Điều độc đáo mà thú vị trong đời sống tâm linh của cư dân Việt ở miền Tây Nam bộ nói riêng và ở Việt Nam nói chung, ngoại trừ những người theo tôn giáo khác, còn lại người theo đạo Phật hoặc không theo tôn giáo nào thì Quan Thế Âm Bồ tát luôn được tôn thờ, dù chỉ là tâm niệm hoặc hiện hữu bằng các tượng thờ từ chùa đến gia đình. Trong bài viết này, chúng tôi xin khảo sát và miêu tả lại nét đẹp của tín ngưỡng dân gian này.
Hình ảnh Quan Thế Âm trong dân gian
Quan Thế Âm tiếng Phạn là “Avalokitesvara” dịch sang tiếng Hán là Quan Thế Âm hay Quán Tự Tại … Danh hiệu Quan Thế Âm, nghĩa là quan sát tiếng kêu than của chúng sanh trong thế gian để độ cho họ thoát khổ. Dân gian tôn gọi Ngài là Quan Âm Phật, Quan Âm Như Lai, Quan Thế Âm, Quan Âm Nam Hải, Phổ Đà Phật Tổ,...
Theo quyển kinh Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Quan Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm, mà hiện nay Phật giáo Bắc Tông còn truyền tụng thì bất cứ là hạng nào trong chúng sanh, bất cứ là ở vào tình cảnh nào, lúc nào, hễ cầu đến Quan Thế Âm, niệm danh hiệu Ngài thì được cứu khổ, cứu nạn ngay. Phật Quan Âm dùng huyền diệu cứu vớt chúng sanh không biết bao nhiêu.
Theo kinh truyện để lại, Ngài phân thân giáng trần 33 kiếp, khi thì mượn xác nam nhi, khi thì làm thiếu nữ, khi thì ở vào cảnh quyền quý cao sang, khi thì vào hàng bần cùng cơ khổ, khi thì sanh làm đạo sĩ, khi thì làm tỳ khưu,...
Hiện nay đời còn truyền tụng hai kiếp giáng trần làm phụ nhơn của Ngài là: kiếp thứ mười làm bà Thị Kính, kiếp chót làm bà Diệu Thiện. Sau khi thoát kiếp chót này Ngài được chứng quả Phật Tổ tại Phổ Đà Sơn (Nam Hải).
Sự tích Quan Âm Thị Kính được lưu truyền phổ biến trong dân gian Việt Nam từ xưa qua nghệ thuật hát chèo, truyện thơ, ca cổ cải lương. Theo tác giả Nguyễn Lang, sách Việt Nam Phật giáo sử luận, tập II, thì: Truyện thơ Quan Âm Thị Kính (bản Nôm) hiện chưa biết được sáng tác trong thời gian nào. Bản Việt ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh ấn hành năm 1911, gồm 788 câu lục bát và một lá thư Kính Tâm viết cho cha mẹ bằng văn biền ngẫu.
Theo đó thì Đức Quan Âm tu đã chín kiếp, rồi vâng lệnh của Phật Tổ, giáng trần đầu thai làm con gái nhà Sùng Ông ở xứ Cao Ly, tên là Thị Kính. Khi nàng đến tuổi cập kê, vợ chồng Sùng Ông tthuận lòng cho con gái vu quy với chàng Thiện Sĩ nhà gần đó.
Ở nhà chồng nàng mang tiếng oan giết chồng khi Thị Kính định cắt chiếc râu mọc ngược dưới cằm Thiện Sĩ. Nàng buộc phải về lại nhà cha mẹ ruột. Sau đó, nàng cải nam trang thí phát tại chùa. Lại bị Thị Mầu tà tâm trêu ghẹo và vu oan. Thị Kính phải nuôi đứa trẻ vốn là con của Thị Mầu và đứa ở.
Khi hài nhi đúng ba tuổi thì sãi Kính Tâm đến ngày về hầu Phật tổ. Biết trước giờ phân ly, sãi Kính Tâm mới viết hai bức thơ gởi lại, một kính gởi cho sư cụ, một bức gởi cho đấng sinh thành. Mọi việc rõ ràng, đến ngày an táng sãi Kính Tâm thì thiên hạ đồng thấy Phật hiện trên mây rước hồn sãi Kính Tâm là nàng Thị Kính.
