Như
Dân Việt đã thông tin, suốt hơn 1 tháng nay, gần 4.000 hộ dân sinh sống lại khu đô thị mới Đại Thanh (Thanh Trì, Hà Nội) đã thường xuyên phải sống trong cảnh mất nước sinh hoạt. Trả lời Dân Việt tại buổi làm việc sáng nay (5.6), ông Nguyễn Anh Việt - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco) khẳng định chắc chắn: Lỗi mất nước là do chủ đầu tư.
Bàn giao xong nhà 1 tháng mới ký hợp đồng cung cấp nướcKhu đô thị Đại Thanh, nằm trên địa phận xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì (Hà Nội), gồm 6 tòa chung cư cao tầng và khu biệt thự liền kề được khởi công vào đầu năm 2012 do Doanh nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư. Tới tháng 6.2012, công trình này chính thức được mở bán với giá gây sốc trên thị trường bất động sản lúc bấy giờ (10-13 triệu đồng/m2). Tới đầu tháng 10.2013, 3 tòa chung cư cao tầng đầu tiên là CT8A, B, C chính thức được hoàn thành và được chủ đầu tư bàn giao cho khách hàng.
Biểu đồ do Viwaco cung cấp cho thấy, đơn vị này có đủ khả năng cung ứng 1.800m3 nước/ngày, đêm cho khu đô thị Đại Thanh, song do năng lực hệ thống nội mạng hạn chế, nên mỗi ngày chỉ tiếp nhận được 1.200-1.300m3 nước/ngày, đêm. Đây cũng là lý do chính khiến khu đô thị này thường xuyên mất nước.
Thế nhưng, theo tài liệu mà
Dân Việt có được thì chủ đầu tư đã lộ hàng loạt sai sót trong khâu cung cấp hạ tầng nước cho cư dân. Cụ thể, công trình được bàn giao cho khách hàng ngày 10.10.2013, nhưng phải tới hơn 1 tháng sau (ngày 25.11.2013), chủ đầu tư mới ký hợp đồng cung cấp nước sạch với Viwaco.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Việt cho biết, đáng lẽ từ trước khi khởi công dự án, trong giai đoạn lập dự án tiền khả thi, chủ đầu tư phải có thỏa thuận với phía công ty cung cấp nước sạch để đơn vị này xem xét các điều kiện về quy mô dân số, diện tích nhằm có sự tính toán cung cấp nước.
“Thực tế họ xây dựng như thế nào, quy mô ra sao, chúng tôi không hề được biết. Chỉ đến khi gần xây dựng xong (trước tháng 7.2013), họ (chủ đầu tư) thấy chúng tôi đang thi công đường ống cấp nước cho xã Thanh Liệt mới đặt vấn đề xin cấp nước từ nguồn của Viwaco về khu đô thị Đại Thanh. Khi đó, chúng tôi thấy năng lực cấp nước của đường ống này vẫn còn nên đã đồng ý và đến tháng 7.2013 thì cho lắp đặt đồng hồ tổng tại đây”, ông Việt giãi bày thêm.
Do bị mất nước dài ngày, nên các hộ dân ở Đại Thanh thường xuyên phải đi xếp hàng chờ xách nước như thế này.
Theo hợp đồng được ký kết giữa Viwaco và chủ đầu tư, việc cấp nước đến khách hàng trong khu đô thị sẽ do chủ đầu tư chịu trách nhiệm. Còn Viwaco sẽ đảm bảo cung cấp nước 24/24 giờ qua đồng hồ tổng, kể cả ngày lễ và chủ nhật tại cổng khu đô thị. Ông Việt cho biết, hiện năng lực cấp nước tối đa của đơn vị này cho khu đô thị Đại Thanh đảm bảo tối đa ở mức 1.800m3/ngày, đêm. Song vấn đề là năng lực trong hệ thống nội mạng của khu đô thị không đủ để tiếp nhận, nên bình quân lượng nước vào khu này chỉ đạt 1.300-1.400m3, cá biệt có những thời điểm chỉ còn 1.100m3 như ngày 4.6, tức hụt tới 700m3 nước (chỉ đủ cung cấp cho hơn 2 tòa nhà).
Trả lời câu hỏi của
Dân Việt, vì sao trước thời điểm tháng 4 (khi xảy ra sự cố vỡ ống dẫn nước Sông Đà lần thứ 5), nguồn nước sinh hoạt ở Đại Thanh vẫn ổn định, liệu có phải do sợ vỡ ống nên Viwaco giảm áp lực cấp nước?. Về vấn đề này, ông Việt khẳng định: “Trong thời điểm hiện tại, chúng tôi không giảm áp lực, hiện áp lực nước cao nhất tại điểm BigC vẫn là 260-270kg/cm2. Vấn đề như tôi đã nói, nước của Viwaco không thiếu, mà do hệ thống nội mạng của khu đô thị không đủ năng lực để tiếp nhận, một phần nữa là do số người chuyển về sống ở khu đô thị tăng lên”.
