Dân Việt

Ly kỳ chuyện làng “sinh đôi, tử đôi” và lời đồn cây mít lạ

29/05/2014 12:34 GMT+7
Từ xưa cho đến nay, vấn đề sinh tử là một lẽ tự nhiên ở đời. Song, câu chuyện về “sinh đôi, tử đôi” thì có lẽ chỉ có ở thôn Đinh Xuyên, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.
Tại nơi làng quê có lịch sử trên 2000 năm nằm ven dòng sông Đáy hiền hòa thơ mộng này, các cụ cao niên chiêm nghiệm, đúc kết và kể lại câu chuyện “sinh đôi, tử đôi” như một nét riêng biệt, khác lạ vốn đang hiện hữu trong đời sống của làng quê mình. Câu chuyện đó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, gắn liền với sự tích hai vị Thành Hoàng làng được nhân dân tín vọng, tôn thờ.

Ly kỳ chuyện “sinh đôi, tử đôi” và cây mít lạ ở đình

Câu chuyện “sinh đôi, tử đôi” được các cụ cao niên trong thôn Đinh Xuyên kể lại, gắn liền với sự tích hai anh em sinh đôi có tên là Phạm Thông và Phạm Nhu được nhân dân suy tôn làm Thành Hoàng làng.

Theo Ngọc phả và các đạo sắc phong còn lưu giữ tại đình thôn Đinh Xuyên, hai ngài Phạm Thông và Phạm Nhu là anh em sinh đôi, con của cụ Trần Thị Lan (quê thôn Đinh Xuyên) lấy chồng về Hải Dương. Vào ngày 12.1 năm Bính Thân, cụ Trần Thị lan sinh đôi được hai người con trai, đặt tên là Phạm Thông và Phạm Nhu.

Khi các ông đã lớn, do ở Hải Dương có nhiều biến cố nên hai ông được đưa về quê ngoại (thôn Đinh Xuyên) ở với cậu ruột là tướng công Trần Kiên. Được cậu dạy dỗ, văn võ thao lược, cùng nhau chiêu mộ quân sỹ và triệu tập được hàng nghìn trai tráng, hai ông lập ra hai trận địa ở đầu và cuối thôn Đinh Xuyên (ở vị trí quán Ngược và quán Xuôi ngày nay) tập luyện võ nghệ.
Cổng tam quan chùa Đinh Xuyên.
Cổng tam quan chùa Đinh Xuyên.

Vào năm 40, khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, hai ông mang theo số quân chiêu mộ được đi theo phù hai Bà đánh đuổi quân Đông Hán, giành thắng lợi và bà Trưng Trắc xưng vương. Ba năm sau (năm 43), nhà Đông Hán sai Mã Viện mang 50 vạn quân sang đánh nước ta.

Để ngăn bước tiến quân của giặc, giữ gìn và bảo vệ non sông, người anh chiến đấu hết mình với một lòng trung quân ái quốc nhưng do chênh lệch về lực lượng nên quân ta thua trận. Tại cứ điểm, địa bàn xung yếu Tây Hồ (Hồ Tây – Hà Nội ngày nay), người anh hy sinh.

Sau đó, người em tuẫn tiết theo anh, gieo mình trên dòng sông Hát Giang (sông Đáy – Hà Nội ngày nay) để thể hiện chí khí của mình. Cảm động trước khí tiết và ân đức to lớn của hai ngài, dân làng thôn Đinh Xuyên phong hai ngài là Thành Hoàng làng và lập hai quán để thờ phụng. Quán Ngược thờ người em là Phạm Nhu, quán Xuôi thờ người anh là Phạm Thông.

Cũng câu chuyện sinh đôi – tử đôi, trong thôn còn kể câu chuyện về cây mít lạ, bên trong có hai lõi.

Ông Lê Nguyên Bá, một sỹ quan quân đội hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nay đã về hưu kể lại: “Cách đây trên 20 năm, tôi được nghe cụ Nguyễn Hà Bạn là một cao niên trong làng kể rằng: Đình làng Đinh Xuyên ngày nay mới được dựng lại cách đây trên 300 năm.

Trước, đình nằm ở ven dòng sông Đáy, do mùa mưa nước tràn vào trong đình nên các cụ mới bàn nhau chuyển đình vào giữa làng. Tại vị trí đầu xóm Ngũ Phúc, cạnh đường liên tỉnh 21B ngày nay. Khi đình được xây dựng lại, dân làng làm một pho tượng thờ ngài Nguyễn Quang (tức Đức Thánh Cả, vị Thành Hoàng đầu tiên của làng); còn tại quán Xuôi thôn Đinh Xuyên thờ người anh là Phạm Thông và quán Ngược thờ người em là Phạm Nhu thì lúc bấy giờ không có tượng thờ mà chỉ được thờ tưởng vọng, thờ bài vị”.

Một thời gian sau, khi thấy trong đình có cây mít to cao, tán lá xòe xanh tốt, các cụ trong thôn mới bàn nhau đốn cây mít xuống để làm pho tượng thờ cho người anh là Phạm Thông trước. Nhưng khi cưa cây mít sát gốc rồi hạ xuống cắt gọt cái đoạn giữa để làm tượng, thì lạ thay, bên trong cây mít có hai lõi: Phần lõi nằm ngoài ôm lấy lõi phía trong, bởi vậy các cụ trong thôn mới bảo: “Em thì nằm trong vòng tay anh, anh nằm bên ngoài ôm ấp lấy em”. Và sau đó, thôn cho người tạc tượng hai người.