Hai vợ chồng Sùng Ông và Thiện Sĩ được thơ đến chùa tiễn Ngài về với cõi hư vô. Sau cuộc tống táng, Thiện Sĩ ăn năn lỗi trước bèn phát nguyện tu hành. Tục truyền rằng Thiện Sĩ sau đắc quả thành con chim ngậm xâu chuỗi bồ đề, đậu một bên Đức Phật Quan Âm, Đức Phật Quan Âm cũng độ luôn con của Thị Mầu đắc quả hầu gần bên Ngài.
Truyện thơ Quan Âm Nam Hải gồm 1.426 câu, được lưu truyền trong dân gian trước cả truyện Quan Âm Thị Kính. Theo Nguyễn Lang (sđd), thì bản Nôm cổ nhất của truyện Quan Âm Nam Hải vẫn chưa biết được khắc vào thời đại nào. Bản Việt ngữ đầu tiên Quan Âm diễn ca của Huỳnh Tịnh Của, ấn hành năm 1897.
Theo dị bản Việt hóa thì Quan Âm Nam Hải vốn là Diệu Thiện, công chúa thứ ba (về sau gọi bà Chúa Ba) con vua Diệu Trang (Subhavyùha) ở nước Hưng Lâm (có thể thuộc Ấn Độ). Nàng từ bỏ cuộc sống xa hoa của cung đình, vượt qua mọi ngăn trở của vua cha, cương quyết vượt biển đến động Hương Tích (chùa Hương ngày nay) tu hành và chứng quả tại đây. Truyền thuyết cho rằng, sau khi đắc đạo, công chúa Diệu Thiện biến thành Quan Âm nghìn mắt nghìn tay cứu độ hoàng tộc và muôn dân.
Như vậy, các hình thái Quan Âm Nam Hải, Quan Âm đồng tử, Quan Âm tống tử, Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính đều bắt nguồn từ lòng từ bi, hiện thân cứu độ của Bồ tát Quan Thế Âm trong Phật pháp cũng như trong dân gian.
Hình tượng Phật Quan Âm có hai dạng thức:
Tượng Phật Bà đứng, tay trái cầm bình cam lồ, tay phải cầm cành dương liễu. Trong bình thanh tịnh chứa nước cam lồ, nước vừa ngọt vừa mát đó biểu trưng cho lòng từ bi. Nước này rưới tới đâu là chan rải tình thương tới đó, làm mát mẻ êm dịu mọi khổ đau của chúng sanh.
Hoặc tượng Đức Phật Bà đội mũ ni xanh hoặc đen, ngồi trên tòa sen hoặc thạch bàn, bên tay mặt có một con chim mỏ ngậm xâu chuỗi bồ đề, dưới có đứa trẻ bận khôi giáp chắp tay hầu, chính là đứa trẻ con của Thị Mầu khi xưa như chúng tôi đã dẫn tích trên.
Tín ngưỡng thờ Quan Thế Âm Bồ Tát trong dân gian người Việt ở vùng Sóc Trăng – Bạc Liêu
Các chùa theo phái Bắc Tông đều thờ đức Quan Thế Âm Bồ Tát ngoài khoảng sân rộng, mặt Ngài hướng đại giang hoặc quan lộ. Điển hình cho nghi thức thờ cúng này chính là Quán Âm Phật đài ở Bạc Liêu.
Đây là miền đất cuối trời Nam theo dòng hải lưu Bắc – Nam phù sa bồi lắng vùng hạ lưu sông Mê Kông đã hình thành nên vùng đất màu mỡ, phì nhiêu giáp biển Đông, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 300km, theo quốc lộ 1A trên đường đi Cà Mau.
Cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 8 cây số ngàn, chúng ta sẽ đến với Quan Âm Phật đài.
Ban đầu, chùa chỉ là một căn nhà rộng đơn sơ bằng cây lá, trên một khu đất nhỏ ở ven biển có nhiều ao đầm, bãi bùn với nhiều cây mắm, đước, vẹt… Qua nhiều năm, do sự bồi đắp của thiên nhiên, vị trí đặt tượng đài đã cách biển gần cây số.
Từ cổng tam quan đi vào là cổng trời, tiếp theo là bức bình phong Hàng Long - Phục Hổ, kế đến là đại điện với cột phướn cao 49 mét, pho tượng Quán Âm ngự trên tòa sen hình bát giác cao 11 mét, đứng uy nghi giữa một không gian thoáng đãng hướng nhìn ra biển Đông, bên phải là điện Thiên Thủ thờ Thiên thủ Quán Âm (thờ chính).
