Người 2 lần đi tìm “đất hứa”Chúng tôi tìm đến nhà ông Siu Blơ - người J’rai, trú ở làng Bi, xã Ia O. Với vẻ hài hước như tự châm biếm mình, ông kể: “Khoảng tháng 7.2005, đứa cháu tên là Ksor Thủy đến nhà ông rủ rê gia đình vượt biên để được đón sang nước ngoài sinh sống. “Chẳng phải làm rẫy cực như ở nhà đâu. Người ta đã xây nhà lầu cho mình, cho cả ô tô để đi; tháng tháng còn cấp đô la để gửi về cho họ hàng bên này nữa…”.
Chuyện nghe lạ cái tai quá, như thế là của trên trời rơi xuống hay sao? Nhưng thằng Thủy cứ bám dai như con vắt, đưa hết người này người kia ra kể. Nghe miết rồi nghĩ: Hay cứ đi coi thử. Không có thì quay về đã chết ai?”. Thế là một đêm tối trời, cả gia đình 9 người gồm 2 vợ chồng và 7 đứa con của ông Siu Blơ với ít tiền từ bán tống tháo đồ đạc trước đó trốn đi…
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Pô Kô giúp dân sản xuất, ổn định cuộc sống.
Tới “trại tị nạn”, đập vào mắt Siu Blơ là hàng trăm con người sống chen chúc trong những dãy lán tạm lợp tôn. Cái nóng so với cả khi đứng đốt rẫy giữa mùa khô còn chưa thấm. Đã thế mỗi bữa mỗi người chỉ được ăn 2 chén cơm. Một con cá khô bằng ngón tay út phải chia cho 3 người… Rồi một năm trôi qua vẫn chẳng thấy ai đoái hoài. Chịu hết nỗi, Siu Blơ xin đưa gia đình quay về Việt Nam…
Về chưa ấm chỗ, tháng 4.2007, Pul - trú ở B15, xã Ia Der (Ia Grai) lại lén lút đến rủ rê vượt biên. Quá rõ về cảnh sống ở trại tỵ nạn, Siu Blơ chối đây đẩy. Thấy dụ dỗ Blơ không chuyển, Pul quay sang dụ dỗ vợ con Blơ. Thế rồi, một hôm nhân Siu Blơ vắng nhà, vợ con Blơ đã nghe lời thằng Pul, lẻn ra đi…
Đang hoang mang không biết làm sao thì thằng Pul lại đến. Hắn bảo: “Vợ con mày đã đi rồi, ở lại làng thì mày sống với ai? Với lại mày đã từng đi vượt biên, bây giờ lại để vợ con đi lần nữa, thế nào cũng bị công an bắt bỏ tù thôi”. Nghe hắn nói vậy hãi quá, không suy nghĩ gì nữa, Siu Blờ đi theo… “Có khác gì cái cảnh vạ vật đã trải qua trước đó đâu. Được 6 tháng mình bàn với vợ con xin trở lại làng. Vợ con mình đều bảo: Bây giờ có ai cho con bò bằng vàng cũng không vượt biên nữa… Cơm tù” giúp nó mọc ra con mắt đằng sau lưng rồi mà” – Siu Blơ cười thoải mái.
“Đất hứa” ngay ở dưới chânVào thời điểm “nóng”, xã Ia O có 9 làng thì 4 làng có người tham gia vượt biên trái phép. Xác định nguyên nhân đồng bào vượt biên trái phép là mưu đồ của bọn phản động Fulro nhưng một phần là do cuộc sống quá khó khăn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pô Kô được giao nhiệm vụ cùng với chính quyền địa phương tìm cách giúp đồng bào phát triển sản xuất.
Sau khi xác định cao su và cà phê phù hợp với thổ nhưỡng ở đây, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pô Kô đã tiến hành một cuộc vận động sâu rộng nhằm giúp đồng bào thay đổi nhận thức; đồng thời tiến hành công tác “ba cùng” để hướng dẫn kỹ thuật cho đồng bào.
Ảo tưởng về “miền đất hứa” bây giờ chẳng còn ai muốn nhắc, nhưng nó như một vết thương ký ức thỉnh thoảng vẫn nhói lên nhắc nhở những con người một thời lầm lỡ rằng “đất hứa” chỉ ở quê hương do bàn tay mình tạo dựng.
|
Trung tá Trần Văn Hùng- Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Pô Kô cho biết: Sau hơn 5 năm, quân - dân nỗ lực chung sức, hiện các hộ từng vượt biên trái phép sang Campuchia đều có cuộc sống ổn định. Hầu hết họ đều có trồng cao su tiểu điền, cà phê hoặc điều. Hộ ít thì 5-7 sào, bình thường thì 1-2ha…
Điển hình là Rơ Lan Hyêh, ở cái tuổi 30 đã sở hữu 1ha cao su tiểu điền sắp cho thu hoạch, 1ha mì (sắn), 3ha điều. Mỗi năm trừ chi phí, anh thu về gần cả trăm triệu đồng. Còn Siu Blơ, sau hơn 5 năm cần cù lao động, đến nay 4 con ông đã lập gia đình.
Ai cũng có cuộc sống ổn định, có vườn, rẫy; mỗi năm thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng… Chia bớt cho con rồi, ngoài ngôi nhà xây khá khang trang và tiện nghi, Siu Blơ cũng còn “tài sản dưỡng già” kha khá gồm 1ha điều kinh doanh, 1ha đất trồng cây mì, 2 con trâu, 2 con bò... “Giá như ngày ấy mình đừng tin lời kẻ xấu, bán tống bán tháo vườn tược, chịu khó làm ăn như người khác thì đâu chỉ có bấy nhiêu” – Siu Blơ nói vẻ xót xa.