Dân Việt

Về suy giảm tăng trưởng nông nghiệp: Quốc hội cần có chuyên đề bàn sâu

Lê Hân (thực hiện) 26/05/2014 11:51 GMT+7
Theo báo cáo mới nhất Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố, tăng trưởng nông nghiệp 3 năm gần đây liên tục sụt giảm.
Làm thế nào để ngành nông nghiệp có được sự bứt phá, tiếp tục giữ vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế? Bền lề kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, phóng viên NTNN đã trao đổi với chuyên gia nông nghiệp, ĐBQH đoàn TP.Hồ Chí Minh Võ Thị Dung (ảnh) về vấn đề này.

Chuyên gia nông nghiệp, ĐBQH đoàn TP.Hồ Chí Minh Võ Thị Dung
Chuyên gia nông nghiệp, ĐBQH đoàn TP.Hồ Chí Minh Võ Thị Dung

Vẫn còn mạnh ai nấy làm

Những năm gần đây, nông nghiệp nước ta đã dành được nhiều sự quan tâm và đầu tư của Nhà nước, nhưng vì sao tăng trưởng của ngành lại giảm, trong khi năng suất vẫn tăng, thưa bà?

- Tôi cho rằng, tình hình suy giảm nông nghiệp là do chính sách của mình không đi vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề khó khăn, bất cập của ngành này. Thực tế, mình có nhiều chính sách nhưng vẫn còn dàn trải, không mang tính đột phá, vì thế Chính phủ và các bộ, ngành cần phải có đánh giá lại các chính sách dành cho nông dân hiện nay và nên tập trung lại, chứ như hiện nay mỗi bộ, ngành lại có một chương trình, chính sách khác nhau không tạo thành chính sách tổng hợp, mạnh ai nấy làm, không có sự phối hợp nên không tạo được hiệu quả.

Suy giảm của ngành nông nghiệp kéo theo thu nhập của người nông dân cũng kém đi (ảnh minh họa).
Suy giảm của ngành nông nghiệp kéo theo thu nhập của người nông dân cũng kém đi (ảnh minh họa).

Một vấn đề nữa là chúng ta cần tập trung tổ chức lại sản xuất theo hướng dồn điền đổi thửa tạo thành các cánh đồng mẫu lớn, cứ để tình trạng sản xuất manh mún như thế này thì không tạo được sản phẩm mang tính hàng hóa. Điều nữa là chúng ta phải giúp người nông dân sản xuất sản phẩm có chất lượng để thâm nhập thị trường lớn, chứ để mình họ thì họ không thể tự làm được, mà phải là Nhà nước, nói chung phải có chính sách căn cơ.

Thực tế cho thấy, có nhiều chính sách hiện vẫn chưa hướng về nông dân. Theo bà, cần điều chỉnh những bất cập này như thế nào?

- Đúng là hiện chúng ta có nhiều chính sách nhưng nông dân không tiếp cận được. Theo tôi, các chính sách phải hướng đến nông dân, lấy nông dân là đối tượng hưởng lợi. Ngoài ra, tôi thấy, với tình hình ngân sách như hiện nay thì vốn đầu tư cho nông nghiệp không phải là ít, nhưng không hiệu quả, điều này chúng ta cần phải xem lại một cách nghiêm túc. Phải giám sát trách nhiệm của các bộ, ngành được giao nhiệm vụ trong khâu nào của sản xuất nông nghiệp thì phải có trách nhiệm và làm đến nơi đến chốn.

Trên diễn đàn Quốc hội, có đại biểu đã chua xót nói: “Vấn đề nông nghiệp Quốc hội nói nhiều, nhưng nông dân vẫn khổ”. Vậy Quốc hội có nên dành nhiều thời gian hơn nữa để bàn về nông nghiệp, đồng thời ra được nghị quyết về nông nghiệp hay không, thưa bà?

- Vấn đề nông nghiệp đã được các đại biểu Quốc hội đề nghị nhiều lần, bởi trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước hiện nay nông nghiệp phải là hàng đầu. Cho nên, tôi cho rằng, Quốc hội và Chính phủ phải có một sự quan tâm đầu tư cho nông nghiệp, bằng cách huy động đội ngũ nhân lực xây dựng chiến lược bài bản. Chúng ta cũng phải xác định, nông nghiệp là nơi để đất nước mình cất cánh, muốn thế thì chúng ta phải dồn tâm sức, trí tuệ như thế nào cho xứng đáng, coi đây như là trụ đỡ cho nền kinh tế đất nước.

