Tìm mọi cách tận thu của dân
Trong sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp chỉ nộp thuế kinh doanh, thuế thuê đất, mà sao người nông dân lại phải chịu những phí vô lý như: Xây dựng nhà đa năng, kiên cố hóa kênh mương... Đây rõ ràng là chính quyền đang tìm mọi cách để tận thu của người dân.
Theo tôi biết, người trồng lúa tính bình quân thu nhập chỉ khoảng 150.000 đồng/tháng/năm, thế mà trừ nhiều khoản phí như thế có lẽ không ai sống nổi. Mặt khác, những khoản thu này, chính quyền dùng vào việc gì? Có minh bạch hay không? Trong thực tế, Nhà nước đã có chính sách đầu tư một nguồn vốn lớn cho xây dựng nông thôn mới, vì vậy các cơ quan chức năng Thanh Hoá phải sớm ngăn chặn tình trạng tận thu này để dân đỡ khổ.
Nguyễn Đức Trung (62 tuổi), ở thôn Mậu, xã Tuấn Mậu, huyên Sơn Động, Bắc Giang
Nhiều phí, nông dân phải bỏ ra thành phố
Tôi biết, nhiều người ở Thanh Hóa phải bỏ ra thành phố làm phụ hồ, cửu vạn để kiếm tiền, một phần vì cuộc sống, nhưng cũng có một phần vì ở quê có quá nhiều khoản đóng góp, nếu cứ ở nhà trông vào cấy lúa, trồng cói thì làm sao mà đủ sống. Nếu không đóng góp đủ thì bị gọi loa, bị nhắc nhở ở bản tin của thôn, xóm, mà người ở nông thôn thì sợ nhất là điều tiếng và nợ nần. Điều ngược đời là người dân hiện nay phải ra phố kiếm tiền để về đóng góp những khoản ở nông thôn, thì làm sao mà họ gắn bó với quê hương được.
Trần Văn Đạt (47 tuổi), ở xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa
Lòng dân không yên
Đọc NTNN, tôi biết việc lạm thu ở nông thôn đã xảy ra ở nhiều địa phương và Thanh Hóa là điển hình. Tuy nhiên, khi phát hiện ra thì chẳng có ai chịu trách nhiệm, vì đây là cái sai của tập thể. Cán bộ làm sai không được xử lý nghiêm, dân bị thu tiền oan không được trả lại. Đây là một kẽ hở trong quản lý nhà nước, cán bộ ở đâu vô trách nhiệm, còn lạm thu thì dân ở đó khổ. Lòng dân không yên làm sao mà xây dựng được nông thôn mới.
Nguyễn Hoài Nam (64 tuổi), ở Đông Anh, Hà Nội