“Đôi khi chúng ta cứ loay hoay giải bài toán về tiêu chí “kết cấu hạ tầng” mà xem nhẹ vấn đề gốc rễ là phát triển sản xuất. Vốn xuất thân từ nông dân, sản xuất sản phẩm liên quan đến nông nghiệp nên điều tôi luôn hướng đến là nông dân và giúp họ phát triển sản xuất, tăng thu nhập”.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Duy Khuyến (ảnh)– vị Tổng Giám đốc nặng tình với ruộng đồng quê hương.
Được biết, ông từng đi học tại Ba Lan và trở về Việt Nam với tấm bằng thạc sĩ cơ khí. Vậy cơ duyên nào đã đưa ông đến với ngành sản xuất phân bón và ông đã trưởng thành như thế nào với nghề?- Tôi vốn sinh ra và lớn lên từ nông thôn, gắn bó với công việc của nhà nông. Sau khi tốt nghiệp lớp 10 và thi đậu đại học với điểm cao, từ năm 1972 – 1978 tôi được nhà nước cử đi học ngành cơ khí luyện kim tại Ba Lan. 6 năm học tập và rèn giũa ở một nước có nền công nghiệp tiên tiến, có tiềm lực kinh tế, khi trở về Việt Nam, tôi lại được chứng kiến cảnh nghèo đói, khó khăn nên đã vô cùng hụt hẫng. Cũng từ khó khăn, ước mơ có được một bữa ăn no đủ đã đưa số phận tôi gắn bó với nông dân.
Năm 2014, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã chuẩn bị sẵn lượng vật tư sản xuất phân bón lên tới 500.000 tấn. TTXVN
Sau khi được bổ nhiệm làm việc tại Viện Luyện kim Thái Nguyên, đến năm 1981, tôi xin chuyển về Nhà máy Supe Lâm Thao theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước “Sản xuất lương thực, thực phẩm là mặt trận hàng đầu của đất nước” lúc bấy giờ. Đầu tiên tôi làm kỹ sư phân xưởng cơ khí chuyên sản xuất các thiết bị phi tiêu chuẩn cho việc mở rộng nhà máy, sửa chữa các loại máy phục vụ hệ thống sản xuất.
Sau đó làm bí thư đoàn, cho đến khi Liên Xô tan rã thì đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế, hàng sản xuất ra không được tiêu thụ nên lãnh đạo công ty đã điều tôi làm Phó Trưởng phòng Tiêu thụ. Con đường sự nghiệp cứ thế tiếp diễn: Trưởng phòng Kế hoạch, Trưởng phòng Kinh doanh, Phó Giám đốc phụ trách tiêu thụ, Phó Tổng Giám đốc và cuối cùng làm Tổng Giám đốc như hiện nay.
Trải qua những vị trí khác nhau của công ty, điều này chắc hẳn giúp ông tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong quản lý cũng như thấu hiểu được tâm tư nguyện vọng của người lao động và bà con nông dân?- Có thể khẳng định, vai trò của người nông dân là quan trọng nhất, “nông dân, nông nghiệp, nông thôn” vẫn là nền tảng chính của đất nước, nhưng phải thay đổi bằng ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, năng suất cao, tăng thêm thu nhập cho người dân… thì điều đó mới xây dựng được đất nước Việt Nam giàu mạnh.
Trải qua 34 năm làm việc tại Nhà máy Supe Lâm Thao, phải nói rằng tôi thấy sự lựa chọn hay số phận đem lại cho mình sự hài lòng. Mình đã góp một phần nhỏ để đưa đất nước từ lúc thiếu đói đến nay đã thừa lương thực cho xuất khẩu vì tích hợp được rất nhiều kiến thức đã học ở nước bạn và thực tế qua các vị trí làm việc khác nhau.
Trong đó có việc đưa ra những công thức bón phân, những sản phẩm phù hợp với nông dân nhằm phát huy được lợi thế cho đất nước, cạnh tranh với sản phẩm của các nước. Khi bà con nông dân có lợi thì sản phẩm của mình mới bán được và có như thế mới đánh giá được chất lượng phân bón. Tôi cũng rất mừng khi mà nông dân ngoài phấn đấu đủ ăn, họ đã bắt đầu nghĩ cách sử dụng phân bón để sản xuất ra những sản phẩm sạch để làm giàu.
Mặc dù tình hình kinh tế những năm gần đây gặp khó khăn, nhưng Công ty Supe Lâm Thao vẫn đứng vững trên thị trường trong nước và vươn ra nước ngoài, doanh thu vẫn không ngừng tăng. Bí quyết zthành công của công ty là gì, thưa ông?- Năm 2013, doanh thu của Lâm Thao đạt 5.180 tỷ đồng, tăng 3,64% so với năm 2012. Lợi nhuận đạt 596 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm trước; nộp ngân sách đạt 200,27 tỷ đồng, tăng 8,92%. Với lợi nhuận khoảng 596 tỷ đồng, chia cho vốn chủ sở hữu là 778 tỷ đồng thì có thể thấy, tỷ suất lợi nhuận là 71%. Nghĩa là, cứ một đồng vốn đầu tư vào Công ty Supe Lâm Thao đã đem lại 0,7 đồng lợi nhuận.
