Chùa Thầy nằm trong quần thể núi Sài, thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội, cách trung tâm Thành phố 25 km về phía Tây, là nơi hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, nhất là tuổi trẻ đến tham quan du lịch vào những ngày nghỉ cuối tuần.
Hội chùa Thầy tổ chức hàng năm vào mùa Xuân, trong ba ngày: mồng 5, mồng 6 và mồng 7 tháng 3 âm lịch. Ngày chính Hội là mồng 7 như câu ca:
Nhớ ngày mồng 7 tháng 3
Trở vào Hội Láng, trở ra Hội Thầy
Chùa Thầy có từ rất lâu đời. Tục truyền rằng, xưa kia thiên sư Từ Đạo Hạnh (người làng Láng - Hà Nội), sau khi đã học được pháp thuật từ Ấn Độ trở về dựng gậy tích, ngày đêm tụng tập ở núi Sài (Sài Sơn). Sau đó, Người đi khắp bốn phương tham thiền vấn đạo.
Lúc ngộ được tâm ấn, Thiền sư trở lại núi Sài giảng đạo, dạy học, làm thuốc giúp dân. Người còn tổ chức những trò vui như đánh vật, đá cầu, múa rối nước, v.v… Nhân dân cảm phục, kính mến gọi Thiền sư bằng một từ thân mật gần gũi là “thầy”. Vì thế mới có các tên: Chùa Thầy, Núi Thầy, làng Thầy…
Quần thể núi Sài gồm 16 quả núi lớn nhỏ (“thập lục sơn”). Núi Thầy được coi là núi mẹ. Các núi con có tên như: Long Đẩu, Hoa Pháp, Thìn Sơn, Phượng Hoàng, Sơn Tượng… như một ổ rồng vờn, chầu về rồng mẹ (núi Thầy).
Theo thuyết phong thủy thì chùa Thầy làm giữa hàm con rồng. Sân chùa là lưỡi rồng. Hai cầu Nhật Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều hình cong, là hai mí mắt rồng. Hai ao con là 2 mắt rồng. Nhật Tiên Kiều ở phía đông; Nguyệt Tiên kiều ở phía tây, Hai cầu bắc qua ao rồng lên núi, do Trạng Bùng-Phùng Khắc Khoan (người làng Bùng, huyện Thạch Thất) xây cung tiến chùa Thầy vào năm 1602.
Làng Thầy dưới chân Núi Thầy, mang nhiều nét làng cổ Việt Nam. Nơi đây có chùa và đặc biệt có Thủy Đình xây trên hồ Long Trì, là nơi tổ chức múa rối nước hàng năm của Hội Thầy. Trên núi Thầy có hang Cắc Cớ, hang Hút Gió, hang Bò… là nơi hấp dẫn du khách. Trên đó còn có chùa Một Mái, động Thánh Hóa, có đền kỷ niệm nhà bác học Phan Huy Chú và nhà Lưu niệm Bác Hồ…
Bạn trẻ đến thăm Chùa Thầy mà chưa đến được hang Cắc Cớ, ra về hẳn nuối tiếc ngậm ngùi. Bởi con đường chênh vênh hiểm trở vào hang sâu, vừa như là một thử thách lòng can đảm, vừa như là một duyên cớ kỳ ngộ của trời đất, để những người yêu nhau hội tụ, hiểu nhau hơn và bày tỏ được tấm tình:
Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ
Trai chưa vợ nhớ hội Chùa Thầy…
(Ca dao)
Hang Cắc Cớ tương truyền hơn 1000 năm trước, quân của tướng Lữ Gia đánh nhau với giặc Hán, phải rút về trú ở hang, rồi quyên sinh ở đây. Đời vua Bảo Đại, đã cho xây một bể xương cao 2m, dung tích 18 m3 để tưởng nhớ, và suy tôn những vị đó là Thần. Bởi vậy, hang Cắc Cớ còn có tên gọi khác là Hang Thần.
Cắc Cớ - cái tên nghe vừa quen vừa lạ, vừa gian nan hiểm trở lại vừa lôi cuốn hấp dẫn như chính Tình yêu. Và ai đó, đã từng gọi hang Cắc Cớ là hang Tình Yêu.