“Việc tăng số lượng để chúng tôi có thể tái cân bằng sức mạnh ở châu Á-Thái Bình Dương không phải là một vấn đề lớn. Vì chúng tôi đã có số lượng nhất định các chiến hạm diện diện trước ở đây trong một thời gian qua”, Đô đốc Jonathan Greenert phát biểu trong chuyến thăm cơ sở Hải quân Yokosuka, Nhật Bản hôm 29.5.
Tướng Greenert nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ đóng vai trò là một đầu mối của trục xoay Thái Bình
Dương. “Phần quan trọng nhất trong chiến lược tái cân bằng sức mạnh có liên
quan đến Nhật Bản. An ninh ở châu Á và trục bản lề là những gì chúng tôi cần
bắt đầu ở Yokosuka”,
ông Greenert nói.
Đồng thời, Đô đốc Greenert cũng lưu ý tới tầm quan trọng của trục liên minh với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan và Australia trong chiến lược triển khai hải quân ở châu Á-Thái Bình Dương.
Đây không phải lần đầu tiên một
quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ khẳng định như vậy. Trước đó, ngày 4.3.2014,
trong báo cáo quốc phòng thường kỳ 4 năm của Mỹ đã cho biết, chính quyền Washington đang tìm cách
tăng cường hiện diện hải quân ở Nhật Bản, cũng như ở khu vực Đông Nam Á, dự
kiến điều động tới 60% chiến hạm Hải quân Mỹ tới Thái Bình Dương.
Đó giống như một “sự cam kết” của Mỹ đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương để lập lại sự cân bằng, duy trì hòa bình và ổn định trong một khu vực đang ngày càng có vai trò quan trọng đối với lợi ích chính trị, kinh tế, an ninh của Mỹ và thế giới.
Trong đầu tháng 4.2014, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết,
Hải quân Mỹ sẽ gửi thêm 2 khu trục hạm có hệ thống tác chiến điện tử thông minh
Aegis và trang bị tên lửa đạn đạo chiến lược tới Nhật Bản vào năm 2017, tăng số
lượng hiện diện khu trục hạm ở đây lên tới 7 chiếc. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tăng
thêm số lượng tàu tuần dương ven biển (LCS) tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hiện nay, theo thông tin của Đô đốc Greenert, để
duy trì thực hiện chiến lược tái cân bằng, Mỹ đã có 42 trong số 52 chiến hạm
đang tuần tra thường xuyên tại Thái Bình Dương và đồn trú tại các cảng trong
khu vực. Mới đây nhất vào ngày 13.5, Mỹ đã điều một tàu ngầm tấn công nhanh và
tàng hình USS North Carolina tới vịnh
Subic Freeport của Philippines
để trấn giữ tình hình tại đây trong bối cảnh căng thẳng do vấn đề biển đảo giữa Philippines
và Trung Quốc.
Cũng trong hành trình chuyến thăm 3 nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore), ngày 14.5, Đô đốc Greenert thông báo rằng, Mỹ có kế hoạch điều 11 tàu tuần duyên tàng hình LCS tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau khi chiếc tàu LCS đầu tiên được triển khai tới Singapore, nước thuộc Đông Nam Á.