Chiều 8.4, Công ty Chứng khoán Thăng Long (273 Kim Mã, Hà Nội) đìu hiu không có bóng dáng một khách hàng. Cùng chung cảnh ngộ này, hàng trăm công ty chứng khoán đang đứng trước bờ vực phá sản.
Chị Hồng Sương - nhân viên môi giới chứng khoán của CTCK Vincom tâm sự: Hầu hết các nhân viên đều phải tìm công việc mới vì biết rằng chắc còn lâu nữa thời hoàng kim của chứng khoán mới quay trở lại. Không có khách hàng, đồng nghĩa với nhân viên môi giới không có thu nhập.
Theo báo cáo kiểm toán năm 2010 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, có khoảng 20 CTCK lỗ và hơn 70 CTCK có lãi. Và cũng tính đến thời điểm này, mới hết quý I/2011, theo số liệu của Vụ Quản lý kinh doanh (Ủy ban Chứng khoán), có 24 CTCK đã báo lỗ; với tổng mức lỗ 574 tỷ đồng. Trong đó, CTCK Kim Long lỗ nặng nhất, hơn 100 tỷ đồng; CTCK Hà Nội lỗ gần 6 tỷ đồng; CTCK Vina lỗ hơn 35 tỷ đồng; CTKC Hải Phòng lỗ 48 tỷ đồng...
Trong tổng số 105 CTCK hiện nay, tuy chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng nhiều ý kiến cho rằng chắc chắn con số đã đảo ngược so với năm 2010, với số lượng CTCK thua lỗ sẽ là chủ yếu.
Ông Phạm Hồng Sơn - Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán cho biết: “Đặc thù của các CTCK là sống cùng thị trường. Với thị trường trong giai đoạn từ đầu năm đến nay, đúng là CTCK không thể sống tốt.
Bình luận về tình trạng “khó khăn” dự kiến sẽ còn diễn ra lâu dài của các CTCK, ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết: Các CTCK đang rơi vào khó khăn, tuy nhiên việc tháo gỡ không đơn giản. Cần có đánh giá một cách toàn diện, với các chính sách giải cứu đồng bộ.
“Sắp tới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính sẽ có một văn bản gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất những kiến nghị để tháo gỡ cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong lĩnh vực này” - ông Hải cho biết.
Phương Hà