Dân Việt

Nâng giá trị tiền Việt Nam

11/04/2011 06:12 GMT+7
(Dân Việt) - Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành quyết định về việc điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng.

Theo đó, kể từ ngày 1.5, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng là 6%, thay vì 4% như trước.

img
Lãi suất tiền đồng lên cao, người dân sẽ chuyển sang gửi tiết kiệm bằng VND.

Cụ thể, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng ngoại tệ là 6% trên tổng số dư tiền gửi, tăng 2% so với trước. Cùng với quyết định nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ, NHNN cũng quyết định khống chế lãi suất tiền gửi USD ở mức 3%. Đây là quyết định đã được nhiều chuyên gia kinh tế dự báo.

Quy định này áp dụng với các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đối với Ngân hàng NNPTNT, Quỹ tín dụng nhân dân T.Ư, ngân hàng hợp tác, tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 5% trên tổng số dư tiền gửi...

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều nhận định, trong khi NHNN khống chế tăng trưởng tín dụng, trong đó có tín dụng ngoại tệ, ở mức dưới 20% trong năm 2011, việc tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ là phù hợp. Quyết định tăng dự trữ bắt buộc chắc chắn sẽ làm giảm áp lực tỷ giá, lạm phát.

TS Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì cho rằng, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và giảm lãi suất huy động tiền USD sẽ khiến các ngân hàng phải tính toán, cân nhắc việc giảm lãi suất huy động, đồng thời tăng lãi suất cho vay ngoại tệ để bù cho phần vốn huy động phải dự trữ bắt buộc.

Chênh lệch lãi suất tiền đồng và ngoại tệ cao khiến doanh nghiệp đổ xô vay tiền ngoại tệ lớn đã làm mất cân đối cung cầu trong mua bán ngoại tệ. Tăng dự trữ sẽ giúp tăng chi phí đầu vào, tăng giá cho vay và làm giảm nhu cầu vay của doanh nghiệp.

Mới đây, khi đánh giá về các chính sách điều hành tài chính, tiền tệ, ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cũng thừa nhận, việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất huy động USD có thể làm cho người dân cảm thấy đồng USD yếu đi ở trong nước vì lãi suất tiền đồng đang cao, người dân sẽ bán USD đi để gửi tiết kiệm bằng VND. Như vậy thì nguồn cung sẽ tăng lên và Nhà nước có cơ sở để thu gom USD, làm tăng dự trữ ngoại hối và làm cho thị trường ngoại hối ổn định hơn.