Trong khi đó, bình quân những năm trước cổ phần hóa, Công ty CP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao cũng chỉ đạt lợi nhuận quanh mức 50 – 60 tỷ đồng/năm. Sau cổ phần hóa, lợi nhuận đã tăng gấp 10 lần. Với chỉ số ấn tượng này, năm 2013, công ty tiếp tục đứng số 1 về lợi nhuận và hiệu quả trong toàn Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Chúng tôi bám sát thị trường thế giới để mua dự trữ nguyên liệu với giá rẻ và có giá bán phân bón hợp lý cho bà con nông dân. Ngoài ra, chúng tôi tích cực cải tiến sản phẩm, đặc biệt là việc bổ sung các nguyên tố trung và vi lượng trong phân NPK-S để vừa phù hợp hơn với từng loại thổ nhưỡng và nhu cầu của từng loại cây trồng, vừa có tác dụng cải tạo đất. Hay việc phối hợp thành phần lân nung chảy với supe lân trong phân lân, giúp cho cây trồng hấp thụ tốt hơn, thích hợp với nhiều loại đất, nhiều loại cây trồng; kể cả đất chua, đất phèn, đồng chiêm trũng. Vì vậy phân bón Lâm Thao đã mở rộng được thị trường, đến với đồng ruộng khắp cả nước.
Không những đảm bảo chất lượng, phân bón Lâm Thao còn có tính an toàn cao, không ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng - một yếu tố mà thị trường nước ngoài luôn yêu cầu khắt khe. Bởi vậy, từ năm 2013 đến nay, ngành nông nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản đã nhập và sử dụng sản phẩm của công ty chúng tôi. Có thể khẳng định, phân bón của Lâm Thao cung ứng ra thị trường chỉ có tăng chứ không giảm qua các năm.
Trong điều kiện biến động của thị trường như hiện nay, công ty đang gặp những khó khăn, vướng mắc gì?
"Là người đứng đầu điều hành doanh nghiệp, theo tôi quan trọng nhất là làm sao bám sát thị trường thế giới. Nếu không bám sát, mua phải giá cao thì rất khó đảm bảo lợi nhuận. Năm 2014, công ty đã chuẩn bị sẵn lượng vật tư sản xuất phân bón lên tới 500.000 tấn. Công ty sẽ tiếp tục đầu tư, đổi mới sản phẩm, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, như phân bón cho hoa, cây cảnh. Chúng tôi phấn đấu lợi nhuận sẽ không giảm. Riêng xuất khẩu, Lâm Thao sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc”. Ông Nguyễn Duy Khuyến
|
- Khó khăn lớn nhất hiện nay có thể nói là sự xuất hiện tràn lan các sản phẩm phân bón có nhãn mác, thiết kế bao bì giống với của supe, điều đó đã đánh lừa không ít bà con nông dân. Chính điều này mà các sản phẩm phân bón giả, phân bón kém chất lượng bán chạy hơn so với các doanh nghiệp có thương hiệu.
Năm 2013, Công ty Supe Lâm Thao đã phối hợp với các ban ngành liên quan để hạn chế và giải quyết triệt để vấn đề trên. Đầu tiên, Lâm Thao đã xây dựng hệ thống bán lẻ, cấp giấy chứng nhận cho những đại lý phân phối trên từng thôn, xã.
Hai là tăng cường công tác kiểm tra các hệ thống bán, đại lý. Ba là tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách phân biệt giữa phân bón Lâm Thao với các sản phẩm không đạt chất lượng.
Cuối cùng là không ngừng cung ứng một lượng phân bón lớn, có chất lượng cao góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đem lại lợi ích cho bà con như: Bán hàng theo phương thức trả chậm, hỗ trợ cước phí vận tải, tạo điều kiện để nông dân có phân bón cho cây trồng, hướng dẫn các yếu tố về giống, kỹ thuật canh tác...
Hiện nay, supe Lâm Thao có hàng chục kỹ sư nông nghiệp, hàng chục trạm giao dịch ở các tỉnh và qua đó chúng tôi cũng sản xuất các chương trình để trình chiếu cho nông dân biết phân biệt, sử dụng phân bón đạt hiệu quả. Đồng thời, công ty liên tục đón đoàn đại biểu các tỉnh về giao lưu trao đổi kinh nghiệm học tập, sử dụng phân bón đúng cách.
Xin cảm ơn ông!