Chẳng phải tôi rành gì mấy thú chơi chim, để thưởng thức cái âm giọng thổ pha kim nồng nàn của đôi chim cu trống mái đang tình tự với nhau theo từng nhịp gió thổi.
Nhưng quả thực, nghe cái tiết tấu “gù... gù... gù” rồi luyến láy trầm bổng vang xa “cúc... cù... cu...” trên vòm xanh kia, cái cảm giác như tỏa ra một năng lượng có khả năng hóa giải, làm dịu mát cơn nắng nóng buổi trưa hè. Và còn hơn thế nữa, dường như đấy là thứ âm thanh biết hoài cảm của giống loài chim đa tình dễ làm thao thức nỗi hoài hương của những người xa xứ.
Cái làng quê ven sông này từ mấy năm nay, thực ra cũng chẳng còn là... làng quê nữa. Dăm ba bụi tre còn lại nơi con đường bìa làng bên một cái lạch nước, có lẽ do người ta cần bóng mát cho một công trường xây dựng nên chưa cày ủi san lấp nốt. Nhờ vậy mà một buổi trưa tình cờ có chỗ cho tôi và chim chóc khu trú vào đó, để mỗi kẻ một nỗi niềm riêng tha hồ mà hoài vọng về một quê xứ khôn khuây từng ngày biển đã xanh dâu. Chuyện những thôn xóm làng quê bây giờ dần hồi “lên đời” đô thị hóa âu cũng chẳng lấy gì làm lạ. Ngày nay, đến tận các làng bản xa xôi ở những vùng miền núi non heo hút, còn có nơi bát ngát hơi hướm phố thị hiện đại can dự vào các sinh hoạt đời sống, huống là cái làng ở vùng ngoại ô này.
Chỉ có điều sự thay đổi nơi đây không theo cái dòng chảy thời gian loang dần từng phần, kiểu như mỗi ngày rồi ra “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, mà sạch sành sanh, thay đổi triệt để đến từng cây cỏ. Hàng trăm, hàng nghìn mẫu đất đai ruộng đồng tươi tốt, vườn tược sum sê cây trái đều cày xới san ủi trắng xóa, đến không còn mong gì nhìn thấy bóng dáng một cọng khói rơm rạ nào đó sót lại bay lên. May mà còn đôi chim cu về đậu trên mấy ngọn tre kia bật lên tiếng hót mong manh. Có vẻ như từng hồi tiếng chim gióng lên cao rồi xuống thấp theo nhịp điệu gió vít đầu ngọn tre cong vòng xuống, là từng hồi kể lể mênh mang trước vô tận về những biến dịch muôn thuở sông cạn đá mòn. Mà thanh âm của đôi chim cu kỳ diệu thật! Cứ chầm chậm ngắt quãng đều đặn như một giai điệu slow thanh bình gieo vào những tầng không. Hễ cách một quãng ngắt là không gian tưởng chừng như trong xanh hơn, xa xăm và thanh vắng một cách lạ lùng.
Buổi trưa đi vào giữa lòng lá nhỏ. Tiếng kêu kia còn một chút mong manh. Dòng nức nở những tia hồng đốm đỏ. Lạc trời cao bóng tụ kết không thành. Cũng chẳng rõ vì sao vào những lúc nghe tiếng chim vang xa gọi cả trời thanh vắng kia tôi lại lầm thầm ngâm nga mấy câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng. Có một hiệp thông nào đó từ cái thôn nhỏ ven sông này mách bảo, hay là “tiếng kêu kia” của loài chim bàng bạc một thứ mật ngôn có khả năng dẫn đường cho vô thức vỡ tràn mộng mị về một quê xứ siêu hình ẩn tàng giữa không gian mênh mông trắng xóa.
Chợt nhớ có lần tham dự Festival của một thành phố. Tại đấy người ta bày ra, xen trong không gian tấp nập của phố phường dăm ba cái lều tranh có phên tre liếp cửa, có quanh co đường làng, có cầu tre lắt lẻo... Nhìn vào đó, ai cũng có thể hiểu đấy là một làng quê, nhưng mà là một làng quê... sân khấu, làng quê trình diễn, được tạo dựng lên như một thứ mốt hoài cổ. Kể cũng lạ, có những xóm làng thanh bình xanh ngời sức sống, đẹp như cổ tích, vậy rồi người ta chối từ, ào ạt dọn dẹp tất cả đi để đua bơi đô thị hiện đại. Đến một ngày, chợt thấy thiên hạ tưng bừng lễ hội văn hóa, lễ hội tâm linh..., vậy là mình cũng lều tranh cây đa bến nước sân đình, cho nó “đậm đà bản sắc”, mà người tinh ý sẽ sớm nhận ra mớ đồ giả thêu thùa trên những tâm hồn trống trơn cằn khô văn hóa...
Đứng dưới bóng tre làng, cận kề cái mép nước của con lạch chảy từ sông vào, tôi cứ miên man ý nghĩ, mai mốt đây con đường làng của thôn nhỏ này cùng với cái lạch nước bồng bềnh những chùm ấu dại xanh biếc kia, sẽ không còn lý do để tồn tại trước cái dự án đang ngày ngày gầm rú tiếng máy ủi cày xới. Lẽ đương nhiên đôi chim cu trên cao ấy cũng sẽ không còn chỗ để bay về cất tiếng hót tình tự ru mát những trưa nồng. Chả hiểu chim có dự cảm gì không mà tiếng hót mênh mang chậm rãi từng hồi, như niềm chung thủy cuối cùng tan vào từng ngọn gió nồm thưa thớt thổi qua đồng bãi trắng xóa xanh nỗi niềm nhớ quê.