Dân Việt

Cơn lũ giá

08/11/2010 10:41 GMT+7
(Dân Việt) - Trong khi các tỉnh miền Trung phải chống chọi với những cơn lũ do thiên tai, người dân cả nước gói ghém tiền của để chia sẻ với đồng bào bị hoạn nạn, thì có một cơn lũ khác rất ghê gớm đang tấn công: Lũ giá.

Giá các mặt hàng thiết yếu, các loại thực phẩm tăng từng ngày. Người dân đã từng đối mặt với lạm phát, nhưng diễn biến về tăng giá trong thời gian qua bất ngờ hơn, làm cho cuộc sống, sinh hoạt bị đảo lộn.

Nhiều người hôm nay ra chợ với số tiền như ngày hôm qua nhưng chỉ mua được một nửa hoặc hai phần ba so với trước. Các chuyên gia nói rằng, khi lạm phát xảy ra, người nghèo là đối tượng đầu tiên chịu hậu quả.

Lạm phát như một loại thuế vô hình, đánh vào túi tiền của người dân. Hiện nay người dân đang mất tiền vì lạm phát theo kiểu “sưu cao thuế nặng”.

Người nghèo là ai? Là hàng vạn công nhân trong các nhà máy. Đồng lương của họ vốn được xem là “chết đói”, thì trong cơn lũ giá này sự đói khát đó càng thậm tệ hơn.

Với thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, một người giỏi thu vén cũng không đủ sống, nhưng lạm phát đã làm mất một phần trong số tiền ít ỏi của họ. Người nghèo là đa số cán bộ công nhân viên. Đồng lương của nhân viên nhà nước lương thiện vừa đủ rau cháo qua ngày.

Nhưng trong tình trạng giá cả tăng vọt, chắc chắn họ thiếu thốn. Người nghèo là hàng triệu nông dân đang hứng chịu quá nhiều thiệt hại do dịch heo tai xanh, do thiên tai bão lũ. Người nông dân đối mặt với quá nhiều tai ương, khốn khó, tiền không có để chi cho những sinh hoạt cần thiết nhất, như có cái để ăn đủ no, cái mặc cho lành lặn, có thuốc uống khi ốm đau...

Ngoài những yếu tố khách quan khiến giá cả tăng, còn có nhiều kẻ lợi dụng tát nước theo mưa hoặc tranh thủ đầu cơ, thổi giá thu lợi bất chính. Điển hình nhất là thuốc tây, các nhà cung cấp cũng như đại lý tăng giá liên tục bất chấp các quy định niêm yết. Người bệnh không thể trả giá nên gánh chịu toàn bộ hậu quả.

Báo chí vẫn tuyên truyền nhiều khẩu hiệu về kiểm soát giá, ngăn chặn lạm phát, kinh tế tăng trưởng tốt. Nhưng đó là lý thuyết, còn thực tế là những gì mà người dân đang phải đối mặt.