Chủ đầu tư vô trách nhiệm với cư dân?Theo ông Việt, điều kiện quan trọng nhất đối với một công trình xây dựng, cụ thể đây là dự án khu đô thị Đại Thanh, trước khi lập dự án tiền khả thi, chủ đầu tư phải đảm bảo cam kết đáp ứng đủ năng lực về hạ tầng tối thiểu là điện, nước rồi mới được cấp phép xây dựng. Thế nhưng, không hiểu sao đến khi gần bàn giao nhà cho khách hàng rồi họ mới đi xin cấp nước. “Đáng lẽ, nếu có thỏa thuận ngay từ đầu, chúng tôi sẽ thi công lắp đặt cho khu đô thị một đường ống riêng, nhưng do lúc đó họ đặt vấn đề gấp quá, nên chúng tôi chỉ có thể giải quyết biện pháp "chữa cháy" mà thôi”, ông Việt nói thêm.
Mặt khác, cũng theo ông Việt, có thể do đây là khu nhà giá rẻ nên chủ đầu tư đã tiết kiệm chi phí, nên chỉ lắp đặt một đường ống nối để tiếp nhận nước từ đồng hồ tổng của Viwaco vào cho cả 6 tòa nhà và khu liền kề. Thiết kế như thế, thì đường ống sẽ dài, nước sẽ chỉ chảy được nhiều ở các bể đầu nguồn, còn các bể cuối nguồn sẽ không có nước. Do đó, ông Việt cho rằng, đáng lẽ họ cần phải thiết kế lắp đặt ít nhất là 3 đường ống chạy song song, mỗi đường cấp nước cho 2 tòa thì nước sẽ được phân phối đều. “Việc sửa chữa này hoàn toàn có thể khắc phục, song có thể do chi phí tốn kém, nên chủ đầu tư không dám mạnh dạn áp dụng”, ông Việt nói.
Người dân phải tận dụng tối đa các vật dụng để trữ nước
Một sự việc rõ ràng như vậy, việc mất nước đã diễn ra từ 3 tháng nay (đối với tòa CT8A) và 1 tháng nay đối với 5 tòa còn lại, song chủ đầu tư vẫn không có giải pháp nào khắc phục triệt để cho cư dân. Phía Ban quản lý dự án khu đô thị Đại Thanh thì liên tục đổ lỗi cho Viwaco không cung ứng đủ nguồn nước cho họ.
Thậm chí, chiều 4.6, phóng viên
Dân Việt có gọi điện trao đổi với ông Lê Thanh Thản - Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên, ông này phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm. “Mất nước như thế thì tôi cũng chịu, không biết làm thế nào. Cái này phải đi hỏi bên Viwaco”. Tới sáng 5.6, sau khi được Viwaco cung cấp hàng loạt những sai sót từ phía doanh nghiệp này trong khâu cấp nước, chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Thản để có được câu trả lời thỏa đáng, thì ông này nói hiện đang đi công tác, nên xin hẹn sẽ gặp phóng viên vào một dịp khác.
Theo ông Việt, để khắc phục tình trạng mất nước ở khu đô thị Đại Thanh, có 2 giải pháp chủ đầu tư cần thực hiện ngay: Thứ nhất, bổ sung thêm nguồn nước. Thứ hai, có chế độ vận hành hợp lý như trang thiết bị để tiếp nhận nước.
“Chúng tôi hiện đã cử cán bộ kỹ thuật xuống tư vấn cho họ về việc vận hành hệ thống. Đồng thời cũng tư vấn cho họ cần lắp đặt hệ thống bơm hút nước từ bể đầu nguồn vào các bể khác. Bởi nếu mở van hết công suất, tôi đảm bảo nước của Viwaco đủ 1.800m3/ngày, điểm. Song có thể do họ tiết kiệm kinh phí nên đến nay giải pháp này vẫn chưa được thực hiện”, ông Việt nói thêm.
Với hàng loạt những sai sót trong các thủ tục xin cấp phép xây dựng như
trên tại khu đô thị Đại Thanh, dẫn tới việc mất nước sinh hoạt, ảnh
hưởng nghiêm trọng tới gần 4.000 hộ dân/12.000 người, gây bức xúc trong
dư luận, nhiều cư dân ở khu đô thị này cho biết sẽ sớm gửi đơn khiếu nại
lên các cơ quan chức năng để thanh tra toàn diện dự án này. |