Đó là nội dung đề xuất mới đây của Liên minh Đất đai (LANDA - diễn đàn của 18 tổ chức xã hội nghề nghiệp trong nước) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi góp ý xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (công bố ngày 7.1.2014).
Có quyền nhưng ít được thực thi đầy đủPhát biểu về vấn đề này, bà Trần Thị Minh Châu – Giám đốc Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA), thuộc Hội Khoa học Đông Nam Á Việt Nam cho rằng: Dù trước đó, Luật Đất đai 2003, và nay là Luật Đất đai 2013 tiếp tục có quy định về việc ghi tên cả hai vợ chồng vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng trên thực tế chưa được thực thi đầy đủ.
Bà Châu dẫn ví dụ kết quả nghiên cứu về quyền tiếp cận đất của phụ nữ, nhìn từ thực trạng cấp GCNQSDĐ của Tổ chức Action Aid Việt Nam phối hợp với mạng An ninh lương thực và giảm nghèo (CIFPEN) năm 2008. Theo nghiên cứu này, ở Đà Bắc (Hòa Bình) vào thời điểm đó có tới 90% GCNQSDĐ trồng cây hàng năm ghi tên 1 người, chủ yếu là người chồng. Giấy có ghi 2 tên chỉ được 7,2%, còn lại chưa được cấp.
Đối với đất ở, cũng tại Đà Bắc, có tới 94,3% mang tên 1 người, thường là chồng, còn lại chưa được cấp. Đây là số liệu năm 2008, tức 5 năm sau khi ban hành Luật Đất đai 2003. Tỷ lệ tương ứng cũng được ghi nhận ở Trà Vinh, Vĩnh Long, Lai Châu vào cùng thời điểm. “Điều đó cho thấy, dù có luật quy định, nhưng thực thi ở thực tế còn quá thấp” – bà Châu đánh giá.
Thành viên CIFPEN đang thảo luận nhóm với phụ nữ địa phương.
Cũng theo bà Châu: “Chúng tôi nghĩ rằng tình hình sẽ được cải thiện. Nhưng theo một tài liệu nghiên cứu của Tổ chức Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố năm 2012, tức là sau 10 năm, tỷ lệ GCNQSDĐ có ghi tên cả vợ lẫn chồng (trừ những vùng đô thị, ven đô thị) chưa được cải thiện bao nhiêu”.
“Nghị định cần làm rõ hơn”“Chúng tôi thấy bất cập là chưa thấy có một văn bản nào hướng dẫn chi tiết việc đổi ghi tên GCNQSDĐ 1 người thành tên hai vợ chồng khi có đủ điều kiện pháp lý – bà Châu bày tỏ - Luật Đất đai 2013 có bổ sung là những GCNQSDĐ và tài sản gắn liền với đất trước đây đứng tên vợ hoặc chồng nhưng là tài sản chung, sẽ được đổi sang ghi tên cả vợ lẫn chồng nhưng lại có thêm cụm từ sau đó “nếu có yêu cầu”.
Điều này theo chúng tôi là đã làm giảm đi sức nặng của luật, làm hạn chế quyết tâm của chính quyền địa phương và người dân trong việc đổi GCNQSDĐ từ ghi tên 1 người sang ghi tên cả hai vợ chồng khi hội đủ điều kiện pháp lý. Vì vậy chúng tôi kiến nghị nghị định hướng dẫn chi tiết việc thi hành Luật Đất đai mà Bộ Tài nguyên - Môi trường đang soạn thảo cần có thêm hướng dẫn chi tiết về điều này (cụ thể là mục 4 Điều 98 trong Luật Đất đai 2013)”.
