* Trả lời:
Theo quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài (“Nghị định 187/2013”), thì trái cây không thuộc các danh mục sau: “Danh mục hàng cấm nhập khẩu”; “Danh mục hàng hóa không được quyền nhập khẩu”; “Danh mục hàng tạm ngừng nhập khẩu” do vậy, bạn có thể thực hiện nhập khẩu trái cây vào Việt Nam và không phân biệt loại trái cây đó là loại trái cây nào. Tuy nhiên, bạn cần phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện các thủ tục cụ thể như sau:
1. Điều kiện nhập khẩu trái cây Hy Lạp vào Việt Nam
Theo quy định tại điểm 2, Điều 1 Thông tư 39/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam (“Thông tư 39/2012”), thì “quả tươi” là vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Do đó, căn cứ theo quy định tại Điều 10 Nghị định 02/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm dịch thực vật (“Nghị định 02/2007”), để nhập khẩu trái cây vào Việt Nam, bạn phải đáp ứng các điều kiện sau:
a. Có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp hoặc giấy xác nhận có giá trị tương đương.
b. Không có dịch hại thuộc diện điều chỉnh thuộc các danh mục: Danh mục dịch hại thuộc diện điều chỉnh; Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và vật thể phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, nếu có dịch hại thì phải được xử lý triệt để.
c. Phải có giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu.
d. Đối với vật liệu đóng gói bằng gỗ nhập khẩu phải được xử lý bằng các biện pháp kiểm dịch thực vật theo quy định.
2. Thủ tục cần thực hiện để nhập khẩu trái cây tươi từ Hy Lạp về Việt Nam
2.1 Thủ tục cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu:
Thủ tục cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu được quy định tại Quyết định số 48/2007/QĐ-BNN, ngày 29 tháng 05 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (“Quyết định 48/2007”).
Hồ sơ cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu bao gồm:
a. Đơn đề nghị cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu (theo mẫu tại Phụ lục 1 Quyết định 48/2007).
b. Văn bản cung cấp các thông tin để thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại (Pest Risk Analysis viết tắt là PRA) tại Phụ lục 2 Quyết định 48/2007.
Thời gian trả kết quả: Phụ thuộc vào loại quả tươi mà bạn nhập khẩu. Cụ thể như sau:
- Đã có kết quả phân tích nguy cơ dịch hại và thời gian theo dõi: 3- 10 ngày
- Lần đầu tiên nhập khẩu: 1-3 năm
- Có xuất xứ mới: 1-3 năm
- Có bằng chứng về sự bùng phát dịch hại kiểm dịch thực vật tại nước xuất khẩu: 90 ngày
- Phát hiện dịch hại thuộc diện điều chỉnh: 60 ngày
Thời hạn của Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu là 01 năm; các lô hàng tương tự và có cùng nguồn gốc chỉ tiến hành phân tích nguy cơ dịch hại một lần và kết quả sẽ được áp dụng cho các lần cấp phép sau (Điều 6 Quyết định 48/2007).
2.2 Kiểm dịch thực vật nhập khẩu (thực hiện trước ít nhất 24 giờ tại Chi cục kiểm dịch thực vật vùng, trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu thuộc Cục Bảo vệ thực vật hoặc chi cục bảo vệ thực vật cấp tỉnh được Cục Bảo vệ thực vật uỷ quyền trước khi nhập khẩu trái cây).
Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch: Bạn chuẩn bị 1 bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau đây:
a. Giấy đăng ký kiểm dịch (Mẫu 3 ban hành kèm theo phụ lục 1 của Thông tư số 14/2012/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 3 năm 2012, bản chính).
b. Bản khai kiểm dịch thực vật: Áp dụng đối với vật thể nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển trước khi cập cảng (Mẫu giấy 4 ban hành kèm theo phụ lục 1 của Thông tư số 14/2012/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 3 năm 2012, bản chính).
c. Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp hoặc giấy xác nhận có giá trị tương đương (Bản chính).
d. Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu (Bản sao chụp và xuất trình bản chính để đối chiếu).
e. Vận đơn (Bill hàng): Áp dụng đối với vật thể nhập khẩu bằng đường biển (Bản sao chụp và xuất trình bản chính để đối chiếu).
f. Phiếu đóng gói (Packinglist): Áp dụng đối với vật thể nhập khẩu bằng đường biển trong trường hợp vật thể không đồng nhất (Bản sao chụp và xuất trình bản chính để đối chiếu).
g. Giấy ủy quyền của chủ vật thể: Áp dụng trong trường hợp chủ vật thể ủy quyền cho người khác thực hiện đăng ký kiểm dịch thực vật (Bản chính). Đối với vật thể nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới hoặc lối mở đường bộ, không yêu cầu giấy ủy quyền của chủ vật thể.
h. Hợp đồng mua bán, thư tín dụng (nếu có) (Bản sao chụp và xuất trình bản chính để đối chiếu).
(Điều 2, Điều 9 Thông tư 65/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật)
Thời hạn giải quyết: Trong phạm vi 24 giờ sau khi kiểm tra vật thể. Trong trường hợp phải kéo dài quá 24 giờ, cơ quan kiểm dịch thực vật phải báo cho bạn biết (khoản 2 Điều 8 Nghị định 02/2007).
Sau khi thực hiện xong hai thủ tục trên, bạn thực hiện thủ tục thông quan để nhập khẩu. Hồ sơ hải quan bạn tham khảo tại Khoản 2 Điều 12 Thông tư 128/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.
(Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội)