Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), lãi suất tiền gửi USD kỳ hạn 12 tháng trở xuống được công bố phổ biến ở mức 2,9-2,95%/năm; Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) áp dụng lãi suất tiền gửi USD là 3%/năm đối với mọi kỳ hạn, riêng lãi suất không kỳ hạn chỉ 0,5%/năm...
Lãi suất gửi tiền đồng đang cao gấp 4-5 lần so với gửi USD. |
Hầu hết các ngân hàng khác cũng có mức lãi suất tương tự. Như vậy, so với trước thời điểm trước ngày 13.4, các ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất gửi tiết kiệm USD từ 4,2-6%/năm xuống còn 2,9-3%/năm.
Bà Kim Cúc (ngõ 12, phố Đào Tấn, Hà Nội) - một khách hàng có sổ tiết kiệm tiền USD đến ngày đáo hạn tại Ngân hàng Quốc tế (VIB) cho biết: “Những người về hưu như chúng tôi chắc sẽ phải chọn cách gửi VND thay vì gửi USD như trước đây vì lãi suất chênh lệch hơn hẳn, lợi nhuận thấy rõ”.
Với mức lãi như hiện nay, gửi 50 triệu đồng với kỳ hạn 3 tháng, cuối kỳ có gần 1,8 triệu đồng tiền lãi. Nếu gửi 2.500 USD (tương đương 50 triệu đồng) thì sau 3 tháng chỉ được 18,75USD (khoảng 375.000 đồng). “Nếu kể cả yếu tố tỷ giá được điều chỉnh thì rõ ràng thời điểm này, và kể cả trong ngắn hạn gửi tiết kiệm bằng VND sẽ có lợi hơn” - bà Cúc tính toán.
Tuy nhiên, nói về ưu điểm khi gửi tiết kiệm bằng USD, anh Nguyễn Thái Việt (phố Thái Thịnh, Hà Nội) cho rằng: Về ngắn hạn thì lãi suất thấp, về trung hạn thì độ an toàn cao do lạm phát trong nước ít ảnh hưởng đến USD. Mặt khác, đối với người có USD thì trước khi gửi, họ đã tính đến những phương án làm ăn hiệu quả hơn là gửi tiết kiệm để rồi mỗi tháng chỉ nhận có 3% lãi.
Trên thực tế, với mức lãi suất USD hạ thấp như hiện nay, người chọn gửi tiền VND vì có lợi gấp 4-5 lần so với gửi bằng USD. Tuy nhiên, một số người lại không quan tâm đến độ chênh lệch này, khi mục đích của họ là khác nhau, như đóng tiền học cho con tại nước ngoài 3 tháng 1 lần chẳng hạn.
Xung quanh vấn đề này, ý kiến nhiều chuyên gia ngân hàng cũng thừa nhận quan điểm, thời điểm này gửi VND hợp lý hơn là gửi USD.
Hương Thủy