Dân Việt

Những thông tin nhuốm màu… huyền thoại!

PL & XH 18/05/2014 16:15 GMT+7
“Ở Cao Bằng có “cổng trời” thiêng lắm, ước gì được nấy, nhiều người lên đây thắp hương, thậm chí có cả quan chức của Trung ương cũng còn lên nữa mà…”.
Tin đồn mãi loan xa…

Vài năm trở lại đây, một số người thường rỉ tai kéo nhau đến khu vực núi Phia Đây nằm ở thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng, để cầu khấn vì họ cho rằng nơi đây chính là “cổng trời”- nơi giao thoa giữa trời và đất. Đó là một eo núi nhỏ có tên là Sộc Đơ, điểm giáp ranh giữa xã Quang Hán và thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng.

Từ muôn đời nay, eo núi lặng thầm, chỉ lô nhô các mỏm đá tai mèo sắc nhọn và bạt ngàn cỏ tranh, rất ít người qua lại, thỉnh thoảng mới có đôi người đặt chân đến để kiếm củi hoặc tìm lá thuốc.

Lời đồn về “cổng trời” ngày một lan nhanh, thời gian đầu chỉ có vài người biết nhưng về sau nhiều người dân ở các tỉnh, thành khác nhau kéo về “cổng trời”, leo lên tận núi để thắp hương khấn vái.

Khoảng gần trưa, đã bắt đầu xuất hiện những chuyến ô tô khách lấm lem bụi đường chở những người đi lễ tìm về khu vực thị trấn. Càng về chiều, lượng người đổ về đây càng đông. Từ Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, thậm chí là cả ở Cà Mau cũng có người tìm về. Những vị khách thập phương tập trung đông nhất là ngày mùng 1 và ngày rằm. Vào những ngày này ô tô, xe máy xếp hàng dài trên đường lộ.

Vì sao nơi đây bỗng thu hút sự chú ý của khách hành hương như thế? Chúng tôi đã gặp nhiều người dân, kể cả cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh, nhưng không ai rõ lý do. Tất cả chỉ là tin đồn ly kỳ và nhuốm màu… huyền thoại! Người thì bảo, đất này thiêng lắm, vì xưa kia có một nàng tiên chết trẻ (!); người khác nói, vào đúng nửa đêm một ngày đầu năm Kỷ Sửu vừa qua, giữa eo núi này bỗng bừng lên một vừng sáng lung linh, soi rõ từng gốc cây, ngọn cỏ.

Và có hàng tá những câu chuyện “chứng minh” cho sự linh thiêng của cổng trời. “Có một người ở Tuyên Quang lên đây cầu xin số đề. Về nhà anh ta nói với anh em bà con cùng đánh, làm cho một chủ đề sạt nghiệp luôn”…Những lời đồn như thế không chỉ truyền tai nhau mà còn xuất hiện trên cả nhiều phương tiện truyền thông.

"Tôi đã sống ở đây từ ngày bé cho đến khi gần bạc tóc mới biết quê mình có cái “cổng trời” thiêng đến thế. Hàng quán của tôi vài ba năm nay cũng đông hơn nhờ người ta khám phá ra chốn linh thiêng này. Người ta kháo nhau rằng, ở cái “cổng trời” này, đã có một nhà ngoại cảm ở Hà Nội lên đây một lần và cầu khấn ròng rã suốt 5 ngày trời rồi nhà ngoại cảm đã “tiên tri” rằng, nơi đây vào thời điểm kháng chiến chống Pháp đã có rất nhiều bộ đội hy sinh. Giờ họ không muốn về nhà mà ở lại hẻm núi này cùng nương tựa linh hồn vào nhau với lời thề sống chung chiến hào, thác chung nấm mồ. Bởi thế, đây là địa thế rất đỗi linh thiêng”, một bác bán đồ cúng lễ bên đường cho hay.

Có không ít người khẳng định đã thấy hình ảnh cô tiên mặc áo trắng vắt vẻo trên đỉnh núi. Hay trên đỉnh núi tự nhiên phát ra một quầng hào quang, hình dáng đỉnh núi trông như ba cột chống trời. Nhưng khi chúng tôi hỏi danh tính của những người đã nhìn được những hiện tượng trên thì chỉ nhận được câu trả lời đại loại: “Chỉ nghe nói thế, vì những người thật nhẹ vía thì mới thấy”.

Người dân còn kể nhiều câu chuyện ma mị như thế nữa. Có câu chuyện kể rằng, xưa có một người con gái chết trẻ. Vì mang nhiều oan ức sang thế giới bên kia nên cô gái đã hiển linh ở eo núi bé hẹp - nay gọi “cổng trời”.

Người đời cứ đến cầu cúng là ước gì được đấy. Nhiều người đang vận hạn nghèo khó, sau khi đến đây cầu về nhà làm ăn phát đạt, giàu có lại quay về đây lễ tạ. Có nhiều cô cậu học sinh đến đây xin lộc giời mà đỗ đạt, vinh danh. Lại có cả những người gia đình quanh năm mâu thuẫn nhưng khi đến “cổng trời” lầm rầm khấn vái thì đoàn kết thuận hòa trở lại.

