Tiến sĩ Nguyễn Nam Dương - chuyên gia nghiên cứu an ninh và chính trị thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao nhận định như trên khi trả lời phỏng vấn của NTNN.
Hậu quả nhãn tiền của Trung QuốcThưa ông, hiếm thấy Đối thoại về an ninh châu Á lần nào lại nóng bỏng như Shangri-La 13 vừa diễn ra ở Singapore, phải chăng an ninh ở châu Á đang ở trong vòng nguy hiểm?- Đối thoại Shangri-La vừa qua nóng nhất từ trước đến nay, nguyên nhân là trước thềm cuộc đối thoại này, ở khu vực châu Á đã xảy ra nhiều biến cố liên quan đến vấn đề an ninh trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Với tình hình đó, các bộ trưởng quốc phòng tham gia đối thoại đương nhiên không thể lờ vấn đề đi được.
Hình ảnh tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam đăng trên báo nước ngoài.
Thủ tướng Nhật Bản là người được mời phát biểu chính trong diễn đàn này lại có những tuyên bố thẳng thắn. Trong năm vừa qua, những căng thẳng trong quan hệ Trung- Nhật đã làm cho môi trường an ninh trong khu vực trở nên xấu đi, nhất là khi Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, đồng thời một loạt các va chạm diễn ra trong vùng đảo Senkaku.
Trong khi đó, những diễn biến gần đây trên vùng biển của Việt Nam như việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam, nơi có nhiều tuyến đường an ninh hàng hải tối quan trọng với thế giới, đã đe dọa lớn đến môi trường an ninh của khu vực và ảnh hưởng đến an ninh hàng hải.
Ngoài những điểm nóng truyền thống nổi lên như ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, vấn đề bán đảo Triều Tiên, đảo chính ở Thái Lan và nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống khác cũng đã xuất hiện… Có thể nói rằng, hiện nay, an ninh châu Á đang phức tạp nhất trong vài thập kỷ trở lại đây.
Dù trong bài phát biểu tại Shnagri-La, Thủ tướng Nhật Bản không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, nhưng ngay sau đó đại diện của Trung Quốc đã dùng những lời lẽ cộc cằn để phản bác. Tại sao Trung Quốc lại lo sợ và tức giận trước bài phát biểu như vậy?- Thường thì Trung Quốc rất nhạy cảm với các diễn đàn đa phương và nhạy cảm với các chỉ trích. Với tư cách là một nước lớn, tâm lý của Trung Quốc sẽ khó chấp nhận một nước, thậm chí là một nhóm các nước chỉ trích Trung Quốc trên diễn đàn đa phương. Bản thân Trung Quốc cũng có cái yếu thế, yếu về mặt ngoại giao và Trung Quốc không có tính chính nghĩa ở diễn đàn Shangri-La này nên Trung Quốc ở thế phòng thủ là điều dễ hiểu.
Sự hung hăng, leo thang căng thẳng và bất chấp luật pháp của Trung Quốc sẽ dẫn đến đâu, thưa ông?- Theo sự quan sát của tôi thì Trung Quốc chưa bao giờ trỗi dậy hòa bình. Dù Trung Quốc có lựa chọn chính sách nào thì họ cũng không thể nào dứt bỏ được sự hội nhập và liên kết với thế giới. Để thúc đẩy được sự hợp tác với các nước bên ngoài thì bắt buộc Trung Quốc phải xây dựng lòng tin, nếu không thì hiện nay, hậu quả nhãn tiền là kinh tế Trung Quốc đã bốc hơi, hợp tác kinh tế của Trung Quốc với các nước, đặc biệt là với Nhật Bản đã đi xuống và như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc tái cơ cấu, cũng như là cách tân kinh tế toàn diện của Trung Quốc.
Hợp tác song phương do Mỹ đứng đầu trỗi dậyCũng tại Shangri-La, Thủ tướng Nhật Bản có đề xuất thành lập kế hoạch “phòng vệ tập thể”, đã được Mỹ tán thành. Thưa ông, nên hiểu khái niệm phòng vệ tập thể này như thế nào và Việt Nam có nên tham gia kế hoạch này không?- Trong quan hệ quốc tế, khái niệm về phòng thủ tập thể để nói về các liên minh do hai hoặc nhiều nước cùng tham gia để chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài. Thực ra khái niệm này không có gì mới vì liên minh Mỹ - Nhật được thiết lập từ rất lâu. Cho đến nay, các liên minh này dù không có thiết lập gì mới nhưng vẫn tiếp tục được củng cố. Đặc biệt, gần đây trong khu vực lại nổi lên xu hướng hợp tác của các liên minh song phương do Mỹ đứng đầu. Ở châu Á không có tổ chức quân sự đa phương như kiểu NATO mà chỉ có hệ thống liên minh song phương như liên minh Mỹ- Nhật, Mỹ- Úc, Mỹ-Hàn, Mỹ -Thái Lan…
Theo tôi, ý tưởng của Thủ tướng Nhật Bản muốn nhấn mạnh đến vai trò chủ động của Nhật Bản trong khi liên minh. Ngoài ra, Nhật Bản cũng có ý mở rộng liên minh phòng thủ tập thể do Mỹ đứng đầu với các nước có chung mối quan tâm, cùng mục đích để duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, ASEAN không phải là một tổ chức phòng vệ tập thể, đây là tổ chức liên kết khu vực.
