Vừa hoàn thành ngày 6.6, báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 dài 13 trang (hơn 8.000 chữ) của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã được gửi đến từng vị đại biểu trong ngày 7/6.
Không chỉ có nhiều con số được cập nhật, mà một số nhận định tại bản báo cáo này cũng rất đáng chú ý.
Thống đốc cho rằng, quá trình xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng thiếu sự hỗ trợ từ nguồn lực tài chính công cũng làm chậm tiến trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng. |
Tín dụng sẽ "ấm" dần
Về chính sách tiền tệ, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước khẳng định điều hành thận trọng, hiệu quả, chủ động dẫn dắt thị trường; phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra nhằm góp phần tăng tính thanh khoản cho nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo kiềm chế lạm phát, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý phù hợp với các cân đối vĩ mô.
Tính đến cuối tháng 5.2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,46% so với cuối năm 2012 (trong đó huy động vốn VND tăng 7,55%), theo Thống đốc, đã thể hiện sự thành công trong việc chuẩn bị nguồn lực tháo gỡ khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.
Cùng thời điểm, dư nợ tín dụng tăng 2,98% so với cuối năm 2012 (tín dụng bằng VND tăng 5,48%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 8,41%) được nhìn nhận là một kết quả cung vốn cho nền kinh tế đáng khích lệ đặt trong bối cảnh hiện tại (cùng kỳ này năm 2012, tín dụng còn đang tăng trưởng âm), đồng thời góp phần quan trọng giảm bớt tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Báo cáo cũng cho biết, hiện nay chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra bao gồm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 3,03%. Nếu trừ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thì chênh lệch chỉ còn 1,93%, giảm so với mức 2,33%/năm tại thời điểm cuối năm 2012.
Đây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của các tổ chức tín dụng sụt giảm mạnh trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, ông Bình đánh giá.
Thống đốc cũng lạc quan, mặc dù tín dụng 5 tháng đầu năm 2013 tăng ở mức thấp nhưng có những tín hiệu để đảm bảo cả năm tăng trưởng tín dụng đạt mức 12% theo kế hoạch do tín dụng thường tăng mạnh vào 6 tháng cuối năm (6 tháng cuối năm 2012, tín dụng tăng gần 9%). Bên cạnh các yếu tố khác, việc sớm đưa Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vào hoạt động cũng được ông Bình đánh giá là sẽ góp phần xử lý nợ xấu, khai thông tín dụng.
Ngoài ra, các giải pháp của chính sách tài khóa như hoãn, giảm các mức phí, thuế, phát hành thêm trái phiếu Chính phủ để xử lý nợ xấu mà trước tiên là nợ đọng xây dựng cơ bản của chính quyền địa phương (khoảng 95 nghìn tỷ đồng) cũng sẽ có tác dụng làm tăng trưởng tín dụng được ấm lên.
284,4 nghìn tỷ đồng nợ cơ cấu lại
Với nợ xấu, vấn đề mà độ nóng luôn tăng lên trong các kỳ họp Quốc hội gần đây, Thống đốc cho biết, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 4.2013, tổng số dư nợ xấu toàn hệ thống là 137,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7 nghìn tỷ đồng (15,8%) so với cuối năm 2012. Còn tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,67%, tăng so với mức 4,08% của cuối năm 2012 và 3,07% cuối năm 2011.
Tuy nhiên, theo số liệu giám sát của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu đến thời điểm ngày 31.12.2012 là 7,8%, giảm so với mức gần 9% tại thời điểm 30.9.2012.
Ông Bình cũng thông tin, đến cuối tháng 4.2013, tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN là 284,4 nghìn tỷ đồng.
Cũng đến thời điểm trên, số dư dự phòng rủi ro đã trích lập chưa sử dụng đạt 73,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6% so với cuối năm 2012. Theo báo cáo, đây là nguồn vốn quan trọng mà tổ chức tín dụng có thể sử dụng ngay để xử lý nợ xấu. Nhờ đó, trong năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013, tổng số nợ xấu đã được các tổ chức tín dụng xử lý bằng dự phòng rủi ro là 76,7 nghìn tỷ đồng (năm 2012 là 69,2 nghìn tỷ đồng và 4 tháng đầu năm 2013 là 7,5 nghìn tỷ đồng).
