Đến thời Lê, nhất là từ đời Lê Thánh Tông, khoa cử đã trở nên hoàn bị về quy mô, tổ chức, hình thức…và cũng từ đây triều đình phong kiến Đại Việt chính thức công khai quan điểm coi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Tuy khoa cử thời Lê Thánh Tông được coi là cực thịnh thì cũng chính dưới triều đại của vị vua này, trong khoa thi năm Bính Thìn (1496) ông đã có một quyết định khó hiểu mà nguyên nhân của nó là gì thì đến nay vẫn là một bí ẩn.
Khoa thi Bính Thìn (1496) xảy ra một sự kiện chưa từng có, khoa này có 43 người đỗ nhưng khi vào thi Đình, vua Lê Thánh Tông xét dung mạo từng người, chỉ lấy đỗ 30 người, loại bỏ 13 người. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Bính Thìn, Hồng Đức năm thứ 25. Tháng 2, thi Hội các cử nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Nguyễn Văn Huấn 43 người.
Tháng 3, ngày Đinh Dậu, vua thân hành khảo thi ở Đan Trì (Ao Son) điện Kính Thiên, hỏi về đạo trị nước. Sai Thượng thư Binh bộ Đinh công bá Trịnh Công Đán và Đô Ngự sử Ngự sử đài Quách Hữu Nghiêm làm Đề điệu; Tả thị lang Hộ bộ Nguyễn Hoằng Thạc và Phó Đô Ngự sử Ngự sử đài Đàm Văn Lễ làm Giám thí; Hàn lâm viện thừa chỉ Đông các đại học sĩ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám Thân Nhân Trung; Hàn lâm viện Thị độc Đông các đại học sĩ Đào Cử; Hàn lâm viện thị giảng chưởng Hàn lâm viện sự Lưu Hưng Hiếu; Đông các hiệu thư Ngô Luân, Ngô Hoán; Hàn lâm viện thị thư kiêm Tú lâm cục tư huấn Trần Khắc Niệm; Hàn lâm viện thị thư Ngô Thầm làm Độc quyển.
Ngày 26 dẫn các sĩ nhân vào điện Kính Thiên vua tự xem đung mạo từng người lấy đỗ 30 người, đánh hỏng 13 người. Cho 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, 8 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, 19 người đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân”.
Trong bộ “Khâm định Việt sử thông giám Cương mục” thì viết: “Theo chế độ cũ, cống sĩ thi Hội đã được trúng cách, lúc vào thi Đình đều không người nào bị đánh hỏng. Đến nay; cử nhân vào thi Hội, quan trường lấy bọn Nguyễn Văn Huấn 43 người được trúng cách. Kịp khi nhà vua thân hành ra bài thi ở thềm rồng điện Kính Thiên, hỏi về đạo cai trị, rồi triệu các cử nhân vào sân điện Kim Loan, nhà vua tự mình xét kỹ dung mạo từng người, chỉ lấy đỗ 30 người, cho Nghiêm Viên, Nguyễn Huân và Đinh Lưu ba người đỗ tiến sĩ cập đệ, bọn Đinh Cường 8 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Đạo Diễn 19 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân; đánh hỏng 13 người”.
Trên tấm bia đá khắc tên những người đỗ khoa thi này được dựng ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám có ghi trực tiếp việc đánh hỏng tới 13 người nhưng cũng đề cập một cách gián tiếp như sau:
“Mùa xuân năm đó là năm mở khoa thi, sĩ nhân trong nước tới kinh đô dự thi rất đông mà số trúng cách được 43 người. Ngày Đinh Dậu 19 tháng 3 Hoàng thượng ngự tại điện Kính Thiên ra bài văn sách hỏi về đạo trị nước… Sáng hôm sau, bọn Đào Thuấn Cử dâng quyển để Hoàng thượng ngự lãm. Ngày Canh Tý 22 tháng ấy, quan hữu ti dẫn những người trúng cách vào sân điện Kim Quang, hoàng đế đích thân xem dung mạo xét định, chọn 30 người. Đến ngày Ất Tị 27, vua ngự tại điện chính để làm lễ xướng danh. Ban cho bọn Nghiêm Viên trở xuống làm hạng Tiến sĩ cập đệ, Tiến sĩ xuất thân có thứ bậc khác nhau. Ban cấp ân vinh theo điển cũ; lại sai bộ Công khắc đá, sai Lưu Hưng Hiếu làm bài ký ghi lại sự việc”.
Quang cảnh trường thi thời xưa (Tranh minh họa, nguồn: Internet)
Chuyện xét tướng mạo để chấm đỗ hay đánh trượt, xếp hạng đỗ cao hay đỗ thấp không phải đến thời Hậu Lê mới có, sử còn chép chuyện vào năm Giáp Thìn (1304) trong Khoa thi Thái học sinh, thí sinh Mạc Đĩnh Chi được chấm đỗ đầu trên 40 sĩ tử trúng, nhưng khi ông vào yết kiến, vua Trần Anh Tông thấy tướng mạo xấu xí nên không muốn cho đỗ Trạng nguyên.
