Việt Nam đang dần “soán ngôi” Thái Lan để trở thành đối tác hàng đầu cung cấp gạo cho Trung Quốc. Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất của Việt Nam và sẽ tiếp tục đứng đầu trong thời gian tới do nhu cầu ngày càng tăng và lợi thế thị trường gần, vận chuyển thuận lợi, đặc biệt là xuất khẩu qua biên giới, bù đắp sự sút giảm từ các thị trường khác do cạnh tranh của Thái Lan. Tuy nhiên, chuyện này một lần nữa làm dấy lên mối lo “trứng bỏ một giỏ”. Trung Quốc một lần nữa lại trở thành “bà đỡ” cho doanh nghiệp khi tiêu thụ 60% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Nông dân thu hoạch khoai lang ở Vĩnh Long, chủ yếu đế xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Lê Hoàng Yến
Trứng bỏ một giỏXuất khẩu qua biên giới Trung Quốc đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tiêu thụ lúa gạo hàng hoá trong nước. Năm 2013, Việt Nam bán xấp xỉ 2,2 triệu tấn gạo chính ngạch sang Trung Quốc, nếu cộng thêm khoảng 1,4 triệu tấn đi qua đường biên giới, thì Trung Quốc trở thành thị trường nhập gạo lớn nhất của Việt Nam.
Bốn tháng đầu năm nay, Trung Quốc ký số lượng hợp đồng tăng 10% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp Việt Nam đã giao hơn 50% hợp đồng với sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn, trong đó có 750.000 tấn xuất chính ngạch và 450.000 tấn tiểu ngạch. Năm nay, nếu không bị ảnh hưởng tình hình chính trị, xuất khẩu tiểu ngạch dự kiến vượt xa con số 1,5 triệu tấn của năm 2013, tức khoảng 1,7 – 1,8 triệu tấn. Xuất khẩu chính ngạch cũng có nhiều khả năng tăng mạnh do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc lớn hơn. Với tình hình khả quan như vậy, năm nay thị trường Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí số một của Việt Nam.
Doanh nghiệp cần tiếp tục xây dựng lại các thị trường tập trung đã mất, đồng thời có chiến lược khai thác các thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Hong Kong, Nhật, Mỹ, châu Âu, châu Phi… để giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.
|
Việc tăng xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc không phải là mong muốn của doanh nghiệp, vì họ thừa biết nếu tập trung quá lớn tỷ trọng vào đây có thể phải gánh chịu rủi ro. Rủi ro có thể đến từ trong khâu thanh toán, xù hợp đồng, xù tiền, mua bán phập phồng, lúc ngưng lúc mở để ra chiêu ép giá… Từ kinh nghiệm làm ăn với Trung Quốc, doanh nghiệp đã ý thức mua bán phải có hợp đồng, có chứng từ rõ ràng, thanh toán qua ngân hàng, tìm hiểu kỹ đối tác, kỹ thị trường… Cũng có người đặt câu hỏi làm ăn với một đối tác luôn tìm cách “đâm sau lưng” mình như vậy thì bỏ quách đi cho rồi? Tuy nhiên, thị trường nào bỏ được chứ Trung Quốc nhất định phải giữ cho được bởi như mặt hàng gạo hiện nay, trong hoàn cảnh thị trường truyền thống đang bị bít hết cửa ra thì doanh nghiệp chỉ còn biết trông cậy vào đây để bán gạo.
Nơm nớp lo cấm biênGạo cũng như một trong số mặt hàng như cao su, trái cây, rau quả, thuỷ hải sản… khi mua qua đường tiểu ngạch thì thương nhân Trung Quốc “tiết kiệm” được khoảng 50 USD/tấn tiền thuế so với nhập chính ngạch. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho giới thương nhân Trung Quốc thích tiểu ngạch hơn là chính ngạch. Ngoài ra, cũng có ý kiến nói rằng Trung Quốc buộc lòng phải duy trì nhập gạo tiểu ngạch, bởi vì họ nhận thấy không có nguồn cung cấp nào tốt hơn. Trường hợp nhập qua đường chính ngạch về các cảng sẽ làm đội thêm chi phí.
