Thương Châu nằm trên con đường huyết mạch buôn bán tất cả các loại sản vật từ các tỉnh phía nam hay kinh đô Bắc Kinh lên vùng Mãn Châu lý và ngược lại, cộng với địa hình, khí hậu hiểm trở, do vậy các chủ hàng luôn phải thuê các đoàn bảo tiêu danh tiếng áp tải hàng qua khu vực này.
Nhân nói lại chuyện bảo tiêu, hầu như trên tất cả các chuyến vận tải hàng, đoàn xe tiêu áp tải trên xe cắm cờ hiệu, các tiêu sư đi kèm, đầu đoàn xe có cờ hiệu lớn của tiêu cục và một vài tiêu khách tốt giọng luôn miệng hét vang tên của Tiêu cục để khách giang hồ biết mà tránh đường, không cướp bóc.
Võ sinh biểu diễn võ thuật tại Festival Võ thuật quốc tế lần thứ 8 tổ chức tại Thương Châu (Hồ Bắc). (nguồn China.org.cn)
Ngày trước, trong võ lâm Trung Hoa có câu cửa miệng “Tiêu không hét Thương Châu”, tức là muốn nói đến các tiêu sư áp tải xe, thuyền của các quan lớn quý hiển đến đâu, qua vùng đất này không được vừa đi vừa hô tên Tiêu cục, không dám khoe võ cậy mạnh.
Ở đây ý nói, Thương Châu là đất võ thuật, nhiều cao thủ giỏi, nên các đoàn bảo tiêu khi áp tải hàng qua vùng này nên “biết ý”, không nên “vỗ ngực xưng danh” kẻo lĩnh hậu quả. Vấn đề “Tiêu đến Thương không hét” đã có hai chuyện lưu truyền rất rộng:
Vào đời Thanh có một võ sư bảo tiêu áp tải hàng qua Thương Châu. Tự cho mình võ công cao cường nên khi đi vào vùng này vẫn cứ cho quân cao giọng hét tên tiêu cục, chuyện này đến tai quyền sư Lý Quán Anh. Thấy chàng trai này qua “cửa lớn” mà vẫn bất chấp tục lệ đã bao đời nay, ông bèn phi ngựa đuổi theo.
Khi phi ngựa vượt qua tiêu sư đó, vừa khéo có một cái nhà bia đá, Lý Quán Anh vươn tay đu lên xà nhà, hai chân khép chặt lại, kẹp chặt con ngựa đang cưỡi và nhấc bổng lên. Con ngựa hí vang, không cựa quậy nổi còn Lý Quán Anh mặt cứ như không.
Người dân Thương Châu luyện võ vào buổi sáng. (nguồn China.org.cn)
Tiêu sư thấy tình thế như vậy, biết ngay là đã gặp phải tay chẳng vừa, vội vã xuống ngựa dập đầu xin lỗi. Từ đó trở đi, cứ mỗi lần đi qua Thương Châu, vị tiêu sư này đều phải mang hai bầu rượu mời các quyền sư nơi đây rồi cứ việc đi qua, nhưng việc hét tiêu không xảy ra nữa.
Chuyện khác, trong “Thanh Liệt truyện” chép lại rằng, có một cao thủ về môn ám khí “thần đạn” có tên “Thần đạn thủ” Lý Ngũ trong một lần áp tải hàng qua Thương Châu cũng cố ý hét tiêu. Qua một cây cầu nhỏ, Lý Ngũ gặp một cụ già râu tóc bạc phơ đi cạnh một cô gái trẻ. Tới gần, quân của Lý Ngũ vẫn hét tiêu lanh lảnh làm cụ già giật mình.
Cô gái bèn đứng chặn giữa đường, nói: “Anh đừng tự đắc có võ nghệ cao cường, nghe xưng danh tiêu cục thì biết anh là “Thần đạn thủ”. Anh thử bắn ba phát đạn vào đầu tôi đây, nếu trúng tôi bái anh làm thầy, còn nếu anh bắn không trúng, anh phải quỳ xuống xin lỗi tôi”.
Lý Ngũ không có ý làm cô gái bị thương, bèn phất tay áo nhắm bắn viên đạn sắt vào chiếc nón cô gái đội. Ai ngờ bắn cả ba lần mà chẳng thấy cô gái nhúc nhích, chỉ thấy cô gái nhanh như cắt rút từ thắt lưng rút ra một giải khăn lụa, phất lên ba lần, sau đó vươn tay vuốt, lấy ra ba viên đạn trong cái túi nhỏ ở đầu khăn.
Lý Ngũ phát hoảng, nhưng nếu quỳ xuống xin lỗi theo đúng giao ước thì còn mặt mũi nào. Đang phân vân thì cụ già tiến lại nói: “Ta thay cháu ta bỏ qua cho anh, từ giờ trở đi khi qua đây không được hét tiêu. Bởi đó là nguyên tắc truyền đời”.
Lý Ngũ biết gặp đại cao thủ, bèn dập đầu xin lỗi, ngỏ ý xin vái lạy ông cụ làm thầy. Được lời, từ đó Lý Ngũ ở lại Thương Châu học võ luyện nghệ, sau cùng cô gái kết duyên vợ chồng.
Ngoài ra, còn rất nhiều giai thoại về các cao thủ võ lâm ở vùng này, càng khẳng định rằng Thương Châu chính là cái nôi của võ thuật dân gian Trung Hoa.