Dân Việt

Đổi đời trên quê mới

Kiều Thiện 27/05/2014 08:30 GMT+7
“Chúng tôi được Nhà nước chuẩn bị những điều kiện sinh hoạt và sản xuất khá chu đáo nên dân bản ổn định nhanh và có nhiều điều kiện làm giàu” - anh Lù Văn Chảnh- Trưởng bản Pó Luông, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) tâm sự.
Cuộc đổi đời

Anh Lù Văn Quân - Phó Bí thư chi bộ bản Pó Luông kể: “Ngay từ khi chuyển đến đây vào ngày 13.3.2008, chúng tôi đã được cán bộ và người dân đón nhận, giúp đỡ rất nhiệt tình.

Đường giao thông đã có, nền nhà đã san ủi sẵn, đất ở khoanh theo từng hộ rồi, điện lưới đã mắc, nước ăn có đường ống dẫn đến từng hộ. Nhà sàn mang từ quê cũ ở Liệp Muội (Quỳnh Nhai, Sơn La) ra, cứ vậy dựng nhà lên, việc ổn định đời sống chỉ mất chừng hơn 1 tháng là xong xuôi, kịp lúc bắt tay vào sản xuất vụ mùa đầu tiên trên quê mới”.

Các hộ dân bản Pó Luông đều đầu tư phát triển đàn gia súc, gia cầm hàng hoá.
Các hộ dân bản Pó Luông đều đầu tư phát triển đàn gia súc, gia cầm hàng hoá.

Với già bản Lù Văn Ún (85 tuổi) thì “cuộc di dân tái định cư Thuỷ điện Sơn La với chúng tôi là cuộc đổi đời”. Quê cũ ở bản Có, xã Liệp Muội, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) của già Ún không có điện, nước sinh hoạt thiếu thốn, đường giao thông rất khó khăn, đất đồi ở đó không trồng nổi cây ngô tốt...

Về với Pó Luông, bà con tái định cư được nhận diện tích đất ở ngay trên những vườn nhãn sai trĩu quả của người dân sở tại, được chia đất sản xuất gồm cả lúa nước và vườn đồi. “Tuy chưa có những kinh nghiệm tốt để làm lúa nước, trồng ngô lai nhưng chúng tôi được cán bộ khuyến nông và người dân nơi đây hướng dẫn rất chu đáo nên thu hoạch cao ngay từ vụ đầu tiên, ai cũng phấn khởi. Ở đây tiện đường giao thông nên nông sản làm ra bán được giá, khách đến mua tận nhà, thuận lợi lắm” - ông Ún bảo vậy.

Không chỉ giúp người dân sớm ổn định đời sống và sản xuất, chính sách tái định cư Thuỷ điện Sơn La ở huyện Sông Mã được thực hiện một cách bài bản và quyết liệt, vì thế những quyền lợi của người dân được chăm lo chu đáo. Anh Lù Văn Chảnh - Trưởng bản Pó Luông cho biết: “Chúng tôi được tập huấn khuyến nông rất kỹ, được tham gia các mô hình sản xuất và đặc biệt là được hỗ trợ cây giống, con giống chất lượng cao và kịp thời.

Yên tâm lập nghiệp

Trưởng bản Lù Văn Chảnh cho biết thêm: 6 năm trên đất mới, bản đã cơ bản xoá được hộ nghèo, không còn nhà tạm, hộ khá, giàu chiếm tới hơn 25% số hộ trong bản.

Chị Lù Thị Bỉnh - dân bản cho biết: “Nhà nước hỗ trợ chúng tôi một số con giống với mức bình quân 2 lợn nái hoặc 1 con bò cái nền, 1 cặp dê hay vài chục con ngan… Nhưng với kiến thức chăn nuôi được tập huấn và vốn hỗ trợ của dự án di dân tiết kiệm được, gia đình tôi đầu tư mua thêm 2 con bò, mấy con dê... Thu nhập hàng năm của gia đình tôi đã đạt hơn 100 triệu đồng trong 3 năm nay”.

Gần nhà chị Bỉnh là nhà chị Lù Thị Huệ “có mức thu nhập hàng năm hơn 200 triệu đồng, khá nhất cái bản này” (lời chị Bỉnh). Gia đình chị Huệ chuyển về đây chỉ năm trước năm sau là bắt tay vào làm kinh tế.

Chị Huệ kể: Về đây mới biết cách làm ăn lớn vì được tập huấn nhiều, được tiếp xúc với dân sở tại có nhiều hộ làm ăn giỏi. Tôi bàn với chồng phải phát triển chăn nuôi để làm giàu, đăng ký tham gia mô hình phát triển dê, bò. Từ 4 con dê ban đầu, 5 năm nay, tôi đã có 170 con dê. Ngoài ra, nhà có 4 con trâu nái, hàng chục con lợn, có ao cá, rất nhiều ngan lai, gà, vịt, ngỗng… Chị bảo: “Ở đất này, nếu chịu khó và biết cách chi tiêu thì làm giàu cũng không khó lắm”.