Dân Việt

Tràn lan cốc thủy tinh nhiễm chì

15/04/2011 07:34 GMT+7
(Dân Việt) - Tại một số địa bàn các tỉnh miền Bắc, cốc thuỷ tinh có nguồn gốc từ Trung Quốc đang được bày bán tràn lan, trong khi người tiêu dùng không hề biết những nguy cơ độc hại từ những vật dụng này.

Ngập tràn cốc Trung Quốc

Ngay sau khi có tin các mẫu cốc thuỷ tinh có nguồn gốc từ Trung Quốc chứa hàm lượng chì cao gấp hàng nghìn lần so với quy định cho phép, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dùng, phóng viên Dân Việt đã có cuộc khảo sát tại một số khu vực các tỉnh phía Bắc.

img
Nhiều loại cốc thuỷ tinh của Trung Quốc có hàm lượng chì vượt mức cho phép đã và đang xuất hiện nhiều tại Việt Nam (ảnh minh hoạ).

Chị Nguyễn Thị Lan ở thị xã Cao Bằng cho biết: "Tôi biết đến loại cốc này từ tháng 11 năm ngoái, khi đi mua quà để tặng cho cô giáo chủ nhiệm con trai tôi. Giá mỗi một bộ cốc có hoa văn đẹp được bán từ 80 - 100 nghìn đồng/bộ. Thấy rẻ và đẹp nên tôi đã mua liền một lúc 5 bộ, vừa đem làm quà tặng, vừa để dùng".

Theo chị Lan, ở chợ Xanh và chợ Trung tâm của thị xã Cao Bằng, các loại cốc có màu sắc sặc sỡ này được bày bán rất nhiều, hầu hết ghi "Made in China" (sản xuất tại Trung Quốc) hoặc không có bất cứ thông tin gì. Tại chợ Thương (TP.Bắc Giang), những quầy hàng tạp hoá cũng bày bán đủ các loại cốc sặc sỡ, trong đó có hơn 70% nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Không chỉ có ở một số các tỉnh lẻ, ngay trung tâm thủ đô Hà Nội, các loại cốc có xuất xứ từ Trung Quốc cũng được bày bán tràn lan. Phố Hàng Khoai, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) từ lâu được biết đến là khu kinh doanh các mặt hàng gia dụng như cốc, chén, bát đĩa với đủ chất liệu nhựa, sứ, thuỷ tinh...

Trong đó, có nhiều loại cốc thuỷ tinh, cốc nhựa được in hoa văn, màu sắc bắt mắt của Trung Quốc với giá bán rất rẻ, từ 10 - 30 nghìn đồng/chiếc, trong khi cùng chủng loại nhưng có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… giá thấp nhất cũng ở mức 50 nghìn đồng/chiếc. Hầu hết những người mua hàng trên tuyến phố này không hề hay biết về mức độ nhiễm chì cũng như tác hại của nó đối với sức khỏe.

img
Cốc thủy tinh Trung Quốc được bày bán nhiều ở Hà Nội.

Loại ly thủy tinh in màu lòe loẹt này cũng đang được bán tràn lan trên thị trường Đà Nẵng. Đặc biệt, tại các quầy hàng lưu niệm, loại ly có nắp đậy bằng nhựa, trên thân có in chữ "Happy time", "Milk" hoặc các dòng chữ tiếng Anh, thu hút học sinh, sinh viên mua làm quà tặng cho nhau.

Theo chị Huỳnh Trang (chủ quầy hàng lưu niệm tại đường Lê Lợi, Đà Nẵng), lâu nay, loại ly này vẫn được cửa hàng chị nhập về từ TP.HCM và bày bán bình thường. Hàng Trung Quốc mẫu mã đẹp, rẻ nên rất được ưa chuộng. Đến nay, chị vẫn chưa hề biết đến cảnh báo các loại ly Trung Quốc nhiễm độc, có thể có hàm lượng chì cao vượt mức độ cho phép.

Chỉ có thể khuyến cáo: Không nên sử dụng

Theo các chuyên gia về vật liệu, thuỷ tinh thường được nung trên 1.000oC nên thường không có màu sắc. Màu chủ yếu là các chất hữu cơ được trang trí, có thể các chất chì được trộn ở trong lớp màu sắc ấy nên sẽ gây độc hại cho người sử dụng.

img Kết quả kiểm tra cho thấy, loại cốc này phơi nhiễm chì và cadimi. Trong đó, có những chất sơn ở bề mặt cốc chứa hàm lượng chì vượt qua mức cho phép từ 1.000 tới 2.700 lần. img

"Các chất kim loại nặng như chì còn bị cấm sử dụng trong xăng dầu vì rất độc hại. Nếu có trong các vật dụng như bình sữa của trẻ em, cốc thuỷ tinh… có thể không biểu hiện ngay nhưng về lâu dài nếu bị tích tụ trong cơ thể sẽ gây ra các bệnh về gan, thận, tim mạch, não… Nếu các cơ quan chức năng đã khuyến cáo, tốt nhất không nên dùng cốc thuỷ tinh có màu sắc để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ" - GS. TS Trần Văn Sung - Viện trưởng Viện Hoá học (Viện KHCN Việt Nam) khuyến cáo.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, TS. Phùng Hà - Cục trưởng Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) cho biết: "Hiện tại mặt hàng cốc không được xếp vào danh mục hàng công nghiệp nên thuộc quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN). Tuy nhiên, chì là chất đang được chúng tôi siết chặt quản lý trong sản xuất công nghiệp. Cục đang được chỉ đạo soạn thảo Thông tư quy định ngưỡng an toàn của các chất kim loại nặng trong đó có chì, cadimi, thuỷ ngân…”.

Ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá (Bộ KHCN) cho biết: Cục đã tiến hành kiểm tra và lấy mẫu cốc thủy tinh Trung Quốc với màu sắc sặc sỡ trên thị trường. Sau đó, chúng tôi lấy mẫu và thử nghiệm cả trong và ngoài bề mặt cốc thủy tinh. Kết quả kiểm tra cho thấy, có sản phẩm phơi nhiễm chì và cadimi. Trong đó, có những chất sơn ở bề mặt cốc chứa hàm lượng chì vượt mức cho phép từ 1.000 tới 2.700 lần.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành chỉ xử lý được các loại độc tố chứa trong lòng cốc, còn ngoài bề mặt thì không có đủ văn bản pháp lý để tịch thu hay xử lý. Vì thế, Cục đã có văn bản đến các chi cục địa phương để khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng cốc thủy tinh có màu sắc sặc sỡ để đảm bảo sức khỏe.