Ông tập trung vẽ các thiếu nữ Hà thành, hoặc chân dung phu nhân đài các, cũng như cô gái quê thùy mị, nết na. Đó là những người mẫu do ông chọn thuê hay có khi lại là những người tự tìm đến, muốn ông vẽ lại chân dung một thời xuân sắc của mình.
Thậm chí có những người bạn thân đưa vợ đến nhờ ông họa lại để lưu dấu tình yêu và nỗi niềm chia sẻ trong gia đình. Đó là niềm vui của một gia đình hạnh phúc hay có thể là lời tạm biệt với nỗi lòng chia xa…
Họa sĩ Lương Xuân Nhị
Những cô gái ấy hiện lên trên toan và sắc màu của họa sĩ Lương Xuân Nhị khi thì đằm thắm, khi lại ấm áp kiêu sa. Những khuôn mặt hiền hậu đáng yêu, cùng với ánh mắt thăm thẳm nỗi niềm thầm kín. Với những bố cục hết sức cổ điển, cân đối tỉ lệ và sắc độ dịu dàng đã làm nên một ngôn ngữ hội họa Lương Xuân Nhị trên đất Hà thành.
Dường như tranh vẽ thiếu nữ của ông có cánh bay vậy, bởi ông vẽ đến đâu là người ta mua đến đấy. Có thể nói cái tên Lương Xuân Nhị gắn với hình tượng các cô gái Hà thành xưa, giống hệt như mỗi khi nói đến phố gắn với cái tên Bùi Xuân Phái vậy: “Phố-Phái” - “Gái-Nhị”.
Nhưng thực ra trước đó, người ta còn nhớ đến một Lương Xuân Nhị đã nổi lên như một “Lê-vi-tan” (Họa sĩ nổi tiếng nhất của Nga vào cuối thế kỉ XIX) đồng quê Việt vậy. Ngay từ những năm đầu học ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa VIII, từ năm 1932 đến 1937, họa sĩ trẻ Lương Xuân Nhị đã là một cái tên mà nhiều nhà sưu tầm tranh ngưỡng mộ tìm tới. Họ mê tranh thiên nhiên, phong cảnh đồng quê, và tĩnh vật của chàng sinh viên 19 tuổi này.
Không ít người thắc mắc vì sao một sinh viên đỗ thủ khoa ấy lại chứng tỏ tài năng của mình chỉ qua những bức họa đồng quê. Nhất là những người sưu tầm nước ngoài như Pháp và Mỹ, kể cả có người ở nước Israel ngày đó cũng đến mua. Họ tìm đến một nét đẹp huyền diệu của màu xanh quê hương qua tranh Lương Xuân Nhị...
Hồi đó có những tờ báo Pháp nhận định ông là họa sĩ của màu xanh là vì vậy. Nét hồn nhiên của màu xanh và những nỗi niềm xao xuyến của một công tử Hà thành như ông được trút vào những đường nét bâng khuâng và màu sắc xanh đến thổn thức cõi tình một thuở mộng mơ.
Chợ hoa đào (1985, lụa)
Chính vì tấm lòng ấy, mà tranh Lương Xuân Nhị đã đoạt giải cao ngay từ năm thứ hai. Và thật không thể tin liên tiếp hai năm sau đó kẻ sĩ Thăng Long ấy đều nhận giải vàng (năm 1936) và giải “Ngoại hạng” (năm 1937), do Hội khuyến khích Mỹ thuật - Kỹ nghệ Đông dương trao tặng. Nếu tính ra 5 năm theo học, tranh của Lương Xuân Nhị năm nào cũng được chọn tham dự các triển lãm Mỹ thuật ở Paris, Hồng Kông, Mỹ, Batavia. Năm 1937, tranh thi tốt nghiệp của Lương Xuân Nhị đã từng được Chính phủ đem sang dự triển lãm quốc tế ở Paris và đã đoạt giải Vàng...
Năm 1939, một tác phẩm làng quê của ông, khi đó đặt tên là “Làng An-nam” đã được một nhà sưu tầm Mỹ săn mua. Số phận tác phẩm này thật kỳ lạ, vì sau đó bức tranh “Làng An-nam” được chọn trưng bày ở một cuộc triển lãm tranh quốc tế, gồm 79 nước ở Mỹ. Cuối cùng nó đã được chọn in vào tuyển tập tranh đẹp nhất quốc tế lúc bấy giờ. Báo chí ngày ấy, vào tháng 10 năm 1939 đưa tin rầm rộ về tranh của Lương Xuân Nhị được tuyển vào tập tranh thế giới và được coi là tác phẩm hội họa Việt Nam đầu tiên được bày ở nước Mỹ.