Thực tế cho thấy, thời gian qua thời lượng trên diễn đàn Quốc hội dành cho nông nghiệp chưa nhiều, nên Quốc hội cần có chuyên đề để bàn về nông nghiệp sâu hơn nữa và có nhiều giải pháp hơn nữa, đồng thời phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện các giải pháp đó của Chính phủ, các bộ, ngành để làm sao cho nông nghiệp thực sự là lĩnh vực tạo điều kiện để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Hiện Bộ NNPTNT đang triển khai Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo bà, việc này liệu có giúp giải quyết cơ bản các tồn tại của ngành nghiệp?

- Khi tái cơ cấu thì chúng ta vẫn phải khuyến khích người nông dân làm ăn tập thể, chứ không thể riêng lẻ được qua đó để người dân hỗ trợ lẫn nhau. Đối với vốn ngân sách cũng phải chọn khâu nào có hiệu quả nhất để hỗ trợ nông dân, trong đó khâu giúp người nông dân chọn chủng loại cây trồng, vật nuôi nào vào sản xuất là quan trọng nhất. Chúng ta phải giúp họ áp dụng KHKT và tạo điều kiện để cho họ áp dụng, chứ không thể làm theo kinh nghiệm. Hiện nay, mình phải định hướng, chứ không thể để nông dân thấy giống lúa này tốt thì tự ý trồng. Cái cần làm của Nhà nước là giúp người nông dân chủ động sử dụng sức lao động của mình và đưa vốn, KHKT, đảm bảo đầu vào, đầu ra thì mới có lãi được.

Không thể đổ hết cho dân

Để thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đang thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Theo bà, việc tái cơ cấu có đơn thuần chỉ là tăng sản xuất cây, con này, giảm sản xuất cây, con kia?

- Về tái cơ cấu nông nghiệp tôi thấy vẫn chưa căn cơ, toàn diện lắm vì tái cơ cấu người nông dân mới là trung tâm, chứ không phải cây, con là trung tâm. Cho nên, tái cơ cấu nông nghiệp phải tính một cách toàn diện như chúng ta phải đào tạo để có một nguồn nhân lực sử dụng được KHKT cao để ứng dụng vào sản xuất, chứ không phải chỉ là bảo nông dân trồng cây này, nuôi con kia. Mục tiêu của mình là để cho người nông dân có trình độ, tri thức và họ quyết định cần phải làm gì. Rồi từ định hướng, chiến lược chung chúng ta mới tính đến hàng hóa, nông sản sản xuất ra không chỉ đơn thuần là phục vụ tiêu dùng thông thường, mà phải hướng tới xuất khẩu.

So với nhiều quốc gia, nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, vì thế phải có chiến lược để hàng hóa nông sản của chúng ta cạnh tranh được với các nước.

Ở ĐBSCL, mỗi hộ gia đình nông dân có từ 5-7ha ruộng, mỗi năm sản xuất ra cả trăm tấn lúa, nhưng họ vẫn nghèo. Đây có thể coi là sự vô lý rõ ràng, nguyên nhân của tình trạng này là do đâu, thưa bà?

- Theo tôi, nguyên nhân do các khâu sản xuất từ đầu vào đến đầu ra bị cắt khúc, không có người điều tiết, nên người nông dân phải tự bơi trong chuỗi sản xuất của mình. Tại sao mình làm ra nhiều gạo nhưng chất lượng không cao? Chung quy lại là do trách nhiệm của cơ quan quản lý, chứ không thể đổ do dân được. Cũng ở ĐBSCL nhưng ở Sóc Trăng đã làm loại gạo tiêu thụ được ở những thị trường chất lượng cao, trong khi các tỉnh khác không làm được. Chúng ta vẫn sản xuất nông nghiệp chạy theo số lượng, nên người nông dân dù làm ra nhiều nhưng lỗ ngày càng lỗ. Chính phủ và các bộ, ngành phải có chính sách đầu tư về vốn, KHKT, phương pháp làm ăn để người nông dân có thể sống và làm giàu trên đồng ruộng của mình.

Xin cảm ơn bà!

Chưa nên khuyến khích đại gia làm nông nghiệp

Gần đây đang có xu thế đại gia đi làm nông nghiệp, có một số ý kiến cho rằng, muốn làm nông nghiệp lớn cần phải sử dụng tri thức, cần có những người có nhiều vốn, tầm nhìn để đầu tư. Bà đánh giá ra sao về xu thế này?

- Vấn đề một số mô hình làm ăn có hiệu quả, tạm gọi là của các đại gia thực tế chỉ là “mồi” thôi, cái chính vẫn là phải để cho người nông dân làm giàu trên mảnh đất của chính mình, muốn như vậy phải có bàn tay của nhà nước. Còn xu hướng để các nhà đầu tư có vốn đầu tư vào nông nghiệp, thì nước ta cần có chiến lược căn cơ. Theo tôi, ở Việt Nam chưa nên khuyến khích mô hình đó nhiều, cái chính hiện nay vẫn là phải để đại đa số người nông dân làm giàu được.