Như thế là lời đồn "cầu được ước thấy" cứ ngày một tăng lên. Người đến đây càng ngày càng đông, nhất là tuần rằm, mùng một. Cả đoạn đường từ chân núi lên cổng trời, có bãi đất, lùm cây, tảng đá đều trở thành nơi có thể thắp hương.

Cách chân núi chừng 100m có một bãi đất trống khá bằng phẳng, xung quanh um tùm cỏ gianh cao đến hơn 1m. Tại đây, có mấy hòn đá được dựng lên, xung quanh nghi ngút hương khói, hoa quả, xôi gà và những lời xì xầm khấn vái. Cả một vùng núi hoang sơ bỗng như biến thành khu vực đang thực hiện đại lễ.

Anh Bằng, một người dân sống dưới chân núi kể: “Cổng trời” đông vào những ngày lễ, ngày rằm hay mùng một thì từ đêm hôm trước đến 3g sáng hôm sau đông vui lắm, hàng trăm người xếp hàng lên núi cầu khấn”. Theo anh Bằng thời điểm đó đông nhất vì nhiều người tin rằng đó là lúc “Cổng Trời bắt đầu mở” nên cầu khấn khi đó là thiêng nhất.

img
Cổng trời”, nơi gắn liền với nhiều lời đồn thổi liêu trai. Ảnh: Khánh Phong

Cũng như anh Bằng, một số khách hành hương cho biết, “Đây là thời điểm trời đất giao hòa, âm dương hòa quyện, lòng người thanh thản, lời cầu cúng dễ ứng nghiệm…!”.

Cô gái trẻ tên Lan, ở Hà Nội, lên đây cùng với mẹ. “Em đang chờ điểm thi đại học. Nghe nói cũng sắp có điểm rồi. Mấy hôm nay ở nhà không biết làm gì, hôm đi thi em làm không hết bài nên bây giờ sốt ruột lắm. Nghe bà cô lấy chồng ở đây nói trên này có “cổng trời” thiêng lắm, em lên cầu khấn thánh thần phù hộ để năm nay ước mơ trở thành tân sinh viên thành hiện thực ”.

Chị Minh Trang, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, một người về “cổng trời” để cầu khấn cho biết: “Nghe người ta nói ở đây linh thiêng nên tôi đến để cầu khấn cho công việc làm ăn của gia đình được tốt đẹp. Mà nghe bảo phải đi đủ 3 lần thì cầu khấn mới thiêng nên ngày mồng một hay ngày rằm tôi đều đến đây, hôm nay là lần thứ ba”.

Không chỉ có Lan đến cầu thi cử mà còn rất nhiều học sinh lớp 12 ở Cao Bằng cũng đến cầu. Lúc ra về các cô cậu bảo nhau, “lần này đi “cổng trời” về, lớp mình đỗ hết”.

Đường lên “cổng trời” là một khe núi rất nhỏ, cách mặt đất chừng 900m. Ở vài ba khúc cua, tôi lại cùng đoàn người rẽ vào thắp hương cúng bái. Tôi có cảm giác những người đang đi cạnh mình không phải đến đây lần đầu tiên mà đã quá quen thuộc với “cổng trời” rồi. Nhưng trong không gian yên lặng và sự thành kính hoàn toàn của mọi người tôi muốn hỏi đôi điều nhưng lại thôi.

Một nhóm gồm 6 người từ Hưng Yên tìm về, nghe họ nói chuyện, tôi được biết họ là một gia đình, đã từng đến “cổng trời” cầu lộc cầu tài hồi đầu năm. Trong năm, họ gặp rất nhiều vận tốt nên ngày cận rằm tháng cuối năm, họ mang lễ lên để trả ơn. Điều này tôi có cảm giác nhang nhác với tục đi lễ ở Đền Bà Chúa Kho- Bắc Ninh mà tôi đã có dịp tìm hiểu.

“Cổng trời” mờ ảo trong màn sương dày đặc, trời miền núi về đêm khá lạnh. Nhưng tuyệt nhiên không có lời than thở phàn nàn nào. Mọi người đến đây đều rất thành tâm và yên lặng. Họ lầm rầm khấn những điều mà họ tin rằng ngày mai khi rời khỏi “cổng trời” này sẽ có một thế giới thần linh nào nghe được và giúp họ toại nguyện trong cuộc sống thật. Quan sát xung quanh, người khấn, người cầu, người hóa vàng, người thắp nhang tất cả diễn ra trong một không gian tĩnh lặng.

Chỉ có ánh sáng của ngọn lửa góc hóa vàng, gió lạnh thổi vào khe núi và những tiếng khấn lầm rầm. Điều tôi cảm nhận rõ nhất là mọi cái ác đều gửi lại dưới chân đường lên “cổng trời”. Trên khuôn mặt mỗi người thể hiện rõ sự chân thành hướng thiện khi đứng trước đấng siêu nhiên.