồng 5 sào hành tây, khi vào thu hoạch do giá bán chỉ có 5.000 đồng /kg. Thấy chẳng lời được bao nhiêu, anh Hưng quyết định cất hết số hành này vào kho chờ giá. Thế nhưng đến nay, chẳng những giá không lên mà còn rớt xuống thêm 500 đồng/kg, hàng chục tấn hành tây của anh Hưng thì bắt đầu lên mầm, ra rễ. Muốn giữ được số hành trên thêm vài tuần nữa, anh Hưng phải thuê người cắt mầm, rễ rồi đem phơi.

Còn bà Đinh Thị Hợi, đường Thánh Mẫu thì cho biết: “Nhìn những cánh đồng hành tây bung đất đẩy những củ to như cái chén con, đều tăm tắp, nông dân ai nấy mừng thầm vì một mùa bội thu. Nhưng đến khi thu hoạch (tháng 3, tháng 4) thì gặp mưa.

Việc này đã khiến nhiều diện tích hành tây bị thối củ do không thu hoạch kịp. Trong thời điểm đó, ngoài thị trường, giá hành tây Đà Lạt xuống còn 5.000- 5.500 đồng/kg. Nếu ai chấp nhận bán với giá này thì vẫn còn lãi được đôi chút.

“Thời điểm hiện tại giá chỉ còn 4.500 đồng/kg, nếu bán ra, nông dân ôm lỗ là cái chắc. Nhưng nhiều hộ, đau hơn là giờ muốn bán cũng không có người mua”- bà Hợi nói.

Do không cạnh tranh được hành Trung Quốc?


Trước tình cảnh trên, không ít gia đình chuyên sản xuất, kinh doanh hành tây phải đổ sản phẩm cho gia súc ăn hoặc ủ làm phân mong vớt vát ít nhiều. Và tình trạng ấy đang ngày ngày càng xuất hiện nhiều hơn với quy mô cũng rộng hơn. Không ít những nhà vườn gần như trắng tay sau vụ hành tây vừa rồi.

Theo người dân cũng như các doanh nghiệp, lý do hành tây Đà Lạt không bán được là do hàng cùng loại của Trung Quốc đang hoành hành trên thị trường Việt Nam. Tuy chất lượng hàng của họ rất tệ, có thể còn chứa nhiều nguy cơ tổn hại đến sức khỏe nhưng được bán với giá rẻ mạt nên đã chiếm ưu thế tuyệt đối trên thị trường.

"Thời điểm hiện tại giá chỉ còn 4.500 đồng/kg, nếu bán ra, nông dân ôm lỗ là cái chắc. Nhưng nhiều hộ, đau hơn là giờ muốn bán cũng không có người mua”.
Bà Đinh Thị Hợi

Ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt G.A.P cho biết, hàng Trung Quốc đã phá hoại nông sản Việt Nam quá nhiều. Người Việt chỉ làm ăn được khi chưa hoặc xuất hiện ít hàng Trung Quốc trên thị trường. “Khi chúng đã đổ bộ vào nước ta thì hàng Việt Nam chỉ còn cách ra rìa vì không thể cạnh tranh nổi bởi giá các mặt nông sản của Trung Quốc rẻ như cho” – ông Cường nhận định.

Trao đổi với NTNN, ông Lê Văn Ái- Ủy viên Thường vụ Hội Nông dân TP.Đà Lạt cho biết, hiện TP.Đà Lạt có khoảng 40ha hành tây (năng suất chừng 3.000 tấn/vụ). Hiện tại do giá hành tây Đà Lạt xuống thấp nên nông dân không bán được. Tuy nhiên, theo ông Ái, việc giá hành tây Đà Lạt xuống dốc có phải do tình trạng hành tây Trung Quốc “lũng đoạn” thị trường hay không thì chưa thể khẳng định được.

Còn theo ông Dương Ngọc Đức- Trưởng phòng Kinh tế TP.Đà Lạt, tình trạng nông dân đổ bỏ hành tây là có nhưng hiện chưa biết chính xác con số là bao nhiêu. Về nguyên nhân xảy ra tình trạng này ông Đức cho biết sẽ tiến hành kiểm tra. Phía Chi cục Quản lý thị trường, ông Kiều Xuân Việt - Chi cục trưởng cũng cho hay hiện “không nắm được việc này” và sẽ cử cán bộ tìm hiểu ngay.