Dân Việt

Giao thông nông thôn sau lũ ở Hà Tĩnh: Tai nạn rình rập

08/11/2010 23:43 GMT+7
(Dân Việt) - Hà Tĩnh đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau lũ dữ, nhưng xem ra hệ thống giao thông từ quốc lộ, tỉnh lộ đến các tuyến đường giao thông nông thôn chưa thể khắc phục kịp thời, và nó đang là mối hiểm họa với người dân.

Cầu, đường nát tươm sau lũ

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh, sau hai trận lũ kép vừa qua mạng lưới giao thông trên địa bàn Hà Tĩnh bị tổn thất nặng nề. Các tuyến chính như quốc lộ 1A bị sụp và sạt lở hai bên thành đường; quốc lộ 15A có chiều dài 75km cũng bị hư hỏng nặng, cụ thể đoạn chạy qua địa bàn huyện Hương Khê do bị nước ngập sâu 4m nên nhiều khúc bị nước cuốn thành hố sâu 2,5m, chia cắt hoàn toàn; quốc lộ 8B từ Hồng Lĩnh đến Nghi Xuân bị sụt lún và xói lở. Riêng 12 tuyến tỉnh lộ bị nước ngập sâu gây xói lở, bong tróc và hư hỏng nặng.

img
Nhiều tuyến đường nông thôn ở bị mưa lũ cuốn xói lở.

Cùng với đó mạng lưới giao thông nông thôn trên 12 huyện, thị, thành cũng bị lũ phá hoại làm xói lở, hư hỏng gây khó khăn cho người dân và đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Đặc biệt tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ… theo tính toán sơ bộ hệ thống giao thông nông thôn thiệt hại trên 350 tỷ đồng gồm đường nhựa, bê tông và cầu cống.

Ông Nguyễn Văn Cầm – Chủ tịch UBND xã Gia Phố, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh cho biết: “Trận lũ vừa qua, nước sông Ngàn Sâu dâng cao, xã Gia Phố bị ngập từ 1,5 - 4m. Ngay sau khi nước rút công tác khắc phục được triển khai khẩn trương và đến nay người dân đang dần ổn định trở lại.

Tuy nhiên, mạng lưới giao thông bị lũ cuốn xói lở và hư hỏng nặng đang là nỗi lo của 1.450 hộ dân trong xã”. Ông Cầm cho biết thêm, chiếc cầu treo Gia Phố nối từ xã qua 5 xóm Đông Hải và các xã Hương Giang, Lộc Yên đã bị lũ cuốn trôi, chia cắt hoàn toàn. Tuyến đường chính từ UBND xã ra quốc lộ 15A và lên đường mòn Hồ Chí Minh bị sạt lở nghiêm trọng.

Chưa đảm bảo an toàn

img Hiện nay, ngành đã chỉ đạo đơn vị quản lý tập trung khắc phục dọn bùn, đất bị bồi lấp, sạt lở trên mặt đường nhằm bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến đường. Ngành giao thông trích nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa thường xuyên để khắc phục những điểm hư hỏng nặng. Tuy nhiên, đây mới làm được bước một đó là thông tuyến, chưa có kinh phí để sửa chữa kịp thời nên không thể nói đã đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. img

 Ông Nguyễn Trân - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh

Sau khi nước lũ rút việc cấp bách là làm sao thông đường cho người dân đi lại, vì vậy nhiều địa phương đã phải khắc phục kiểu “nóng tay bắt tai” dù biết là chưa an toàn.

Ông Cầm chia sẻ: Riêng tại xã Gia Phố, sau khi chiếc cầu treo bị lũ cuốn, chính quyền địa phương đã phối hợp với người dân làm cầu phao bằng cách kết các thùng phuy lại với nhau để đi tạm.

Tuy nhiên, do lưu lượng quá lớn, xã đã phải huy động 2 chiếc thuyền phục vụ bà con. Vẫn biết rằng như vậy không đảm bảo an toàn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ nhưng hiện chưa có biện pháp nào khả quan hơn.

Bên cạnh đó nhiều tuyến đường đang nâng cấp, sửa chữa nhưng do sự chủ quan của chủ đầu tư vô tình trở thành hiểm họa cho người tham gia giao thông.

Như cầu Cố Bá trên tuyến tỉnh lộ 5 từ Đức Thọ lên huyện Vũ Quang. Hai đầu múi cầu được nhà thầu nâng cấp và đổ nhựa lên cao, còn chiếc cầu nằm lọt thỏm dưới sâu đã gây ra nhiều vụ tai nạn cho người đi đường vì không có biển, đèn cảnh báo.