Quảng Ninh là 1 trong 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và là một trong những trung tâm du lịch hút khách hàng đầu cả nước, với nhu cầu tiêu thụ nông sản rất lớn, khoảng 376.487 tấn/năm.
Hiện nay, tổng sản lượng hàng hóa nông sản các loại tỉnh này cung cấp cho thị trường khoảng 320.998 tấn/năm, bình quân 26.674 tấn/tháng, chỉ mới đạt tỷ lệ 85,2%. Về vấn đề tiêu thụ nông sản, hiện nay hầu hết các công ty, đơn vị ngành than, khách sạn, siêu thị trên địa bàn tỉnh có bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh đều ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm dài hạn với các nhà cung cấp thực phẩm tại địa phương.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị lại trực tiếp thu mua thực phẩm tại các chợ trên địa bàn. Do đó, an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề mà các đơn vị tiêu thụ rất quan tâm và đang khó kiểm soát.
Tại Hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (tổ chức ngày 21.5), đại diện các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp và sở, ngành đã thảo luận, chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng như khó khăn hiện nay trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là vấn đề sản xuất, giá cả đối với các loại nông sản, thực phẩm sản xuất theo quy trình VietGAP, các sản phẩm an toàn khác…
Sau khi nghe các ý kiến tại hội thảo này, ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông sản của tỉnh này. Đối với sản xuất, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hoá tập trung theo hướng nâng cao chất lượng nông sản; quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá tập trung và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Về tiêu thụ sản phẩm, ông Đặng Huy Hậu yêu cầu các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp, HTX trong việc mở thêm các địa chỉ giới thiệu sản phẩm. Các địa chỉ giới thiệu sản phẩm cần mở rộng thêm ở nhiều địa phương. Các đơn vị tiêu thụ sản phẩm cần phối hợp chặt chẽ hơn với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ninh tăng cường kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Sở NNPTNT cần công bố danh sách các đơn vị sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh để các đơn vị tiêu thụ có cơ sở lựa chọn, kiểm soát sản phẩm.
Về chính sách hỗ trợ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất thực phẩm an toàn, trong đó có đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; cơ chế hỗ trợ các điểm bán hàng đối với các mặt hàng thuộc Chương trình “mỗi xã phường một sản phẩm”, các sản phẩm nông sản xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.