Đánh giá là các giải pháp xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, song Thống đốc cũng quan ngại việc xử lý khó khăn hơn và có nguy cơ tăng mạnh, nếu các biện pháp tự xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng và cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 không được hỗ trợ tích cực bởi sự phục hồi kinh tế, thực thi có hiệu quả các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bất động sản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một khó khăn rất đáng chú ý được Thống đốc kể đến là thiếu sự hỗ trợ tài chính cho việc xử lý nợ xấu.
Liên quan đến vấn đề này, tại các kỳ họp trước, hơn một lần khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Bình khẳng định sẽ không dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu.
Chậm vì chống đối
Với tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, phần báo cáo của Thống đốc nêu lại nhiều thông tin đã được nhắc đến ở cả báo cáo của Chính phủ và của ngành ngân hàng.
Theo ông thì Ngân hàng Nhà nước về cơ bản kiểm soát được tình hình của 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém cần xử lý. Khả năng chi trả của các ngân hàng yếu kém được cải thiện đáng kể và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, nguy cơ mất an toàn từng bước được giảm bớt.
Sau sự hợp nhất khá thành công Ngân hàng Sài Gòn (SCB) từ 3 ngân hàng yếu kém, 6 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn lại đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương phương án tái cơ cấu. Trừ Ngân hàng Tiên Phong và Ngân hàng Nhà Hà Nội đang tích cực triển khai dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, 4 ngân hàng thương mại còn lại đang tích cực hoàn thiện phương án cơ cấu lại và tiến hành các thủ tục tiếp theo trước khi trình Thống đốc phê duyệt chính thức để triển khai thực hiện.
Mặc dù đạt được một số kết quả quan trọng, nhưng quá trình cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém diễn ra chậm hơn so với dự kiến, Thống đốc Bình nhìn nhận.
Trong bốn nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Bình vẫn nêu một thực tế đã được báo cáo từ kỳ họp trước. Đó là, vì quyền lợi cá nhân, một số cổ đông lớn của các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém thiếu sự hợp tác hoặc chống đối với chính sách, biện pháp cơ cấu lại của Ngân hàng Nhà nước, gây thêm khó khăn cho quá trình cơ cấu lại các ngân hàng này.
Đặc biệt, Thống đốc cho rằng, quá trình xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng thiếu sự hỗ trợ từ nguồn lực tài chính công cũng làm chậm tiến trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng.
Đại biểu: Dòng tiền vẫn luẩn quẩn
Đối chiếu với từng yêu cầu được đưa ra tại nghị quyết của Quốc hội đã được Thống đốc dẫn lại ngay đầu văn bản, một số vị đại biểu và cử tri đồng tình với đánh giá về nhiều mặt được tại báo cáo.
Như, điều hành chính sách tiền tệ khá linh hoạt nhưng vẫn chặt chẽ, lãi suất trong xu hướng hạ khá tích cực (trong điều kiện cho phép); giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng trưởng tín dụng có khởi sắc; chủ động đẩy mạnh xử lý nợ xấu…
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng câu hỏi tiền đi đâu vẫn rất cần được đặt ra. Khi dòng tiền vẫn chủ yếu luẩn quẩn trong hệ thống ngân hàng, không đi vào nền kinh tế được.
Theo phân tích của một vị chuyên gia, chênh lệch huy động vốn gia tăng mạnh (trong bối cảnh rủi ro, không có kênh đầu tư khả dĩ) trong khi tín dụng tăng trưởng chậm, một phần đáng kể vốn khả dụng này đổ vào kênh trái phiếu Chính phủ, phần khác nằm ở dữ trữ thanh khoản vượt quá mức cần thiết (chẳng hạn thể hiện ở tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước cao hơn nhiều so mức dự trữ bắt buộc, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác...). Tuy lãi suất có hạ khá tích cực và vốn khả dụng hệ thống khá dư thừa, nhưng tín dụng không gia tăng tương xứng, thể hiện chính sách tiền tệ đang kém hiệu lực.
Mặt khác, việc trì hoãn Thông tư 02, cho phép kéo dài hiệu lực của Quyết định 780 cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải giảm nhẹ yêu cầu an toàn vĩ mô toàn hệ thống để đạt an toàn vi mô cho tổ chức tín dụng.
Một số vị đại biểu cũng nhận xét, quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng được tiến hành chậm chạp. Việc không đóng cửa bất cứ tổ chức tín dụng yếu kém nào sẽ kìm hãm toàn hệ thống và toàn thị trường tài chính trong tình cảnh trì trệ.