Ông Nguyễn Mỹ Quang – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết: Trong năm 2014, việc phân cấp về địa phương sẽ diễn ra trước hết trong lĩnh vực dạy nghề phi nông nghiệp. Với hướng đi này, bên cạnh việc tăng cường vai trò của cấp huyện, cấp xã thì những hạn chế trong đào tạo nghề cho LĐNT thời gian qua ở Bình Định sẽ được giải quyết. Đến thời điểm hiện tại, các thủ tục, các quyết định, văn bản liên quan đến hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT đã hoàn tất. 11/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã hoàn tất kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT tại địa phương.
Sở LĐTBXH tỉnh đang tiến hành tập huấn cho các địa phương và các cơ sở dạy nghề theo hướng phân cấp về địa phương. Theo ông Quang, Sở LĐTBXH tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi giữa hai bên để cùng tháo gỡ các khó khăn và rút kinh nghiệm.
Thực tế 1-2 năm trước, khi các đơn vị dạy nghề được chỉ định khảo sát nhu cầu học nghề của nông dân, việc khảo sát cũng thực hiện trên cơ sở phối hợp với phòng Kinh tế, phòng NNPTNT. Kết quả cho thấy, nông dân chủ yếu chọn học các nghề thuộc lĩnh vực chăn nuôi như nuôi và phòng trị bệnh cho gia cầm, cho heo, cho trâu, bò; trong lĩnh vực trồng trọt như quản lý và trồng lúa năng suất cao, quản lý dịch hại tổng hợp, trồng và nhân giống nấm…
Đào tạo nghề phi nông nghiệp tại Bình Định.
Ông Bùi Quang Vinh – Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật Bình Định cho biết, bà con cũng không có nhiều thông tin về việc làm và định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi trong tỉnh nên việc lựa chọn nghề nhiều khi mang tính chất ngắn hạn.
Khi chuyển việc đào tạo nghề về huyện, theo ông Nguyễn Mỹ Quang sẽ thực hiện trước hết trong lĩnh vực dạy nghề phi nông nghiệp. Với hướng đi này, Sở đã tổ chức các lớp tập huấn tăng cường vai trò, nâng cao năng lực cho cán bộ các phòng chuyên môn của cấp huyện và xã.
Tuy nhiên, biên chế 1 cán bộ chuyên trách theo dõi công tác đào tạo nghề cho Phòng LĐTBXH cấp huyện (theo Thông tư liên tịch số 30) ở Bình Định chưa bố trí được, vẫn kiêm nhiệm. Vì thế, khi chưa có cán bộ theo sát, định hướng, rất có thể hoạt động dạy nghề vẫn thực hiện kiểu “chủ trương mới” nhưng “cách làm cũ”. Năm 2014, tỉnh Bình định phấn đấu đào tạo nghề cho 5.600 LĐNT.