Dân Việt

Hơn 38% doanh nghiệp nhỏ và vừa chi hối lộ

22/11/2012 09:03 GMT+7
(Dân Việt) - Theo kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam 2011 vừa được Viện Quản lý Kinh tế Trung ương công bố, có tới 38,3% doanh nghiệp khi được hỏi đã cho biết có chi hối lộ trong năm 2011.

Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) ngày 21.11 đã tổ chức công bố "Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam 2011". Kết quả này được CIEM đưa ra sau khi tổ chức điều tra 2.500 doanh nghiệp tại 10 tỉnh, thành trong cả nước.

Phó Viện trưởng CIEM Vũ Xuân Nguyệt Hồng dẫn báo cáo cho biết, từ năm 2009 - 2011 do tình hình kinh tế trong, ngoài nước khó khăn đã khiến các doanh nghiệp SME phải giảm đầu tư mới từ mức 61% xuống còn 56%, tương tự nguồn vốn tín dụng cũng giảm từ mức 52% xuống 47 % trong 2 năm tương ứng.

img
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn về nguồn vốn nên không thể mở rộng sản xuất.

Cũng theo bà Hồng, vấn đề về vốn và những khó khăn trong thị trường tín dụng được các doanh nghiệp xem như rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của các doanh nghiệp SME tại Việt Nam.

“Năm 2011, khoảng 39% doanh nghiệp có tiếp cận hạn chế hoặc khó khăn đối với các khoản vay. Trong mối quan hệ tín dụng, số doanh nghiệp có những khoản vay không chính thức cao gấp 2 lần so với các doanh nghiệp có khoản vay chính thức”- bà Hồng cho biết.

Cũng theo kết quả điều tra, có tới 38,3% doanh nghiệp SMS khi được hỏi đã cho biết có chi hối lộ trong năm 2011 so với con số của năm 2009 là 34,3%. Trong đó, 30% doanh nghiệp thực hiện các khoản thanh toán không chính thức để đối phó với các cơ quan thuế trong năm 2011 (năm 2009 là 26%). Tuy nhiên, thực tế cho thấy các doanh nghiệp hối lộ không mở rộng lực lượng lao động của mình và xác xuất rời khỏi thị trường cao hơn 3% so với các doanh nghiệp không chi hối lộ.

Tổng Thư ký phòng Thương mại và Công nghiệp VN Phạm Thu Hằng cho rằng, khi thị trường của các doanh nghiệp SME chủ yếu là thị trường nội địa và vấn nạn hàng nhập lậu vẫn còn nhức nhối thì việc cải tiến sản phẩm là rất quan trọng. "Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài rất có thể các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ phải sớm rút lui khỏi thị trường. Trong 9 tháng của năm 2012, hàng tồn kho đã trở thành vấn đề rất lớn và có trên 42.000 doanh nghiệp trong cả nước phải ngừng hoạt động và giải thể" -bà Hằng nói.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đặt mối quan tâm đến yếu tố lao động, khoảng 60% doanh nghiệp SME đã giảm số lao động cố định của mình, tổng số lao động toàn thời gian của 1.999 doanh nghiệp đã giảm từ mức 28.174 người (2009) xuống còn 26.414 người (2011). Đáng chú ý, tỷ lệ lao động thường xuyên có hợp đồng chính thức chỉ chiếm 26,7%.

Theo Giáo sư John Rand - Trưởng nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt với khó khăn về tuyển dụng lao động có chuyên môn cao, do họ luôn thiếu thông tin và cơ hội tiếp cận hơn là việc thị trường thiếu nguồn lao động chất lượng cao.

Do đó, Giáo sư cho rằng, Chính phủ cần có chính sách tăng cường tập trung hơn vào nhóm "doanh nghiệp có hoạt động kém" này, chỉ có như vậy Việt Nam mới thành công trong công cuộc theo đuổi mô hình phát triển bền vững và toàn diện.