Dân Việt

Quản không chặt, lạm phát sẽ tăng cao

08/11/2010 06:22 GMT+7
(Dân Việt) - Đó là cảnh báo của ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về những chính sách điều hành tài chính, tiền tệ của Chính phủ và NHNN vừa được công bố đầu tháng 11-2010.

Giải pháp tình thế ngắn hạn

Trước thực trạng tỉ giá USD/VND và giá vàng cùng tăng cao, Chính phủ và NHNN đã liên tiếp có những chính sách can thiệp thị trường ngoại hối, nhận định của ông về các chính sách này?

img
Ông Cao Sỹ Kiêm

- Đây là những chính sách can thiệp trực tiếp vào thị trường tài chính tiền tệ: Cung ngoại tệ để bình ổn thị trường, để lãi suất vận hành theo thị trường, chứ không thực hiện chủ trương giảm lãi suất như trước đây; nâng lãi suất cơ bản lên 9%/năm…

Theo tôi, những chính sách này được ban hành là cần thiết trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, các chính sách ấy cũng chỉ là giải pháp tình thế, ngắn hạn.

Qua đó cũng cho thấy việc điều hành chính sách tiền tệ của chúng ta vẫn còn lúng túng, phản ứng còn chậm so với biến động của thị trường, làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị động.

Như vậy, các nguyên nhân làm cho tỉ giá tăng cao đã được dự đoán trước?

- Việc tỉ giá tăng chắc chắn đã được dự báo từ trước đó hàng mấy tháng chứ không phải tới bây giờ. Có 3 lý do làm cho thị trường ngoại tệ tăng đã được dự đoán trước, đó là: Cung - cầu vốn, ngoại tệ những tháng cuối năm thường căng thẳng theo “thời vụ” và năm nay lại càng căng thẳng hơn; một lý do khác là do yếu tố tâm lý của người dân, thấy lạm phát tăng, nhu cầu ngoại tệ căng thẳng, người có USD thì không gửi, người chưa cần USD cũng đi “săn lùng” để mua thêm với mục đích là tránh rủi ro và có thể kiếm lời vào “mùa vụ”.

img
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, phải có quy định về lượng ngoại tệ bơm ra thị trường, đối tượng nào được vay... (ảnh minh hoạ)

Một nguyên nhân khác nữa là do cách hoạt động của các ngân hàng, doanh nghiệp không khớp nhau, người có USD lại không cần chi tiêu, người cần chi tiêu lại không có nguồn. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cũng không khớp nhau, có anh trạng thái âm, có anh dương trong khi việc điều phối hỗ trợ cho nhau không được thông qua thị trường ngắn hạn thông thoáng.

Ngay cả việc can thiệp của NHNN cũng không khớp, lúng túng… Từ 3 nguyên nhân cung thấp hơn cầu, tâm lý găm giữ và chính sách điều hành không khớp nhau đã làm cho USD tăng lên.

Với quyết định từ nay tới Tết Nguyên đán không thay đổi tỉ giá và sử dụng dự trữ ngoại hối để bình ổn thị trường, theo ông tỉ giá USD thời gian tới có giảm?

img Nếu còn làm Thống đốc, bao giờ tôi cũng phải làm hết biện pháp nghiệp vụ có thể làm được, những yếu tố khuyết điểm, chủ quan, giải quyết hết nếu không được mới nâng tỉ giá. Nếu vào tay tôi thì tôi sẽ xử lý được. img

- Theo tôi, những tuyên bố chính thức của Chính phủ và NHNN về những can thiệp vào thị trường ngoại tệ sẽ tạo được niềm tin cho người dân, chắc chắn sẽ có những tác động mạnh làm bình ổn thị trường ngoại tệ trong thời gian tới.

Việc công bố tỉ giá USD/VND từ nay tới Tết không thay đổi, tâm lý đầu cơ, găm giữ của người dân và doanh nghiệp sẽ hạn chế.

Giả sử nếu vẫn còn làm Thống đốc NHNN, ông sẽ chọn phương án nào để can thiệp?

- Cần phải chờ xem những mức độ phản ứng của thị trường như thế nào. Các yếu tố cung - cầu, yếu tố tâm lý có được giải quyết triệt để hay không. Đặc biệt là những biện pháp triển khai cụ thể chính sách này có vai trò lớn của NHNN.

Nếu tỉ giá giảm xuống là điều rất mừng, còn đã làm hết mức rồi mà vẫn không có kết quả phải xem xét lại, sau Tết Nguyên đán có thể tính tới phương án điều chỉnh tỉ giá. Nếu còn làm Thống đốc, chắc chắn bao giờ tôi cũng phải làm hết các biện pháp nghiệp vụ có thể làm được, những yếu tố khuyết điểm, chủ quan giải quyết hết, nếu không được mới nâng tỉ giá. Nếu vào tay tôi thì tôi sẽ xử lý được.

Về lâu dài, theo ông cần có những chính sách gì để vào những dịp cuối năm tiếp theo không xảy ra hiện tượng biến động của thị trường tài chính, tiền tệ theo kiểu “mùa vụ”?