Tài năng của họa sĩ Lương Xuân Nhị được khẳng định một cách thuyết phục. Nhiều lời mời chào và nhiều hợp đồng được soạn thảo nhưng ông đều từ chối không làm việc cho người Pháp. Thậm chí ông còn cùng với họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Khang, Trần Văn Cẩn… lập nên nhóm sáng tác (Farta), theo khuynh hướng bài trừ kiểu vẽ theo lối Tây và tự tổ chức bày tranh riêng, tách khỏi tổ chức triển lãm mỹ thuật của Pháp. Vào năm 1944, sau khi nhóm Farta tổ chức triển lãm lần thứ hai thì bị chính quyền cấm và ra lệnh mọi họa sĩ ở Hà Nội phải tham gia triển lãm do Pháp tổ chức. Nhưng cả nhóm đều phản đối và tỏ ý bất hợp tác.
Khi kháng chiến bùng nổ, sau cách mạng tháng Tám 1945, họa sĩ Lương Xuân Nhị được bầu làm Chủ tịch Hội Văn hóa kháng chiến tỉnh Hưng Yên (1945-1946); rồi tiếp theo ông làm Tổng thư ký Chi hội Văn nghệ Liên khu III (1949-1951). Ông cùng các họa sĩ chuyển sang một giai đoạn sáng tác mới, đó là những đề tài chiến đấu, thông tin tuyên truyền và địch vận.
Hàng trăm những tác phẩm cổ động thể hiện tinh thần chiến đấu quật khởi của quân và dân ta được gửi ra chiến trường, góp phần khích lệ tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân đội ta. Không ít kẻ địch đã quay súng khi xem các tranh vận động trở về quê hương. Phải nói, hàng trăm tranh cổ động và tuyên truyền của họa sĩ Lương Xuân Nhị, đã trở thành tài sản quý báu cho nền văn nghệ cách mạng.
Bên bờ giếng (1958. Sơn dầu)
Sau hòa bình lập lại, họa sĩ Lương Xuân Nhị được mời về làm giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Sau này, ông còn được bầu làm Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội… Cũng từ đây, quá trình sáng tác của ông cũng được phát triển trên nền tảng thực tiễn, mà ông đã được trải nghiệm qua chín năm kháng chiến trở về. Vẫn còn đó là những phiên chợ và làng quê. Vẫn còn đó những cô gái Thủ đô và những bông hoa tinh khiết, nhưng giờ đây rạng rỡ với cuộc sống mới. Người xem hẳn không thể quên, có những “Đồi cọ”, hay “Chợ hoa đào”, hoặc “Bên bờ giếng” và “Nhà Bác Hồ”… của ông.
Người đẹp Hà Nội không còn chút lặng lẽ ngày nào hiện lên trong tác phẩm “Mùa đông”, mà óng ả, duyên dáng trong tà áo hoa sáng hồng. Cũng nét dịu dàng xa xưa ấy, nhưng ta thấy ấm áp và nồng hậu làm sao. Ông có sự đổi mới nhưng cốt cách lịch lãm trong tranh ông vẫn còn lưu giữ khó phai. Nhiều tác phẩm của ông được tôn vinh như ngày nào còn trai trẻ.
Đoạt giải nhất năm 1968 của Hội Mỹ thuật Hà Nội, sau đó là giải B năm 1983, rồi lại giải nhì năm 1992. Liên tiếp các năm 1996 và 1998, cái tên Lương Xuân Nhị lại vang lên trong các giải thưởng của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Triển lãm Hội người cao tuổi. Cùng với đó, họa sĩ Lương Xuân Nhị còn được phong hàm Phó Giáo sư và nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Cuối cùng, sự nghiệp hội họa cách mạng của ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, năm 2001, khi bước sang tuổi 87.
Họa sĩ Lương Xuân Nhị mất năm 2006, trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình và các đồng nghiệp. Tài năng của họa sĩ đã được các nhà chuyên môn và Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao. Sự nghiệp của ông thật chói sáng và liên tục đạt được những thành tựu qua các giai đoạn phát triển lịch sử của đất nước.