Sau khi
kiến nghị cán mốc 100.000 chữ ký theo quy định, Nhà Trắng sẽ triệu
tập một cuộc họp với các đại diện từ tất cả các cơ quan
chính sách lớn như Hội đồng Kinh tế Quốc gia, Hội đồng Chính sách trong
nước và các cơ quan khác để xem xét kiến nghị, đồng thời đưa ra phản hồi
thích đáng.
Cuộc họp sẽ giúp xác định xem Nhà Trắng hay cơ quan liên bang nào sẽ thích hợp nhất để xem xét, trả lời kiến nghị. Đồng thời, Nhà Trắng cũng đảm bảo rằng, phản hồi sẽ được đăng tải lên trang web chính thức của Nhà Trắng trong thời gian sớm nhất có thể.
Tùy vào mức độ quan trọng của kiến nghị mà Nhà Trắng sẽ có
những phản hồi thích hợp. Đa phần Nhà Trắng sẽ đưa ra văn bản phản hồi kiến nghị được đăng tải
trực tiếp trang WhiteHouse.gov.
Phản hồi cho một kiến nghị cũng sẽ được liên kết với kiến nghị đó để tiện theo dõi.
Thậm chí Nhà Trắng còn gửi phản hồi chính thức về một kiến nghị tới
email của từng người
tham gia ký tên. Người thay mặt Nhà Trắng thông báo phản hồi thông thường là một quan chức chính phủ, (bao gồm nhân viên Nhà Trắng). Trong những trường hợp đặc biệt, khi kiến nghị nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, đích thân Tổng thống Obama có thể chính là người “thông báo” phản hồi của Nhà Trắng về kiến nghị. Chẳng hạn, tháng 12.2012, Tổng thống
Obama đã đích thân “ra mặt” trả lời một loạt kiến
nghị về luật kiểm soát súng đạn sau thảm kịch xả súng ở
một trường tiểu học thuộc bang
Connecticut.
Bản kiến nghị đã đạt hơn 100.000 chữ ký trước thời hạn tới 2 tuần.
Tính đến 9h00 sáng 28.5.2014 theo giờ Việt Nam,
bản kiến đề nghị chính quyền Obama trừng
phạt Trung Quốc vì hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã thu hút hơn 119 nghìn chữ
ký, vượt mức 100.000 chữ ký bắt buộc theo quy định chỉ sau 2 tuần được đề
xuất trên trang web của Nhà Trắng. Dư luận đang nóng lòng chờ đợi phản hồi của Nhà Trắng về bản kiến nghị này.
Trên thực tế, dù Nhà Trắng phản hồi như thế nào thì “cái được” lớn nhất từ
bản kiến nghị đề nghị chính quyền Obama trừng phạt Trung Quốc về giàn khoan Hải Dương 981 là những hành động hung hăng, bất chấp luật pháp
quốc tế của Trung Quốc sẽ bị phơi bày và lan truyền rộng rãi hơn trong dư luận quốc tế.
Bản kiến nghị là cách gây được những tiếng vang, thu hút sự chú ý của công chúng Mỹ cũng như những ai yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn thế giới. Từ đó, nó sẽ
khuyến khích dư luận tìm hiểu về chân lý, sự thực để góp thêm tiếng
nói ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo đất
nước.
Bên cạnh đó, chắc chắn bản kiến nghị này cũng sẽ góp phần đưa thông tin trung thực tới cả những
người dân Trung Quốc.
“We the people” là một sáng kiến của Nhà Trắng, cho phép bất cứ ai cũng có quyền đưa ra một kiến nghị với chính phủ Mỹ. Nếu bản kiến nghị lấy đủ một lượng chữ ký nhất định trong vòng 30 ngày thì kiến nghị phải được Nhà Trắng xem xét và trả lời công khai.
Từ khi ra đời vào ngày 22.9.2011, sáng kiến này đã phát triển rất nhanh, khiến Nhà Trắng đã phải vài lần tăng số lượng chữ ký cần thiết để một bản kiến nghị được phản hồi. Lần gần đây nhất là năm 2013, số lượng chữ ký bắt buộc để một bản kiến nghị được phản hồi tăng từ 25.000 lên 100.000.
Theo Tạp chí Forbes "chương trình này không hẳn là một thứ phù vân chính trị của chính quyền Obama, mà thực sự là cách thức tương tác tiêu chuẩn giữa chính quyền với người dân và chính phủ đã đã có một bước tiến mạnh mẽ về sự cởi mở".
“We the people” là một cách dễ dàng để người dân thể hiện quan điểm với chính phủ từ vấn đề đối nội cho đến các vấn đề đối ngoại. Bất kỳ công dân nào từ 13 tuổi trở lên và có tài khoản email đều có thể đưa ra kiến nghị. Đặc biệt, "We The People" cũng không yêu cầu bạn phải là công dân Mỹ mới được đề xuất ý kiến với chính phủ Mỹ.
Bởi vậy mà Heather Piwowar, công dân Canada từng nhấn mạnh trên trang
Research Remix rằng: “Nước Mỹ đã từng làm rất nhiều việc mà không hỏi ý kiến phần còn lại của thế giới. Vậy thì nay có dịp, tại sao chúng ta không tham gia để có phần của mình trong đó? Ý kiến của số đông sẽ khiến nước Mỹ phải hành động, và khi nước Mỹ hành động thì sẽ tác động lên các nước khác”.