Nhân chứng cho biết không thấy có sự xuất hiện của quân đội hay cảnh sát trên các đường phố bất chấp một tuyên bố trước đó của chính quyền quân sự đã kêu gọi người dân không tham gia biểu tình và cấm tụ tập quá 5 người theo khuôn khổ thiết quân luật. Trước đó, quân đội Thái Lan đã bắt giữ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra cùng nhiều lãnh đạo và các chính trị gia trong Chính phủ bị lật đổ sau khi tiến hành cuộc đảo chính vào ngày 23.5.
Người biểu tình chống đảo chính xô xát với cảnh sát ở Bangkok hôm nay. Ảnh AP
Giới chức Thái Lan cho biết, bà Yingluck bị giam không quá một tuần lễ nhưng việc bắt giữ bà là cần thiết. Bà Yingluck, người bị tòa án Hiến pháp tước bỏ chức vụ hồi đầu tháng, được yêu cầu trình diện quân đội cùng với hơn 100 chính trị gia khác bao gồm quyền Thủ tướng Niwatthamrong Boonsongphaisan.
Người phát ngôn quân đội Thái Werachon Sukhondhadpatipak giải thích việc bắt giữ bà Yingluck và những quan chức cấp cao khác là “để họ có thời gian suy nghĩ”. Ông Werachon Sukhondhadpatipak từ chối tiết lộ nơi giam giữ và cho biết điện thoại di động của họ đã bị tịch thu.
Những động thái này của quân đội Thái Lan không chỉ vấp phải sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, mà còn bị dư luận Thái Lan phản đối. Điều đặc biệt, khác với những cuộc đảo chính trước đây, quân đội lần này không đưa ra lời hứa hẹn nhanh chóng trở lại chính quyền dân sự, khiến dư luận Thái Lan cho rằng, quân đội đang ngày càng tiếm quyền ở đất nước này.