Theo các nhà khoa học NASA, một khu vực lớn của thềm băng Tây Nam Cực đã bị tan chảy một cách không thể kiểm soát và không có khả năng băng được hình thành lại.
GS Khoa nghiên cứu khoa học Trái đất tại Đại học California Irvine, ông Eric Rignot cho biết: “Tốc độ tan chảy là không thể ngăn chặn nổi. Điều này sẽ gây ra ảnh hưởng lớn đến sự dâng cao của mực nước biển toàn cầu, khiến nó cao thêm khoảng 1,2m.”
Sông băng Thwaites ở Tây Nam Cực đang tan chảy rất nhanh
Rignot cho biết nghiên cứu của ông dựa trên dữ liệu có được từ các vệ tinh, máy bay và tàu thủy cùng với những khảo sát vào nền vỉa băng ở khu vực phía tây của Nam Cực.
Một nghiên cứu đực đăng trên "Tuần báo khoa học" mới đây cho thấy sông băng Thwaites đang tan rất nhanh và khi tan hết, nó sẽ khiến mực nước biển tăng lên tận 61 cm.
Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Ian Joughin từ Đại học Washington cho biết quá trình tan chảy dự kiến mất từ 200 đến 1.000 năm và đó là điều không thể tránh được.
Sridhar Anandakrishnan, GS khoa Khoa học địa chất tại Đại học Pennsylvania cho biết nguyên nhân của việc này chính là do những biến đổi khí hậu do con người gây ra trong quá trình đốt các nhiên liệu hóa thạch.
“Khi các sông băng và vỉa băng tan nhanh hơn, lượng nước dư ra không còn nơi nào khác để đổ vào ngoại trừ đại dương, và khi đó mực nước biển toàn cầu sẽ dâng cao.
Cho đến lúc này, những phần băng bị mất ở Nam Cực không còn ở quy mô như cũ. Có vẻ như mọi thứ đang thay đổi”, Anandakrishnan cho biết.