Mặc dù hai bên đều không thể bỏ qua mua bán gạo biên mậu, nhưng trong quá trình thực hiện, phía Trung Quốc vẫn luôn tạo ra nhiều trục trặc không có lợi cho Việt Nam. Doanh nghiệp so sánh bán gạo tiểu ngạch giống như con “sóng mạnh, sóng yếu”. Lúc “sóng mạnh” thì bán gạo thuận lợi, còn “sóng yếu” thì có cố mấy cũng không thành. Cách đây hai năm, hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng có hẳn chương trình xúc tiến thương mại, lập văn phòng đại diện, lập trung tâm thông tin mua bán gạo dành riêng ở thị trường này, đồng thời tổ chức nhiều đoàn giao tế với đối tác nhưng đến nay phía khách hàng vẫn không chịu đặt bút ký thoả thuận hợp tác giống như cách chúng ta làm với Philippines, Indonesia, Malaysia hay Cuba. Trung Quốc vẫn thích thực hiện chính sách mua gạo “khó hiểu” của mình dành cho Việt Nam.
Do đó, doanh nghiệp phải biết cách thức ứng biến với điều này. Phải có chiến lược tiếp cận bài bản, ví như tổ chức lại hạ tầng vận chuyển, đầu tư xây dựng các kho ngoại quan tại cảng bốc dỡ Hải Phòng và cửa khẩu Quảng Ninh, Lạng Sơn để lưu trữ gạo chứ không thể chở ra xếp hàng chờ bán như trước đây. Rồi cũng phải tính tới chuyện chính ngạch và tận dụng cho hết các ưu đãi của hiệp định thương mại nữa thì làm ăn mới bền được.
Dân trồng khoai tự hạ giá
Ông Nguyễn Phú Quý, câu lạc bộ khuyến nông Bình Tân cho biết giá khoai lang tại đây đang giảm từng ngày. Tuỳ tỷ lệ đạt chuẩn trong một lô khoai, giá từ 280.000 – 320.000 đ/tạ (60kg). Năm nay, diện tích khoai ở Bình Tân khoảng 11.000 – 12.000ha. Theo ông Quý, các hợp tác xã đang xây dựng cánh đồng mẫu và hoàn thiện quy trình trồng khoai cân đối dinh dưỡng, có logo để có thể tìm được đầu mối tiêu thụ khác ngoài Trung Quốc. Các “tay em” của thương lái Trung Quốc vẫn là người quyết định giá tại khu vực này. Họ đặt trên mười vựa ở khu vực cầu vượt, chỉ mua khoai lang tím Nhật Bản. Một số xã viên HTX khoai Thành Đông cho biết, có khi thương lái Trung Quốc cho giá 400.000đ/tạ, “tay em”ép xuống 320.000đ/tạ. Ông Ngô Văn Tua, giám đốc HTX khoai lang Thành Đông, cho biết căng thẳng ở Biển Đông khiến nông dân lo sợ không bán được hàng nên tự hạ giá bán cho lẹ. Tay em thương lái nhân cơ hội “đục nước” hạ giá – còn 280.000đ/tạ. Tháng trước, ai nấy lo giá cước vận tải đường dài tăng, hiện nay giá cước giảm khoảng 10 triệu đồng. Giá cước không còn là rắc rối thì bây giờ chính cách tự hạ giá bán cho lẹ mới rối rắm. HTX có 15ha, năng suất bình quân 23 tấn/ha, tháng 2 âm lịch, giá khoảng 800.000đ/tạ, lời khoảng 20 triệu. Với giá hiện nay, người thuê đất (với giá 6 triệu đồng/công đất) chắc chắn bị lỗ. Giá ngày 17.5 chỉ còn 3.500đ/kg. Ở Bình Tân, chưa có ai bị giựt tiền. Mọi người trong xóm đều rất thận trọng khi mua bán, nhưng khó biết trước được điều gì sẽ xảy ra. Vài gia đình trong xóm gả con cho thương nhân Trung Quốc bắt đầu kín tiếng. Ông Nguyễn Phú Quý nói: “Khi bà con tiếp tục xuống giống trồng vụ 2, tôi đã khuyên nên trồng cây khác vì chưa chắc khoai sẽ trúng nữa, nhưng nhiều người không nghe”. Thay vì nghe theo cán bộ khuyến nông của xóm mình, nông dân lại chỉ nhắm vào giá hồi tháng 2 âm lịch của người Trung Quốc. H.L
|