"Việc có thêm cụm từ “nếu có yêu cầu” trong khoản 4, Điều 98 Luật Đất đai 2013, theo chúng tôi là đã làm giảm đi sức nặng của luật, làm hạn chế quyết tâm của chính quyền địa phương và người dân trong việc đổi giấy chứng nhận từ ghi tên 1 người sang ghi tên cả hai vợ chồng khi đủ điều kiện pháp lý. Vì vậy ở nghị định hướng dẫn cần làm rõ hơn”. Bà Trần Thị Minh Châu
|
Việc phụ nữ không có tên trong “sổ đỏ”, kéo theo việc họ không có quyền chủ động trong việc thực hiện quyền sử dụng đất đai để giảm nghèo và phát triển kinh tế. Khi gặp rủi ro (chồng chết, ly hôn, chồng làm ăn thất thoát…), phụ nữ thường gặp rắc rối, thiệt thòi trong việc bảo vệ tài sản của mình và con cái…
Câu chuyện bà Trần Thị Minh Châu nêu ra cũng là vấn đề được LANDA và VCCI nghiên cứu, lấy ý kiến chuyên gia và các tổ chức thành viên. Sau đó, hai tổ chức này đã cùng gửi một văn bản kiến nghị đến Ban soạn thảo dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013, đề nghị bổ sung một số nội dung liên quan.
Trong đó có đề xuất bổ sung một điểm vào khoản 1 Điều 99. Nội dung của điểm đề xuất bổ sung là: Việc cấp đổi GCNQSDĐ, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp được thực hiện trong các trường hợp sau (điểm d của khoản 1, Điều 99): “Giấy chứng nhận, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đã cấp cho trường hợp là tài sản chung của cả hai vợ chồng nhưng chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc họ, tên của chồng nay cấp đổi thành giấy chứng nhận ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng”.
LANDA và VCCI cũng kiến nghị Ban soạn thảo thêm một điều vào trước Điều 45 của dự thảo nghị định (gọi là Điều 44a) về những trường hợp được miễn mọi nghĩa vụ tài chính khi cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận cho trường hợp dồn điền, đổi thửa; thu xếp lại đất đai khi thực hiện xây dựng nông thôn mới và cấp đổi giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi một tên vợ hoặc tên chồng thành giấy chứng nhận ghi tên cả hai vợ chồng...
Đề xuất 2 “điều mới” cho người yếu thế Trong kiến nghị gửi tới Ban soạn thảo dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, LANDA và VCCI đã đề nghị bổ sung một điều vào sau Điều 78 (gọi là Điều 78a) và bổ sung một điều vào trước Điều 44 (gọi là Điều 44a). Cụ thể như sau:
Điều 44a. Các trường hợp được miễn nghĩa vụ tài chính khi cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận.
Chính phủ miễn toàn bộ nghĩa vụ tài chính khi có nhu cầu cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất trong các trường hợp sau:
1. Nông dân trực tiếp sản xuất thực hiện chuyển đổi đất nông nghiệp với nhau trong quá trình thực hiện chính sách dồn điền, đổi thửa;
2. Người dân thực hiện chuyển đổi đất đai, quy hoạch lại đất đai trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới;
3. Người dân có yêu cầu cấp đổi giấy chứng nhận đã cấp đối với tài sản chung của hai vợ chồng mà chỉ ghi họ, tên vợ hoặc họ, tên chồng thành giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng.
Điều 78a. Trình tự, thủ tục thu hồi đất do các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp đang sử dụng nhưng không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng trái pháp luật, để bị lấn, bị chiếm.
1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra để thực hiện tổng rà soát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp nhằm phát hiện các diện tích đất không sử dụng; sử dụng không đúng mục đích; giao khoán, cho thuê, cho mượn trái pháp luật; để bị lấn, bị chiếm; đang có tranh chấp với cư dân địa phương. Kết quả kiểm tra được lập thành biên bản cùng với việc lập hồ sơ cụ thể đối với từng diện tích đất thuộc diện bị thu hồi.
2. Biên bản kết quả kiểm tra về các diện tích đất cần thu hồi được chuyển cho Sở Tài nguyên và Môi trường để lập hồ sơ và chuẩn bị quyết định thu hồi đất trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
3. Thực hiện việc thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
4. Diện tích đất đã thu hồi được sử dụng để giao, cho thuê, trước hết để giải quyết tình trạng đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương không có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất. Phần diện tích đất còn lại được xem xét để giao, cho thuê cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất tại địa phương. Nguồn: LANDA, VCCI
|