Khi tạc xong, pho tượng của người em có mặt mũi rất đẹp, nên khi các thầy tự cao tay tập trung hô thần nhập định thì ngài nhận ngay. Còn người anh ở quán Xuôi thì không hiểu lý do vì sao hay tại vì tượng của ngài tạc không đẹp bằng người em nên ngài không nhận?.

Đến khi cúng đi cúng lại nhiều lần, có một vị pháp sư bảo: “Chúng tôi là người trần mắt thịt, ai biết mặt mũi các ngài là như thế nào! Biết các ngài xấu hay đẹp thế nào mà tạc. Các ngài được nhân dân yêu mến, con cháu muốn có nơi để thờ cúng, tôn nghiêm nên có lòng tạc tượng để tôn thờ. Khi nói xong, lạ thay, pháp sư gieo quẻ âm dương và được ngay”.

Thực hư câu chuyện lạ

Từ câu chuyện về “sinh đôi, tử đôi” và cây mít lạ có hai lõi ở đình, ông Lê Nguyên Bá đã chiêm nghiệm và khẳng định là có và “rất linh ứng”. Nhưng thực hư thế nào thì đó vẫn là một ẩn số, bởi không có một bảng thống kê nào về các trường hợp “sinh đôi, tử đôi” trong làng.

Các cụ Nguyễn Thế Chất, Vũ Đức Như… khi được hỏi về chuyện “sinh đôi, tử đôi” trong làng cũng đều khẳng định là có, nhưng trường hợp cụ thể thì không nhớ.
Đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ làng Đinh Xuyên.
Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ làng Đinh Xuyên.

Ông Lê Nguyên Bá cho biết thêm: “ Từ khi lập làng đến nay, trải qua biết bao thế hệ, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau về câu chuyện “sinh đôi, tử đôi” là như thế. Nhưng sinh đôi thì có, còn tử đôi trong làng thì không phải là con cháu trong một gia đình mà là người trong làng.

Chuyện sinh đôi tại thôn Đinh Xuyên là ý người ta muốn nói tới hai anh em Phạm Thông, Phạm Nhu. Còn tử đôi là nói đến chuyện người dân trong một làng và đến bây giờ thì nó vẫn đúng”.

Ông Bùi Văn Lịch (Chi hội trưởng hội người cao tuổi thôn Đinh Xuyên) chia sẻ: “Trong thôn từ trước đến nay có nhiều trường hợp sinh đôi, như anh em Nguyễn Hà Chiến và Nguyễn Hà Công (con ông Nguyễn Hà Tiến) sinh năm 1976; cặp sinh đôi một trai một gái năm 1984: Nguyễn Đình Tráng và Nguyễn Thị Dòng (con ông Nguyễn Đình Tế, ở xóm Tam Đăng); cặp sinh đôi sinh năm 1988: Nguyễn Hà Chung và Nguyễn Hà Thành…

Về hiện tượng tử đôi trong thôn thì nhiều lắm, như ngày 15.5 âm lịch, cụ Nguyễn Hà Đới qua đời thì ngày hôm sau lại có ông Đinh Trung Thành qua đời. Còn các trường hợp tử đôi khác mặc dù tôi làm trong ban tang lễ ở thôn nhưng cũng không nắm hết được”.

Nói về chuyện “sinh đôi, tử đôi” và cây mít hai lõi trong thôn, ông Nguyễn Khắc Cự - trưởng thôn Đinh Xuyên nói: “Từ trước đến nay, tôi đã nhiều lần nghe các cụ nói về chuyện này nhưng vẫn chưa hiểu hết được thế nào là “sinh đôi, tử đôi”.

Còn chuyện về cây mít hai lõi liệu có đúng như các cụ trong thôn thường nói hay không thì tôi không biết. Các cụ truyền miệng như thế thôi, chứ tôi chưa thấy có một văn bản nào ghi chép về vấn đề này. Tôi chỉ biết rằng, sinh đôi là do mottj mẹ sinh ra cùng ngày, cùng tháng, cùng năm ; còn tử đôi là khi trong thôn có người chết thì sau đó vài ngày và muộn nhất là 5 đến 7 ngày lại có một người chết tiếp theo”.
Một điển tích thú vị!

Câu chuyện "sinh đôi, tử đôi" làng Đinh Xuyên đã tồn tại nhiều đời nay được truyền khẩu từ đời này sang đời khác và cho đến tận ngày nay. Về chuyện sinh đôi, ta có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ vùng quê nào, nhưng câu chuyện về tử đôi thì có lẽ chỉ có ở làng Đinh Xuyên, gắn liền với sự tích hai vị Thành Hoàng làng được nhân dân tín vọng, tôn thờ.

Câu chuyện đó mãi là một điển tích thú vị, một nét đẹp văn hóa tồn tại từ xa xưa của một làng quê có lịch sử hàng ngàn năm văn hiến nằm bên dòng sông Đáy này.
XEM THÊM
>> Những chuyện kỳ bí quanh ngôi đền Nhà Bà