Điện Địa Tạng thờ Địa Tạng Bồ Tát (thờ chính). Đây là một vị Bồ Tát chuyên cứu độ sinh linh trong Địa ngục. Bên cạnh đó, trong hai tòa điện này còn có các tượng thờ (phối thờ): Quán Thế Âm Bồ Tát, Chuẩn Đề Vương Bồ Tát, Diệm Diêm Vương Bồ Tát,... Phía trước có Phổ Đà Sơn, bên trái tượng là điện Địa Tạng, phía trước có đền Tiêu Diện Đại Sĩ, trước sân lễ có bức bình phong Phục Hổ, tiếp nối là 32 tượng Bồ Tát hóa thân…
Tượng Phật Bà được khởi công xây dựng từ năm 1973, do hoà thượng Thích Trí Đức đứng ra chủ trì và hoàn thành vào đầu năm 1975. Lúc mới xây dựng, tượng đài được đặt sát mé biển, khi thủy triều lên, nước biển tràn vào có lúc ngập cả chân đế. Qua mấy chục năm, do sự bồi đắp của phù sa, bờ biển lùi ra nên vị trí tượng đài ngày nay đã cách xa biển cả mấy trăm thước tây.
Lễ hội Quán Âm Nam Hải Bạc Liêu mang sắc màu văn hóa Phật giáo, là một trong những lễ hội văn hóa tâm linh nổi bật nhất khu vực Nam sông Hậu được tổ chức hàng năm, trong ba ngày lễ vía Bà từ 22 đến 24 tháng 03 (âm lịch). Ngoài ra, chùa còn tổ chức các ngày lễ khác, như lễ vía Quán Thế Âm trong ba ngày 19 tháng Hai (giáng sanh), 19 tháng Sáu (thành đạo), 19 tháng Chín âm lịch (xuất gia)…
Việc thắp nhang cầu nguyện những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình là một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam nên khi đứng trước tượng Phật Bà thắp hương, lòng thành kính khấn nguyện những điều tốt lành cho những người thân, người ta sẽ thấy tâm hồn mình như bình yên, thanh thản.
Nhiều gia đình người Việt ở miền quê này còn cung thỉnh tranh, tượng Đức Quan Âm về thờ tại gia. Tranh, tượng thỉnh về, người ta thường mang đến chùa gần nhà nhờ sư cụ khai quang rồi mới đem về thờ.
Tranh, tượng được đặt trên cao, khỏi đầu người khi đứng, ở gian nhà trước, mặt nhìn thẳng ra không gian khoáng đãng, tránh hướng mặt Ngài vào những nơi ô uế, xú khí, …
Bàn thờ đức Phật là cái trang nhỏ, trên có lư hương cắm nhang và đủ chỗ để chưng dĩa trái cây, bình hoa, ba chung nước nhỏ. Chiều tối hàng ngày thì đốt nhang cắm vào lư hương. Lư hương ấy luôn được giữ sạch sẽ, nhất là tránh chuyện để cây nhang vì lý do gì đó mà khi đối cháy không hết. Tro nhang cũng được dọn sạch sẽ vào mỗi buổi sáng. Đến ngày sóc, vọng thì chưng hoa cúc, hoa vạn thọ hoặc đóa bông trang, nhành bông giấy, … Cũng rất ít khi dân gian chưng trên bàn thờ Quan Âm các loại hoa khác.
Bàn thờ Phật cũng không thờ chung với các vị Thần, Thánh khác. Thường thì người ta đặt Đức Quan Thế Âm ở giữa, Bồ Tát hai bên, các Thần còn lại ở ngoài hoặc phía dưới.
Dân gian của khuyên rằng các nữ tín đồ thờ Phật tại nhà đến kỳ kinh nguyệt thì không nên đến trước bàn thờ Phật để thắp hương tụng kinh, tọa thiền, niệm Phật.
Như vậy, hình tượng Quan Âm là hiện thân của trí tuệ, từ bi và sự giác ngộ cao tột, người ta tin rằng mỗi khi đứng trước bàn thờ Phật tâm sẽ tịnh, lòng trần rũ sạch mọi sân si, dục vọng để hướng đến nụ cười và nét mặt an nhiên tĩnh tại. Chúng ta có cơ hội chiêm nghiệm về giá trị cao cả của sự yên tĩnh tâm hồn, của tinh thần hỷ xả, độ lượng... rồi phát tâm noi gương, cầu mong Đức Quan Âm gia hộ cho gia quyến được bình an và sớm đạt được sự an lạc trong cuộc sống.