Trước tình cảnh đó, Mạc Đĩnh Chi liền làm bài phú tự ví mình như hoa sen trong giếng ngọc (Ngọc tỉnh liên phú) dâng lên, vua xem cho là quá giỏi mới quyết định giữ nguyên học vị Trạng nguyên cho ông… Tuy nhiên sự kiện đánh trượt với số lượng lớn như trong khoa thi Bính Thìn (1496) là điều rất kỳ lạ.
Trong khoa thi này còn một chuyện lạ khác, đó là trường hợp tuy không bị đánh hỏng, loại khỏi danh sách đỗ Tiến sĩ nhưng ông lại bị truất học vị Trạng nguyên và bị phê là: “Văn nghị Trạng nguyên, bị truất” (nghĩa là: bài văn đáng đỗ Trạng nguyên nhưng bị truất bỏ). Vị Tiến sĩ kém may mắn này là Triệu Nghị Phù (1462-?), còn có tên khác là là Triệu Tuyên Phù, người xã Đức Lạp, huyện Lập Thạch, phủ Tam Đái, xứ Sơn Tây (nay thuộc xóm Nam Giáp, xã Đức Bác, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).
Như vậy người đỗ Trạng nguyên lẽ ra là Triệu Nghị Phù chứ không phải Nghiêm Viện nhưng vì phạm lỗi nên ông bị truất xuống Đệ nhị giáp Tiến sĩ. Lý do là trong ngày các tân khoa vào lạy tạ Hoàng đế Lê Thánh Tông, nhà vua hỏi ông về tên xã nơi ông sinh quán, Triệu Nghị Phù liền đáp ngay:
- Tôi là người ở Kẻ Lép!.
Kẻ Lép là tục danh (tên Nôm) của xã Đức Lạp (Đức Liệp), Lê Thánh Tông nghe vậy lấy làm phật lòng, nhà vua không muốn có vị Trạng nguyên ứng xử tục tằn trong triều đình. Ngay sau đó, Triệu Nghị Phù bị truất xuống hàng thứ 5 ở hàng đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, tức là tụt xuống 7 bậc học vị.
Về vấn đề khoa cử thời Lê Thánh Tông, thời kỳ ông trị vì có nhiều người đỗ đạt nhất; trong 37 năm làm vua, ông đã cho mở 12 khoa thi Hội lấy được 501 người đỗ Tiến sĩ, trong đó có 9 người đỗ Trạng nguyên. Các khoa thi đó hoàn toàn không có chuyện xét dung mạo đẹp xấu để phân định ngôi thứ trên bảng vàng, chỉ riêng khoa thi Bính Thìn (1496) là khoa thi cuối cùng được mở dưới thời Lê Thánh Tông là có sự hi hữu lạ lùng.
Phần lớn những người bị đánh hỏng ở kỳ thi Đình năm đó đều do diện mạo xấu, sách Tam Khôi bị lục đưa ra một trường hợp cụ thể : “Lúc thi Đình, vua ngự ra sân điện Kính Thiên, ban dạy cách trị nước và cho vời các tiến sĩ vào sân điện Kim Loan xét, xem tướng mạo, lấy cập đệ 3 người. Bấy giờ có Vũ Văn Tế người ở Vũ Vinh, thi Hội đỗ thứ hai, vào Đình bị truất”.
Với một hoàng đế anh minh, coi trọng nhân tài như Lê Thánh Tông thì không hiểu vì sao nhà vua lại quyết định này. Có ý kiến cho rằng đây như là một điềm dở của những người trước khi qua đời. Xét theo chính sử thì chỉ sau khoa thi này được tổ chức, mấy tháng sau Lê Thánh Tông lâm bệnh qua đời. Thế nhưng cái gọi là điềm dở này hoàn toàn bị bác bỏ, bởi ngay cho đến khi sắp mất, nhà vua vẫn hoàn toàn tỉnh táo, minh mẫn còn làm bài thơ tự thuật rằng:
Ngũ thập niên hoa thất xích khu,
Cương trường như thiết khước thành nhu.
Phong xuy song ngoại hoàng hoa tạ,
Lộ ấp đình tiền lục liễu cồ.
Bích hán vọng cùng vân diểu diểu,
Hoàng lương mộng tỉnh dạ du du.
Bồng lai sơn thượng âm dung đoạn,
Băng ngọc u hồn nhập mộng vô?.
Nghĩa là:
Bảy thước thân kia đã ngũ tuần,
Lòng như sắt cứng cũng mềm dần.
Gió rung làm héo hoa ngoài cửa,
Sương dãi thêm gầy liễu trước sân.
Tầng biếc trông mây xa thăm thẳm,
Kê vàng tỉnh giấc những phân vân.
Âm dương cách biệt non bồng vắng,
Băng ngọc hồn thiêng nhập mộng chăng?
Như vậy, nếu lấy tiêu chuẩn cùng với có tài văn thơ giỏi thì một sĩ tử phải có dung mạo đẹp đẽ, ưa nhìn mới được chấm đỗ Tiến sĩ thì liệu chăng trong số 501 người đỗ Tiến sĩ dưới triều Lê Thánh Tông đều là người đạt được cả hai tiêu chuẩn đó? Tại sao các khoa thi trước đó nhà vua không có quyết định tương tự như vậy? Nguyên nhân của sự kiện lạ lùng ấy không được sử sách đề cập đến, dù chỉ một chút, vì vậy có thể nó sẽ là một bí ẩn mãi mãi không bao giờ có đáp án cuối cùng.