Dân Việt

Mỹ dùng "độc chiêu" để kiềm chế Trung Quốc ở Thái Bình Dương?

Văn Biên (theo Eurasia Reviews) 25/05/2014 19:57 GMT+7
Những đánh giá của nhà nghiên cứu Harshita Kohli tại Đại học Công nghệ Nam Dương (Singapore) trên tờ báo Eurasia Reviews mới đây phần nào cho thấy chiến lược quân sự mà Mỹ đang thực hiện ở Châu Á-Thái Bình Dương.
Chiến lược quân sự của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương đang thực hiện dựa theo hai trục chính quan trọng. Đó là triển khai thủy không tác chiến nhằm vào khu chống truy cập trên biển do Trung Quốc thiết lập và đẩy mạnh mối quan hệ mật thiết với các đồng minh chủ chốt của Mỹ trong khu vực.

Đây là những đánh giá của nhà nghiên cứu Harshita Kohli tại Đại học Công nghệ Nam Dương (Nanyang Technological University) ở Singapore trong một bài phân tích đăng tải trên tờ báo Eurasia Reviews mới đây.


img
Thủy quân lục chiến Philippines cùng Mỹ, Nhật trong một cuộc tập trận năm 2011.


Theo bài phân tích, chuyến thăm gần đây của Tổng thống Mỹ Brack Obama tới Châu Á là một nỗ lực để Mỹ trấn an các đồng minh trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong chiến lược tái cân bằng sức mạnh không chỉ trong kinh tế, ngoại giao mà cả quân sự-một khía cạnh không thể bỏ qua trong các cuộc thảo luận, vẫn là một hướng ưu tiên hiện nay của Mỹ.

>> Bắn thử vũ khí mới Việt Nam chế tạo trên xe thiết giáp Mỹ sản xuất


Chiến lược quân sự này của Mỹ gồm có hai trụ cột có quan hệ chặt chẽ với nhau. Thứ nhất đó là sự phát triển khả năng Thủy không tác chiến (Air-sea Battle, ASB) để chống lại những đe dọa từ chiến lược chống truy cập và phong tỏa khu vực (A2/AD) do Trung Quốc đang tham vọng thiết lập. Thứ hai, Mỹ sẽ hình thành các mối liên kết quân sự gần gũi hơn nữa với các đồng minh chủ chốt trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Tăng cường Thủy không tác chiến

Để thực hiện trụ cột này, khả năng Mỹ sẽ thực hiện dự án phát triển các lực lượng vũ trang xa bờ và triển khai các lực lượng này chiến đấu với sức mạnh chưa từng có trong lịch sử quân sự. Mỹ hiện nay đang rất lo ngại những đe dọa có khả năng leo thang trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khi chi tiêu quân sự của Trung Quốc không ngừng tăng lại tập trung phần lớn vào cải thiện phạm vi và độ chính xác cho kho vũ khí tàu khu trục, các tên lửa đạn đạo, tên lửa không đối không và đất đối không nhằm vào các cơ sở quân sự của đối phương.

img
Hải quân Mỹ ở đảo Darwin phía Nam Australia

Khả năng A2/AD của Trung Quốc được thiết kế nhằm ngăn chặn đối phương và bảo vệ các mục tiêu quân sự quan trọng của Trung Quốc khỏi các cuộc tấn công kéo dài. Bằng cách kết hợp khả năng của các lực lượng trên không, đất, hải quân, vũ trụ và không gian mạng, chiến lược ASB của Mỹ sẽ đem lại khả năng tổ chức bền vững và sức mạnh tốt hơn để ngăn chặn khả năng A2/AD của Trung Quốc trong trường hợp có chiến sự xảy ra.

Hiện Mỹ đang đẩy mạnh phát triển cơ cấu lực lượng theo hướng phù hợp với chiến lược tại Châu Á-Thái Bình Dương. Trong đó Không quân Mỹ có từ 43.000-46.000 quân ở Thái Bình Dương và đóng quân gầm 60% phi đội chiến đấu cơ F-22 Raptor ở trong và xung quanh Thái Bình Dương. Mỹ cũng dự kiến sẽ đưa chiến đấu cơ đa năng F-35 tới Thái Bình Dương.

>> Hải quân Nga ở Thái Bình Dương: Xếp sau cả Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc?