An ninh Biển Đông và an ninh châu Á đang diễn biến rất phức tạp, nhưng ở châu Á lại chưa xây dựng được hệ thống cảnh báo sớm các nguy cơ xung đột, mà chủ yếu dựa vào tiềm năng quân sự của từng nước riêng rẽ. Vì sao vậy thưa ông?- Thực ra trong vòng 20 năm qua, các nước cũng đã bắt tay vào xây dựng hệ thống phòng chống khủng hoảng, hay là hệ thống cảnh báo sớm các nguy cơ xung đột, trong đó, các thể chế đa phương mà ASEAN giữ vai trò trung tâm, cũng phát huy được tác dụng nhất định và hiệu quả tương đối. Tuy nhiên, đối với những diễn biến lớn như tình hình ở Biển Đông hiện nay thì các thể chế đa phương này cần phải tiếp tục được xây dựng, được củng cố để đối phó với tình hình. Hiện nay, sự tiếp cận của các nước trong việc xây dựng cơ chế cảnh báo sớm xung đột còn khác nhau. Ngoài ra, các nước cũng chưa đi đến được sự đồng thuận trong khu vực để có được một cơ chế, cấu trúc an ninh chung của khu vực.
Trung Quốc trỗi dậy hòa bình là một cụm từ đã được sử dụng bởi các quan chức và học giả Trung Quốc để mô tả phương pháp tiếp cận trong chính sách đối ngoại của nước này trong thế kỷ 21. Nó tìm cách mô tả Trung Quốc như là một nhà lãnh đạo thế giới có trách nhiệm, nhấn mạnh vào quyền lực mềm, và hứa hẹn rằng Trung Quốc cam kết xử lý các vấn đề nội bộ và cải thiện phúc lợi của người dân của mình trước khi can thiệp vào các vấn đề thế giới. Thuật ngữ này cho thấy rằng Trung Quốc tìm cách tránh đối đầu quốc tế không cần thiết.
|
Hiện nay các nước chỉ mới đồng thuận được một số điểm chủ chốt như duy trì được vai trò trung tâm của ASEAN, xác định ASEAN phải đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng cơ chế này; các nước khác, đặc biệt là các nước lớn phải đóng vai trò tích cực cùng với cộng đồng ASEAN xây dựng cơ chế và bắt buộc phải có chiến lược xây dựng lòng tin.
Có nhiều giải pháp cho an ninh châu Á hiện nay, nhưng theo tôi, giải pháp khả thi nhất là xây dựng cấu trúc an ninh châu Á lấy ASEAN làm trung tâm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là xây dựng trên cơ sở nào và vai trò của ASEAN đến đâu, đây là vấn đề rất nan giải.
Ông có cho rằng, do tiềm lực quân sự của các nước ở châu Á không đồng đều nên đã dẫn đến an ninh châu Á trở nên không ổn định như hiện nay và nguy cơ chạy đua vũ trang trong khu vực luôn cận kề?- Thường thì bất kỳ một sự thay đổi nào về tương quan lực lượng và thế cân bằng lực lượng trong khu vực đều dẫn đến một sự mất ổn định nhất định trong khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh có những cường quốc đang trỗi dậy như Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải cứ một cường quốc trỗi dậy là gây ra tình hình không ổn định, phải tùy theo cường quốc đó trỗi dậy như thế nào và chính sách của cường quốc đó cũng như là phản ứng và đối sách của các nước xung quanh đó như thế nào.
Tình trạng chạy đua vũ trang, hiện đại hóa hải quân, quân đội đã xuất hiện trong khu vực từ rất lâu rồi. Nó chỉ giảm đi một chút sau cuộc khủng hoảng ở châu Á, khiến các nước bị mất đi nguồn ngân sách dành cho quân đội. Tuy nhiên, đến nay, việc hiện đại hóa hải quân và quân đội lại có xu hướng trỗi dậy. Vấn đề ở đây là quản lý xây dựng lòng tin thế nào để cho việc tăng cường lực lượng quốc phòng ở các nước không gây ra các xung đột.
Xin cảm ơn ông!