Vì tội danh trên, tòa tuyên phạt Angot và nhà xuất bản Flammarion phải bồi thường 40.000 euro cho Bidoit, người nói Angot 52 tuổi dựa vào bà để tạo nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết Những cô bé (xuất bản hồi đầu năm 2011).
Ca sĩ rap Doc Gyneco với nhà văn Angot |
Cuốn sách kể lại mối quan hệ giông bão rất sống động, đầy chất sex của bà Bidoit với chồng cũ là ca sĩ rap Charly Clovis, cha của 4 đứa con của bà và hiện là người tình của Angot. Phong cách viết văn của Angot là “tự thuật hư cấu” đã giúp bà nổi danh là “nữ hoàng tiểu thuyết gây sốc”, do bà kể lại cuộc tình loạn luân của bà Bidoit với cha ruột, cùng những pha làm tình ầm ĩ trong cầu thang máy của bà Bidoit với tay rapper Clovis (nghệ danh là Doc Gyneco) và những đoạn văn xuôi rất tục tĩu để nói về cuộc sống đời thường của họ.
Người hâm mộ Angot khen sách của Angot là can đảm, “đi tiên phong trong việc thách thức các điều cấm kỵ trong xã hội và văn học”, nhưng người ghét bà nói lối viết văn của bà là sự thể hiện chứng tự yêu mình thật dung tục, tầm thường.
Bà Bidoit nói với báo Le Monde rằng, bà kiện sau khi đọc cuốn sách, và việc mô tả nhân vật giống bà chẳng ra gì - một người mẹ thủ đoạn khiến các đứa con khổ sở - đã khiến bà bị tuyệt vọng, toan tự tìm đến cái chết. Phiên tòa tranh chấp mạnh ở vấn đề “bị xâm phạm đời tư” nếu có nhiều người biết người bị hại là ai, không kể người thân của người bị hại.
Luật sư Georges Kiejman của Angot so sánh bà với nhà văn Emile Zola (thế kỷ 19) và cãi rằng thể loại “tự thuật hư cấu” của bà là một truyền thống văn học có bề dày của Pháp và cần tôn trọng quyền tự do sáng tác của bà. Ông còn nói: ngoại trừ người thân cận của bà Bidoit, không ai biết bà là nguyên mẫu của nhân vật chính Helene Lucas, nếu như bà không làm ầm ĩ vụ này qua cuộc trả lời phỏng vấn báo Le Nouvel Observateur hồi tháng 2.2011 ngay tại nhà bà.
Tuần báo này lúc ấy đã chạy tít “Cuối tuần của hai người”, kể rằng 4 đứa con trai 5, 7, 9 và 11 tuổi của bà Bidoit đến chơi cuối tuần với cha và với Angot, và “khi lũ trẻ chơi đùa trong một căn phòng, Angot ngồi bên phòng khác viết sách "moi móc" mẹ của chúng”. Tay thầy cãi cũng lưu ý cuốn Những cô bé chỉ bán được 20.000 bản, trong khi tuần báo này bán được 400.000 bản.
Tuy nhiên, nữ chánh án Marie Mongin phán: “Sự giống nhau giữa nhân vật Helene Lucas và bà Bidoit là rất mạnh, rất chặt chẽ. Khi lại phải thấy mình trong một văn phẩm khác bán được 20.000 bản, người bị hại cảm thấy bà hoàn toàn không có quyền làm gì, thậm chí là bị tra tấn. Một đoạn đời của bà Bidoit đã được kể lại từ chi tiết nhỏ nhất, từ nơi công cộng cho đến chốn riêng tư nhất.
Sự xâm phạm đời tư của bà gây tổn thất đặc biệt. Bà Angot không thể nghiêm túc khẳng định việc biến một người thật thành một nhân vật hư cấu hoàn toàn là kết quả sáng tác của bà”. Phán quyết của tòa được tuyên sau khi Nhà xuất bản Robert Laffont cũng phải bồi thường 10.000 euro cho con trai của nhà văn Lionel Duroy, cũng vì tội xâm phạm đời tư: Raphaël Duroy 27 tuổi bị lộ trong cuốn sách Những cơn giận dữ của cha anh, người kể lại mối quan hệ khắc khẩu của hai cha con. Tòa tuyên Duroy “con” đã bị nhiều người nhận ra vì cuốn sách đã bán được 10.000 bản.
Tòa cũng “tính sổ” rằng đây là lần thứ hai Angot đưa bà Bidoit vào sách của mình. Lần đầu là trong cuốn Chợ tình nhân phát hành năm 2008 và bị bà Bidoit kiện năm 2009: Angot để nguyên tên gọi của bà Bidoit và con bà, chẳng màng chuyện đổi sang tên khác. Vụ này đã kết thúc bằng cuộc thỏa thuận bãi nại “trong tình hữu nghị”, nhưng Angot phải bồi thường 10.000 euro. Lần thứ hai, Angot “rút kinh nghiệm” nên đổi tên nhân vật chính, nhưng chẳng ngại tuyên bố nhân vật này là “lấy cảm hứng” từ cuộc đời bà Bidoit.
Luật sư của Angot nói ông “bị bất ngờ” vì “bản án quá nghiêm khắc”, và thân chủ của ông hoàn toàn thất vọng, vì “phán quyết đặt dấu hỏi về toàn bộ hoạt động sáng tác” của Angot, người đặt tới “mục tiêu xã hội” là xem xét vấn đề “sự vượt lên của những người mẹ gặp phải vấn đề ly thân”. Luật sư William Bouron của bà Bidoit nói phán quyết của tòa chứng minh rằng nhà văn cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý, nhất là khi người ấy “cướp phá có hệ thống cuộc sống riêng tư của một người vô danh”.