Theo chiến lược ASB, Hải quân Mỹ dự kiến sẽ bố trí một lực lượng hải quân khá lớn trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, chiếm 60% hạm đội Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương vào năm 2020. Hải quân Mỹ tại đây cũng đang có kế hoạch tăng thêm 1 tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới để thay thế tàu ngầm tên lửa ddanjd dạo triến lược lớp Ohio đang hoạt động.

Siết chặt mạng lưới các đồng minh


Mỹ sẽ xây dựng và củng cố mạng lưới đồng minh trong khu vực để hỗ trợ cho việc triển khai chiến lược ASB trên toàn Châu Á-Thái Bình Dương. Những động thái của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông và biển Hoa Đông đã làm cho rất nhiều đồng minh của Mỹ muốn tăng cường thêm quan hệ an ninh và quốc phòng với chính quyền Washington.

Đơn cử như trường hợp xung đột giữa Philippines và Trung Quốc trong bãi cạn Scarborough từ đầu năm 2012 đã khiến Philippines không chỉ tái cấu trúc quân đội mà ngày càng thắt chặt với Mỹ để tăng sức mạnh hải quân. Cuối năm ngoái, Washington đã viện trợ cho Philippines 50 triệu USD dể nâng cao nực lực hải quân của nước này. Chuyến thăm của Tổng thống Obama vừa qua đã hiện thực nhiều thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa hai nước và mở cửa cho 4500 lính Mỹ cùng các tàu chiến, máy bay Mỹ triển khai ở Philippines. Mỹ còn không ngừng hỗ trợ đào tạo quân đội Philippines sử dụng các máy bay không người lái (UAV) để giám sát tốt hơn.

Hay như trường hợp xung đột giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã buộc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải tìm cách tăng cường sức mạnh quân sự. Chính phủ Nhật thậm chí còn muốn sửa đổi Hiến pháp của Nhật Bản để loại bỏ một số trở ngại trong việc phát huy sức mạnh quân sự. Bên cạnh đó, Mỹ, đồng minh của Nhật Bản, cũng dự kiến điều máy bay săn ngầm P-8 và cả UAV Global Hawk tới Nhật Bản. Năm 2017, Mỹ còn lên kế hoạch thiết lập một phi đội chiến đấu cơ F-35B tại đây.

Trong khi đó Mỹ và Hàn Quốc, một đồng minh chủ chốt của nước này đã tiến hành một số cuộc tập trận ứng phó chiến tranh tiềm năng trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ cũng đã bắt đàu tổ chức đối thoại ba bên với các đồng minh quan trong nhất ở Châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, theo Eurasia Reviews, Australia được xem là nước có một vai trò cực kỳ quan trọng trong trục đồng minh của Mỹ ở Thái Bình Dương. Cùng với việc triển khai luân phiên 2500 quân ở Darwin, một căn cứ máy bay không người lái của Mỹ đang được phát triển ở quần đảo Cocos. Đảo Pine Gap, gần Alice Springs, còn là một trong 3 trạm theo dõi vệ tinh do các cơ quan tình báo và quân đội Mỹ điều hành đóng vai trò quan trọng để Mỹ phân tích các dữ liệu của một số khu vực, trong đó có Đông Nam Á, được truyền từ vệ tinh của Mỹ.

Do vị trí địa lý, Australia còn có khả năng cung cấp hỗ trợ hậu cần và tình báo quan trọng cho các lực lượng của Mỹ trong trường hợp cuộc đối đầu Trung Quốc và Mỹ diễn ra. Trong khi các căn cứ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương có thể gặp những hiểm họa lớn thì sự hỗ trợ của Australia lại càng cần thiết cho Washington do Australia nằm ở một khoảng cách an toàn khỏi sự đe dọa của một số lượng lớn tên lửa của Trung Quốc.

Bài phân tích trên Eurasia Reviews cho rằng, chiến lược tái cân bằng của Mỹ có thể/hoặc không thể kiềm chế nổi Trung Quốc. Nhưng chắc chắn các thỏa thuận mà Washington đã đạt được và đang tiếp tục phát triển ở Châu Á rõ ràng cho thấy, Mỹ đang có kế hoạch trong tương lai đảm bảo rằng Mỹ đã chuẩn bị tốt cho bất kỳ trận thủy không chiến trên biển nào để bảo vệ các đồng minh trong khu vực.