- Thị trường tiền tệ diễn biến rất nhanh nên việc dự đoán trong 6 tháng đến 1 năm là rất khó. Để ổn định lâu dài, “sức khỏe” của đồng tiền hoàn toàn phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế. Mà “sức khỏe” của nền kinh tế ở nước ta đang có những biểu hiện không được tốt.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có chiều hướng gia tăng (ở nhiều nước, mức CPI khoảng 3 - 4% đã là cao nhưng nước ta trung bình 7- 8% là quá cao). Nhiều năm liền vấn đề nhập siêu không kiểm soát được, gây mất cân đối cán cân thanh toán… dẫn tới chúng ta thường tiêu những cái chưa có và làm ra bao nhiêu đồng tiền có nguy cơ bị trượt giá hết…

Muốn đồng tiền ổn định, phát triển bền vững, hội nhập với các nước, theo tôi phải cấu trúc lại nền kinh tế, cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn lực…

Hy vọng giữ giá “mấp mé” hiện tại

Nhiều người đang nghi ngờ liệu NHNN có đủ ngoại tệ để can thiệp thị trường và việc “bơm” ra có ảnh hưởng tới dự trữ ngoại tệ?

- Rõ ràng dự trữ ngoại tệ của chúng ta hiện nay không còn cao như trước nữa, vì thế, việc bơm ra bao nhiêu, bơm như thế nào, bơm vào đối tượng nào phải có quy định. Bởi dự trữ ngoại tệ ngoài can thiệp thị trường còn có yếu tố an toàn cho nền kinh tế, dưới mức an toàn là không thể được, nó sẽ đe dọa an ninh kinh tế.

Trên thị trường tự do, ngay sau khi có chính sách của NHNN, tuy giá USD có giảm nhưng vẫn ở mức cao, còn giá vàng thì lại tăng đến chóng mặt. Theo ông nguyên nhân từ đâu?

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, việc công bố các chính sách can thiệp vào thị trường ngoại tệ không phải là NHNN, mà là Uỷ ban Giám sát tài chính vào ngày 4-11 là một điều bất thường, đáng lẽ việc điều hành công bố các chính sách này phải là NHNN sẽ có “sức nặng” hơn.

Bởi cơ quan Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thường mang tích chất tư vấn, đề xuất nhiều hơn. “Tất nhiên là việc tuyên bố trong buổi họp báo đã có sự ủy quyền của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo tôi vẫn là bất thường, đáng lẽ phải là NHNN hoặc Bộ Tài chính công bố là tốt nhất, thể hiện trách nhiệm của nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có sức nặng hơn” - ông Kiêm nói.

- Mục tiêu quan trọng nhất của các chính sách này vẫn là ổn định tỉ giá, tuy nhiên, việc đòi hỏi thị trường có phản ứng giảm ngay thì không thể có. Các chính sách giống như người bệnh được cho uống thuốc, cần phải có thời gian để thuốc ngấm.

Theo tôi, với lượng cung vào dịp cuối năm lớn, chỉ hy vọng các chính sách giúp hạ nhiệt và giữ mức giá ở mấp mé hiện tại. Nếu như mình có lượng dự trữ USD lớn mới làm cho thị trường USD tự do giảm xuống được.

Còn về thị trường vàng, sự tăng giá của những ngày gần đây là do có tác động của tỉ giá USD và cung - cầu trên thị trường… nhưng nguyên nhân chính là chịu ảnh hưởng của giá vàng thế giới.

Ngoài can thiệp vào thị trường ngoại hối, lãi suất sau nhiều tháng kìm hãm lại được “thả nổi”, theo ông trong thời điểm này sẽ có tác động như thế nào?

- Việc Chính phủ thay đổi chủ trương kìm hãm lãi suất bằng việc cho “thỏa thuận” tức là mặt bằng lãi suất mới sẽ được định hình. Chính sách này sẽ tạo nên cung - cầu, cạnh tranh lành mạnh hơn đối với các tổ chức tín dụng.

Có thể các ngân hàng thương mại sẽ không cộng khuyến mại tiền gửi, không cộng thêm phí vào cho vay nữa… Việc huy động vốn cũng sẽ dễ hơn, hứa hẹn những tháng cuối năm có đủ vốn cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, với chính sách cho lãi suất “thả nổi”, nếu không quản lý chặt chẽ, các ngân hàng thương mại có thể lợi dụng nâng lãi suất lên cao.

Từ đó mặt bằng lãi suất sẽ bị đẩy lên cao hơn làm cho doanh nghiệp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Có thể nhiều doanh nghiệp phải co sản xuất lại vì lãi suất cao không dám vay vốn, từ đó sẽ tác động trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế.

Lãi suất cao cũng sẽ khiến hàng loạt các mặt hàng tăng giá theo… khiến nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại là rất lớn.

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt kiểm soát, bình ổn giá

Tại cuộc họp báo Chính phủ (chiều 6-11), về vấn đề kiểm soát giá cả vẫn “nóng” trong tháng 10 và sẽ căng thẳng trong những tháng giáp Tết sắp tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu từ nay đến cuối năm các bộ, ngành, địa phương tập trung kiềm chế lạm phát, quyết liệt kiểm soát, bình ổn giá; chính quyền các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp không niêm yết giá, không bán theo giá niêm yết.

Về tình hình của Tập đoàn Vinashin và vấn đề trách nhiệm của các cơ quan quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Hiện 8 cán bộ, lãnh đạo của Vinashin đã bị bắt giam. Việc xử lý tiếp theo phải bình tĩnh. Theo ông Phúc, vừa qua, Vinashin bán được một số tàu, có tàu thu về trên 150 triệu USD. Từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giao những con tàu hiện đại trị giá trên 100 triệu USD.