Bị phạt đến 10 triệu đồngHộ ông Lê Quốc Tuấn (thôn Bắc, xã Ninh Tân, Ninh Hòa) bức xúc phản ảnh: Đầu vụ chúng tôi xin lên xin xuống thì nhà máy (Nhà máy Đường Khánh Hòa thuộc Công ty CP Đường Khánh Hòa - PV) cứ đủng đỉnh không cho lệnh chặt. Đến cuối vụ, khi chỉ còn khoảng 10 ngày là kết thúc thì nhà máy cho chặt mía ồ ạt, chẳng xếp lịch gì cả, mạnh ai nấy chặt nên thiếu nhân công, thiếu xe trầm trọng.
Rồi nhà máy ra thông báo ngày 2.5 sẽ ngừng thu mua nhưng chẳng hiểu sao mới ngày 1.5 đã thôi không nhận mía. Đôn đáo chạy vạy hết cỡ để thu hoạch cho kịp sản lượng nhưng đến thời điểm chốt sổ, gia đình tôi chỉ bán được cho nhà máy 168 tấn, thiếu 82 tấn so với đăng ký. Đến ngày thanh lý hợp đồng, nhà máy thông báo tôi bị phạt trên 10 triệu đồng. Hiện nhà máy đang tạm giữ của tôi 50.000 đồng/tấn, tổng số tiền đang tạm giữ trên 8 triệu đồng, nhà máy yêu cầu nộp thêm 2 triệu đồng tiền phạt thiếu hụt sản lượng.
Nông dân trồng mía nhiều lần kêu cứu vì mía phơi khô trên đồng mà nhà máy không thu mua.
“Oái ăm là vào lúc nhà máy ngừng thu mua, trên đồng vẫn còn tồn tới 120 tấn, thừa gần 40 tấn so với sản lượng đăng ký” – vợ ông Tuấn nói.
Sai nhưng không bồi thường thiệt hại Tiếp xúc với nhiều hộ dân bị Công ty CP Đường Khánh Hòa phạt tiền, phóng viên NTNN ghi nhận những bức xúc dồn nén của bà con trong quá trình hợp đồng trồng mía nguyên liệu cho nhà máy (NTNN cũng đã phản ảnh).
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hội ND xã Ninh Tân, cho biết: Hiện nay có 12 hộ khiếu nại bị Công ty CP Đường Khánh Hòa phạt thiếu sản lượng, thiếu chữ đường đăng ký. Ngoài hộ ông Tuấn, còn có hộ bà Lê Văn Sơn bị phạt 6,1 triệu đồng; hộ Đào Thị Ánh Hằng bị phạt 6,6 triệu đồng…
|
Năm nay, nhà máy thông báo xếp lịch chặt mua mía bằng tin nhắn, mỗi xe mía muốn vào được nhà máy, ND phải nhắn qua tổng đài tới 4 tin nhắn trong khi không phải tổng đài lúc nào cũng thông suốt hoặc ND nào cũng rành chuyện nhắn tin. Hai năm nay, công ty không phát hợp đồng trồng mía nguyên liệu sau khi dân đã ký, điểm chỉ.
Công ty ban hành một bộ quy chế, trong đó ghi rõ: Nhà máy có trách nhiệm thông báo trước 12 ngày cho các hộ biết ngày nhà máy kết thúc vụ ép mía. Nếu việc tồn mía nguyên liệu từ nguyên nhân do nhà máy gây ra thì chủ mía được đền bù…
Vậy nhưng vụ mía năm nay, công ty đã vi phạm quy chế khi thông báo ngừng ép mía trước có 8 ngày, sau đó lại ngừng mua trước 1 ngày làm cho hàng ngàn tấn mía bị ứ dồn.
Ngoài ra, việc thu mua chậm trễ vào đầu vụ rồi tháo khoán thu mua ồ ạt vào cuối vụ đã hành khổ ND nháo nhào bán mía cho đủ sản lượng. “Chúng tôi vật vã mới tìm đủ nhân công nhưng chặt xong mía thì nhà xe “làm giá”, phải nịnh nọt, năn nỉ rồi “boa” cho nhà xe 1 triệu đồng/chuyến họ mới chở mía cho” – ông Hoàng nói.
Sau khi nhận được đơn của hội viên, Hội ND xã Ninh Tân đã có văn bản báo cáo lên Hội các cấp. Ngày 23.5, Công ty CP Đường Khánh Hòa đã gửi thông báo sẽ giảm tiền phạt. Nhưng bà con trồng mía vẫn không hết bức xúc.
“Chúng tôi đổ mồ hôi sôi nước mắt cả năm ròng mới trồng nên cây mía, nhà máy vi phạm quy chế rõ ràng gây thiệt hại nặng nề mà không thèm bồi thường. Đã vậy lại đi phạt chúng tôi là dựa vào cái lý gì? Bây giờ lại thông báo giảm mức phạt để “ban ơn” giảm bớt khó khăn cho chúng tôi, thật không thể hiểu nổi” – bà Lan nói.